“Phế phẩm”

“Phế phẩm”
TP - Kết luận thanh tra của Hà Nội với một trường đại học có tên Công nghệ và Quản lý Hữu nghị khiến dư luận không khỏi giật mình. Té ra cái gọi là trường đại học này không hề có một tấc đất cắm dùi. Tỷ lệ diện tích đất là... 0m2 trên 1 sinh viên.

Trường lớp toàn đi thuê nhà ở của dân với diện tích sàn xây dựng chưa đầy 1000 m2 (8 tầng), trực tiếp phục vụ đào tạo chỉ 256m2 đạt tỷ lệ 0,8m2/1sinh viên, trang thiết bị dạy học phục vụ các khoa ngành không có.

Đáng chú ý, mới thành lập dăm năm mà đã có tới 4 đời hiệu trưởng toàn các giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ. Vị hiệu trưởng đời chót thì suốt gần 2 năm nay đã không đến làm việc, không có tên trong bảng lương.

Ấy vậy mà trường đại học này đã tuyển sinh để đào tạo tới 5 khóa (2009-2014) với tổng số sinh viên là 596, trong đó nhiều năm có tới ngót một nửa là sinh viên “dỏm”, tức không đủ điều kiện nhập học, năm 2013 trường tuyển được 14 SV thì có tới 5 SV trong hồ sơ không có giấy chứng nhận kết quả thi. Chưa hết, hàng loạt các ngành học đăng ký và được Bộ GD&ĐT cho phép song lại không hề có giảng viên.

Chừng đó thôi hẳn đã quá đủ cho chúng ta hình dung về chất lượng dạy và học trong những “giảng đường” đại học này. UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ GD&ĐT tạm đình chỉ tuyển sinh của trường này từ năm học 2014-2015.

Thiết nghĩ, chưa cần đình chỉ chắc cũng khó có học sinh nào đủ dũng cảm đăng ký dự thi vào những ngôi trường “ảo” từ cơ sở vật chất tới đội ngũ giáo viên như thế này.

Chỉ có một điều lạ là, không hiểu sao ngôi trường này vẫn tồn tại giữa thủ đô suốt nhiều năm nay, vẫn chiêu sinh được tới 5 khóa với hàng trăm người học. Liệu rồi đây, bằng cấp và số phận các sinh viên này sẽ ra sao ? Ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí cả thời gian và tiền bạc của hàng trăm con người?.

Phế phẩm của một dây chuyền sản xuất có thể sửa chữa hoặc cùng lắm là vứt bỏ. Song “phế phẩm” của một trường học, của sự “trồng người” sẽ mang hậu quả tai hại cho chính những học sinh, sinh viên đó và cho cả xã hội.

Trong tổng số trên 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước hiện nay, liệu có bao nhiêu ngôi trường đã và đang cho “ra lò” những “phế phẩm” ? Xin đừng để những ngôi trường “ảo” như trên tiếp tục xuất hiện, bởi hậu quả mà chúng để lại chính là những nguồn nhân lực chất lượng kém cho đất nước.

Câu hỏi và lời đề nghị này xin gửi tới các nhà quản lý giáo dục nước nhà.

MỚI - NÓNG