Phòng bệnh…

Hiện trường vụ sập hầm ở Lâm Đồng
Hiện trường vụ sập hầm ở Lâm Đồng
TP - Cả nước có 22 vị bộ trưởng mà chỉ riêng một vụ sập hầm đã khiến ba vị phải có mặt tại hiện trường, phần nào cho thấy tính nghiêm trọng của vụ tai nạn.

Trong ba ngày qua, liên tiếp có những tai nạn thương tâm khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người rơi vào hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa.

Đó là các vụ lật thuyền chiều tối 15/12, tại cửa biển xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, Thái Bình) làm 6 người tử vong.  Chiều tối 16/12, một ô tô quân sự bị lật, rơi xuống suối tại xã ĐăkPre, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam khiến 5 chiến sỹ thiệt mạng, 4 người bị thương.

Trước đó, sáng cùng ngày, một vụ sập hầm xảy ra tại công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khiến 12 công nhân mắc kẹt. Cho đến khi bài viết này được thực hiện, các lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm đủ mọi cách duy trì sự sống và cứu 12 người còn kẹt bên trong đoạn hầm được nói là dài khoảng 25m, trong đó có một phụ nữ.

Mặc dù may mắn tất cả những người bị kẹt đều khỏe mạnh, tình hình khá căng thẳng bởi chưa rõ lúc nào và bằng phương án nào lực lượng cứu hộ đưa được họ ra ngoài an toàn, bởi vụ việc ẩn chứa nhiều hiểm nguy khôn lường.

Vụ sập hầm thủy điện càng “nóng” lên khi có tới ba vị bộ trưởng, một thứ trưởng cùng tới chỉ đạo cứu hộ. Đó là các vị: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. 

Cả nước có 22 vị bộ trưởng mà chỉ riêng một vụ sập hầm đã khiến ba vị phải có mặt tại hiện trường, phần nào cho thấy tính nghiêm trọng của vụ tai nạn. Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Xây dựng cùng chỉ đạo cứu hộ, trong khi Bộ  trưởng Y tế thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Sự có mặt các vị đứng đầu ngành khiến người thân các nạn nhân yên tâm hơn.

Nhưng nếu hôm qua, Bộ trưởng GTVT hay Bộ trưởng NN&PTNT cũng về Thái Bình thăm hỏi gia đình các nạn nhân bị lật thuyền, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng tới tận hiện trường vụ lật xe… thì sao?

Một số người, trong đó có cả đại biểu Quốc hội từng nói, đến tận nơi, “sâu sát” là tốt, nhưng với cương vị của một lãnh đạo ngành, các bộ trưởng nên tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành, hơn là cứ chạy đi chạy lại giải quyết sự vụ và đó không phải là phong cách của người quản lý hiện đại.

Nếu công tác quản lý tốt, sẽ không có nhiều lùm xùm liên quan thủy điện như thời gian vừa qua, không xảy ra những vụ việc như nứt thân đập thủy điện Sông Tranh 2 và nay là sập hầm thủy điện Đạ Dâng…

MỚI - NÓNG