Quy hoạch... trên giấy

TP - Điểm đáng lưu ý trong trả lời chất vấn sáng 13/6 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đó là còn khoảng cách rất lớn giữa những bản quy hoạch, kế hoạch của Bộ này đối với thực tế phát triển nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt hai câu hỏi: “Căn cứ vào đâu Bộ quy hoạch dự báo ngành chăn nuôi, phê duyệt tổng đàn lợn đến năm 2015 là 32,2 triệu con, đến 2020 là 34,4 triệu con?

Theo số liệu thống kê hàng năm, năm 2015 tổng đàn lợn mới chỉ đạt được hơn 27,7 triệu con và 2016 đạt hơn 29 triệu con, thấp hơn rất nhiều so với quy hoạch nhưng thị trường lại dư thừa hàng chục triệu con và giá cả giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của bộ?”.

Không trả lời thẳng vào căn cứ lập quy hoạch, chất lượng bản quy hoạch này nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận quy hoạch nêu trên đã không thực sự gắn được với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

“Tiêu thụ sản phẩm là vấn đề chung của chúng ta. Sức sản xuất của Việt Nam lớn, tuy nhiên khâu tổ chức thị trường và chế biến, tiêu thụ kém. Để hội nhập thị trường thế giới, quy chuẩn, giá thành và các yêu cầu khác phải tổ chức lại”, Bộ trưởng NN&PTNT nói. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tình trạng dư thừa thịt lợn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nguyên nhân do chất lượng quy hoạch chưa cao.

Phát biểu liên quan đến sân golf Tân Sơn Nhất đang là tâm điểm của dư luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sắp tới, Bộ KH&ĐT sẽ gương mẫu bỏ luôn quy hoạch sân golf đến năm 2020 đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Theo ông Dũng, đây là một loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết theo tinh thần của dự án Luật Quy hoạch đang được Quốc hội cho ý kiến. Qua đó các địa phương sẽ quyết định và chuyển việc phê duyệt dự án sân golf thành dự án đầu tư có điều kiện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Chúng ta đã chi rất nhiều tiền cho quy hoạch phi vật thể, tức là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiệu quả rất hạn chế.

Sự kiện cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri kỳ này đó chính là việc chiều ngày 12/6, Quốc hội biểu quyết việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 3.

Theo đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch tại kỳ họp này do còn quá nhiều ý kiến khác nhau. Dự luật có nhiều vấn đề liên quan đến ít nhất 45 luật hiện hành, cần có thời gian tham gia sâu, đánh giá của các cơ quan liên quan chịu tác động.

Phải chăng sự cẩn trọng của Quốc hội kỳ này đối với dự thảo Luật Quy hoạch cũng là nhằm ngăn chặn những bản quy hoạch tiêu tốn tiền tỷ nhưng ít có ý nghĩa với đời sống, thậm chí chỉ tồn tại trên giấy!

MỚI - NÓNG