Rồi 'cả làng' lại cùng chịu?

Rồi 'cả làng' lại cùng chịu?
TP - Sau dự án cầu Nhật Tân bị nhà thầu Nhật Bản đòi bồi thường 155 tỷ đồng vì chậm trễ trong việc giao mặt bằng “sạch”, một số chuyên gia đã dự đoán tình trạng này sẽ còn tiếp diễn với nhiều dự án khác  có sự tham dự của nhà thầu nước ngoài.

Và không cần phải chờ đợi lâu, một nhà thầu khác là liên danh gồm nhà thầu Nhật Bản Sumitomo và một doanh nghiệp trong nước là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) đang đòi UBND TPHCM bồi thường vì chậm giao mặt bằng dẫn đến dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên bị chậm tiến độ 27 tháng, tính ra mỗi tháng chủ đầu tư phải đên 2,5 tỷ đồng.

Trong vụ cầu Nhật Tân, các chuyên gia đã chỉ ra rằng lỗi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, tức là các đơn vị trong nước chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Nhưng cho đến nay, sự tranh cãi qua lại giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa ngã ngũ và “địa chỉ” chịu trách nhiệm chính vẫn chưa được chỉ rõ. Nhưng qua tranh cãi qua lại giữa các bên, có thể thấy trước khi thực hiện dự án, trong hợp đồng với nhà thầu nước ngoài có đầy đủ điều khoản về chuyện đền bù, dù các bên (phía Việt Nam) bao gồm địa phương nơi thực hiện dự án và đơn vị quản lý ngành vẫn chưa có sự thống nhất về một số phương án thực hiện, trong đó có việc quan trọng là giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, chắc chắn vì nhiều lý do, nhiều mục tiêu mà dự án vẫn được thực hiện và hậu quả là một khoản đòi bồi thường không hề nhỏ chưa có địa chỉ chịu trách nhiệm cho dù trách nhiệm bồi hoàn của phía Việt Nam là rõ ràng. Cũng vẫn với nguyên nhân ấy, cho dù từng tình tiết trong câu chuyện metro TPHCM có khác: thay vì không thống nhất giữa địa phương và cơ quan quản lý ngành, dự án metro TPHCM gặp chuyện với sự tiền hậu bất nhất của đơn vị chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng và những xung đột lợi ích giữa đơn vị đang nắm giữ mặt bằng, giữa địa phương này và địa phương kia mà cụ thể là giữa TPHCM và Bình Dương.

Nhưng nguyên nhân cụ thể là gì thì câu chuyện cầu Nhật Tân và metro TPHCM đang cho thấy sự luộm thuộm, cẩu thả của các đơn vị thực hiện dự án trong nước. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đây lại là hai dự án liên quan đến nhà thầu nước ngoài. Với nhà thầu trong nước, người ta có thể xuê xoa, hợp thức hóa, hữu hảo với nhau nhưng làm ăn với nước ngoài là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Điều nguy hiểm nằm ở chỗ đây chỉ là hai trong rất nhiều dự án có yếu tố nước ngoài. Nhưng điều quan trọng hơn nữa mà đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng: Ai sẽ trả tiền đền bù, liệu có ai sẽ móc tiền túi ra trả, hay tất cả rồi cuối cùng vẫn đổ lên “cả làng”, nghĩa là ngân sách, là tiền thuế của người dân?

MỚI - NÓNG