Sát thủ vô hình

Sát thủ vô hình
TP - Người ta gọi HIV/AIDS là căn bệnh thế kỷ (20) nhưng có thể nói trầm cảm là căn bệnh mang tính thời đại, bởi nó đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn cầu và theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của chứng trầm cảm đến từ các vấn đề mang tính xã hội, cộng đồng.

Thực tế cho thấy chứng trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi. Trầm cảm được xem là một “sát thủ vô hình”, bởi rất nhiều người chưa mường tượng được sự nguy hiểm của nó.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850.000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu bệnh nhân.

Danh họa Van Ghogh là một trong những người bị trầm cảm nổi tiếng nhất thế giới. Màu sắc u ám, những hình thù có phần kỳ dị trong một số bức tranh của ông phản ánh thế giới quan của một con người u uất và chính ông cuối cùng đã tự tìm đến cái chết.

Trong thời kỳ hiện đại, trầm cảm đang có dấu hiệu bùng phát. Theo một tài liệu, khoảng 3-5% dân số Việt Nam mắc chứng trầm cảm. Đáng ngại là chứng bệnh mang yếu tố sức khỏe tâm thần này phát tác không chỉ người già, vốn là đối tượng phổ thông, mà nay có cả những bệnh nhân trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những người lẽ ra trong độ tuổi “phơi phới sức xuân”.

Trầm cảm, theo các chuyên gia, thường bắt nguồn từ những chuyện buồn phiền trong cuộc sống: mất việc làm, mâu thuẫn trong gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột, thậm chí là do áp lực thi cử, học hành…

Có ai đó nói, buồn phiền là căn bệnh của đời người, ý nói sống ở đời khó tránh khỏi nỗi buồn. Nhưng quả là đau xót khi chỉ vì thi trượt mà một cô bé phải tự sát, chỉ vì thất bại trong kinh doanh mà có người tìm đến cái chết.

Thậm chí có trường hợp chỉ là một vài câu nói không khéo léo, để người trầm cảm âm thầm trong thời gian dài tự kết thúc đời mình trong khi người đời không hề hay biết nguyên nhân thực sự.

Đời sống khó khăn, quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, khó lường, những kỳ vọng vào bản thân và người thân, sức ép của cuộc đua tiền tài, vật chất với người đời… chắc chắn là những chất xúc tác đối với bệnh trầm cảm.

Đặc biệt đối với những bệnh nhân trẻ, những người buồn từ nỗi buồn vẩn vơ trở đi, sự lạc lối trong tư duy, gần như không có niềm tin vào bất cứ điều gì kể cả bản thân mình, trầm cảm là kết cục khó tránh.

Nhưng đáng buồn là dường như người lớn cho đến nay chưa đánh giá đúng mức sự nghiêm trọng của trầm cảm!

MỚI - NÓNG