Sau một kỳ thi lạ

Thí sinh rời thành phố về quê sau kỳ thi. Ảnh: Như Ý
Thí sinh rời thành phố về quê sau kỳ thi. Ảnh: Như Ý
TP - Cuối cùng, kỳ thi “2 trong 1” (tốt nghiệp phổ thông + tuyển sinh đại học) áp dụng lần đầu tiên cũng trôi qua. Êm đẹp, thành công hay không, đến thời điểm này còn chưa thể kết luận. Nhưng sau bốn ngày thi, phải thừa nhận mọi thứ đã nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Cơ bản chấm dứt cơn ác mộng khủng khiếp về tàu xe, đi lại, ăn ở...khi hàng triệu thí sinh và người nhà không còn phải lặn lội cả ngàn cây số lai kinh ứng thí như trước. Và trước mắt về mặt hình thức, xã hội đã bớt được gánh nặng của một kỳ thi.

Thế nhưng, có lẽ vì sự “êm ả” (ít xì-căng-đan cho đến thời điểm này)  của kỳ thi vốn được coi là điểm nóng nhất hằng năm, nên dư luận bắt đầu xoay qua…trách cứ thí sinh (!?). Rằng các cô cậu đi thi bây giờ được chiều chuộng quá đáng. Rầm rập cả xã hội phải chạy theo “hầu hạ”. Huy động cả hệ thống chính trị của bộ ngành, địa phương, cho đến cha mẹ ông bà, đến cảnh sát giao thông, cảnh sát bảo vệ, thanh niên tình nguyện, chủ nhà trọ khách sạn, chùa chiền, xe ôm xe thồ… Chở đi chở về, hướng dẫn đi lại, cơm bưng nước rót, quạt mát tại chỗ, ăn ở miễn phí… Đỉnh điểm gây tranh cãi là hình ảnh những sinh viên tình nguyện nắm tay nhau làm thành “hàng rào sống” giữa trưa nắng 40 độ để bảo đảm trật tự giao thông trước các điểm thi…  

Người ta sa vào cuộc cãi mắng thí sinh lẫn sinh viên tình nguyện. Thế nhưng lại có vẻ không nhận ra những làn sóng ngầm bên dưới với hàng loạt câu hỏi cần lời đáp. Khi sáng qua, ở môn thi Lịch sử, hàng loạt điểm thi trên cả nước phải đóng cửa vì không có thí sinh nào. Ở Nghệ An, có nơi tới 66 cán bộ nhân viên phục vụ chỉ …1 thí sinh thi môn Sử!

Và nữa, với bộ đề “2 trong 1” (có độ khó nhất định) lần đầu tiên được sử dụng trong một kỳ thi đổi mới hoàn toàn rất cần sự nghiêm túc để tạo đà này, liệu tỷ lệ thí sinh trượt tốt nghiệp có vượt ngưỡng ngoài ý muốn ? Nếu vậy, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, thỏa hiệp để có tỷ lệ tốt nghiệp “đẹp”, hay siết lại cho đúng với thực lực học hành ?

Thành bại của một nền giáo dục không chỉ phụ thuộc vào thành bại của một kỳ thi, cho dù đó là kỳ thi của những đổi mới căn bản.

Câu cuối của đề thi môn Lịch sử năm nay, yêu cầu thí sinh lựa chọn một nhân tố chủ quan từng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, để tiếp tục phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trả lời để lấy điểm câu này không khó. Tuy nhiên, mỗi một thắng lợi gặt hái được, không chỉ đến từ mỗi bài học từ những cuộc kháng chiến. Mà còn chính từ mọi va vấp, những bài học tìm thấy hôm nay. Như chính kỳ thi “lạ” vừa xong, còn không ít vấn đề cần đúc rút…

MỚI - NÓNG