Sẻ chia và đồng cảm

Sẻ chia và đồng cảm
TP - Trong một bức thư gửi đến câu lạc bộ những gia đình có con mắc chứng tự kỷ ở TPHCM, một bà mẹ có con mắc căn bệnh này đã viết: “Như bao người cha, người mẹ khác, chúng tôi hạnh phúc vô bờ khi đón nhận đứa con chào đời.

> Xếp hàng xin con lên rừng, xuống biển

Lúc nhìn vào gương mặt sáng sủa, thánh thiện như thiên thần của con, tôi không nghĩ đến một khiếm khuyết nào về bệnh tật. Cho đến một ngày, chúng tôi chợt nhận ra con mình không bi bô tập nói như những đứa trẻ khác, không nhìn vào ánh mắt của mẹ, của cha, không thích thú với đồ chơi mẹ mua về… Không ai có thể tưởng tượng nổi sự bất hạnh và đau đớn mà chúng tôi đã phải gánh chịu khi hay tin đứa con yêu quý của mình mắc chứng tự kỷ”.

Những tâm sự của những ông bố, bà mẹ có con bị tự kỷ xúc động và khẩn thiết, bởi cho đến nay căn bệnh vốn được xem là gánh nặng xã hội này ngày một phát triển nhưng vẫn còn mù mờ về nguyên nhân và cách điều trị.

Đã vậy, xã hội vẫn chưa thực sự chung tay cho những đứa trẻ bất hạnh này. Còn đâu đó những trường học vẫn xua tay từ chối các em đến lớp. Còn đâu đó vẫn có những con người ghẻ lạnh, kỳ thị với các em.

Nhưng, những trăn trở, có khi như van xin ấy vẫn chưa có những tiếng vọng đáp lại. Vậy là, những đứa trẻ đang thiếu hụt khả năng giao tiếp xã hội ấy vẫn chưa có cơ hội, môi trường để dần dần thay đổi, để hòa nhập vào cuộc sống.

Một hình ảnh khác đã không còn xa lạ trong thế giới những đứa trẻ tự kỷ đó là hoàn cảnh của tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm. Ông kể mình là người hạnh phúc nhất khi có hai người con trai và rồi trở thành người bất hạnh nhất khi cả hai đứa con yêu quý của mình đều mắc chứng tự kỷ.

Nhưng ông buồn hơn vì mong muốn chúng trở lại bình thường, có thể hòa nhập cuộc sống như bao đứa trẻ khác nhưng không được đáp lại. Để rồi ông tự bơi, tự học và rồi tự mở trường dạy cho các con và tạo một mái ấm để cho những đứa trẻ bất hạnh khác đến học tập.

Trong xã hội mà ngày ngày có hàng chục trẻ tự kỷ được phát hiện mới, một chỗ dựa vững chắc cho các em vẫn còn mong manh, quả là điều đáng suy nghĩ. Tôi đã bắt gặp ánh mắt buồn thăm thẳm của hàng chục đôi vợ chồng có con bị tự kỷ vẫn tụ tập lại với nhau vào mỗi tháng ở đơn vị tâm lý thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ở đó họ động viên, an ủi nhau để giúp những đôi mắt vô hồn của con mình không còn nhìn vào một nơi vô định.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - trưởng đơn vị tâm lý BV Nhi đồng 1, đúc kết: Có thể gọi bệnh tự kỷ là căn bệnh của con nhà giàu vì phần lớn trẻ mắc bệnh này đều sinh ra trong những gia đình khá giả, giàu có. Không phải không có lý khi những đứa trẻ này đã bị tách ra quá sớm khỏi sự thương yêu đùm bọc và hơi ấm của bố mẹ.

Nhiều đứa trẻ gần như từ lúc chào đời cho đến khi lớn lên chỉ có hơi ấm của những bà vú, người giúp việc. Nhưng cuộc sống hiện đại là vậy, như lời của bác sĩ Thanh nói: “Số trẻ tự kỷ sẽ còn tăng lên nếu như năng lượng của bố mẹ bị vắt kiệt cho những lo toan công việc, lợi danh ở đời”.

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ, ngày 2-4- 2012 Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon đã nói rằng tự kỷ giờ đây không giới hạn trong một khu vực hoặc một quốc gia duy nhất mà đó là một thách thức trên toàn thế giới, vì vậy đòi hỏi hành động toàn cầu.

Trong ngày này ở đất nước có hàng chục nghìn trẻ tự kỷ như Việt Nam những ngọn đèn xanh cũng được các bạn thắp lên như để thắp sáng nhận thức về chứng tự kỷ, để chia sẻ và đồng cảm với hàng triệu trẻ em không may mắn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG