Sẽ là quá muộn

Sẽ là quá muộn
TP - Theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu thì khái niệm về Biến đổi khí hậu được hiểu là: Sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động con người dẫn đến thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu, được quan sát trên một chu kỳ thời gian dài.

Ấy thế nhưng, mới năm ngoái thôi thì người ta buộc phải cấp báo, cũng có thể hiểu như sự bổ sung khái niệm bằng nhận định: biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Và những số liệu được đưa ra chứng minh khiến cho những chuyên gia quan tâm đến khí hậu toàn cầu giật mình rằng, nhiệt độ bề mặt trái đất và mặt nước biển tăng lên hơn 0,480C so với thời kỳ 1961 - 1990; mực nước biển toàn cầu cũng dâng cao kỷ lục, đạt mức 3,2mm/năm, cao gấp đôi so với 1,6mm/năm của thế kỷ 20.

Cũng rất mới đây thôi, khi nghe khái niệm biến đổi khí hậu, đón thông tin băng tan ở Bắc Cực, nhiều người cười tủm, cho rằng, đúng là ăn no lo xa. Chuyện lắc lơ từ vạn dặm thì biết bao giờ ảnh hưởng đến tận xứ mình! Mỗi năm mực nước biển dâng lên tí ti thế kia thì phải hàng trăm năm nữa cái nhà chồ ven biển mới có nước bén hiên. Kê cao gối ngủ, hậu duệ ắt sẽ có phương án đối phó. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào! Giữa ngổn ngang cơm áo gạo tiền lo quá xa thế phỏng có ích gì?

Thế nhưng, chưa kịp kê cao gối, thì những thảm họa thiên nhiên ùn ùn đổ đến với hàng loạt siêu bão, sóng thần, El Nino, La Nina, biển ngoạm kè, sông nuốt đê, với cơ man nào là hố tử thần, lún sụt lớn nhỏ… Dân tình hoang mang tự hỏi: Điều gì đang xảy ra với mẹ thiên nhiên?

Trong sự bối rối ban đầu ấy rồi cũng đến lúc người ta bình tĩnh nhìn lại những hành vi của con người tác động vào thiên nhiên.

Những cánh rừng bị cạo trọc; những núi đá, mỏ than bị san phẳng, móc rỗng ruột; những phên dậu rừng chắn sóng bị triệt hạ để ưu tiên cho việc tận thu titan, hay các resort, chuỗi nhà hàng nghỉ dưỡng, rồi thủy điện lớn nhỏ treo lơ lửng lưng chừng trời…

Bấy nhiêu đấy khiến mẹ thiên nhiên không còn sức chịu đựng và giận dữ. Những hậu quả kinh hoàng mà con người phải gánh chịu.

Câu chuyện Di sản Hội An trước nguy cơ bị biển “nuốt” là hệ quả nhỏ trong chuỗi những thảm họa toàn cầu. Nhưng, chính nó là tiếng chuông cảnh tỉnh cận kề với hàng chục triệu cư dân đang sống ven biển cũng như với những nhà hoạch định chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong câu chuyện của mình, những cư dân Hội An không khỏi tiếc nuối rừng dương liễu xanh ôm ấp chở che cho vùng đất này hàng chục thế hệ qua đã bị trục hạ xuống sông xuống biển. Những kí ức đẹp về một vùng biển yên bình trong quá khứ hiện về thổn thức. Đắng chát! Cái giá phải trả quá đắt và nguy cơ nhãn tiền!

Mai này thôi, nếu không cấp bách có ngay những động thái sửa sai, kiểu như ăn năn sám hối với mẹ thiên nhiên, thì đâu chỉ riêng Hội An mà các đô thị ven biển Việt Nam cũng phải đối mặt với một kịch bản tương tự.

Thế mới hay, vì sao chúng ta khẩn trương triển khai mô hình phát triển xanh bền vững. Không thế, e rằng sẽ là quá muộn!

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.