Sống chung

Sống chung
TP - Khó mà biết được các cơ quan công quyền cũng như các cơ quan chức năng sẽ nghĩ gì, phản ứng ra sao, hành động thế nào khi thông tin của dự án Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014 đưa ra.

Trong hàng loạt con số thì việc đưa ra kết quả gần 50% số người muốn được vào công chức phải chấp nhận lót tay khiến dư luận giật mình. Giật mình không phải nó gây sốc, vì trước đây đã từng nghe có vị đại biểu Quốc hội đăng đàn nói rằng tình trạng tham nhũng vặt khá tràn lan.

Giật mình bởi lẽ công cuộc phòng chống tham nhũng đã được đề cập gay gắt và quyết liệt, được triển khai rộng khắp đến các cấp từ quyết tâm đến phương án hành động suốt thời gian qua gần như chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Trước vấn đề đó, trao đổi với Tiền Phong về Báo cáo PAPI, ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng cho rằng, những kết quả trên phản ánh một thực trạng là “tham nhũng vẫn phổ biến trong xã hội”.

Cũng theo ông Dinh: “Đây là điều hết sức đáng lo ngại, nhất là ở trong lĩnh vực giáo dục. Bởi giáo dục là môi trường đào tạo ra những thế hệ tương lai của đất nước. Nay tham nhũng, hối lộ nhiều như vậy thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em sau này”.

Thực trạng này, theo ông Dinh, nó phản ánh một thực tế là “các đơn vị nhà nước” vẫn có sức hấp dẫn rất lớn đối với người dân cho dù mức lương khá thấp.

“Lương thấp thì chắc chắn không thể đủ để bảo đảm cho nhu cầu của họ. Nên những người giỏi giang, có tài họ sẽ không chấp nhận bỏ tiền ra để chạy vào Nhà nước đâu. Do đó, đôi khi vào Nhà nước là những người có năng lực bình thường. Họ “chạy” vào đó vì thấy công việc ổn định, có cơ hội thăng quan tiến chức…”, ông Dinh nói.

Ý kiến thẳng thắn của ông Dinh lại một lần nữa kiến giải vì sao có vị lãnh đạo từng phải thốt lên có đến trên 30% công chức có cũng được không có cũng được, diện “ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Có phải vậy chăng, từ những đối tượng yếu kếm hay làng nhàng phải chạy chọt để là người nhà nước, khi yên vị họ lại nhũng nhiễu, hành dân để “hoàn vốn” đã bỏ ra và kiếm lợi lộc từ vị trí mà mình đảm nhiệm.

Cũng theo báo cáo PAPI khả năng chịu đựng của người dân trước sự vòi vĩnh, hạch sách của cán bộ công chức được “tôi luyện” theo thời gian. Trong khảo sát, khi được hỏi giới hạn vòi vĩnh nào thì người dân mới lên tiếng tố cáo cán bộ công chức? Giới hạn năm 2011 là 5,52 triệu đồng, nhưng qua thời gian người dân kiên trì, cam chịu hơn, chấp nhận ngưỡng 8,89 triệu đồng trong năm 2014.

 Thông tin đó thật sự đắng lòng và nhói buốt. Chung sống với lũ, chung sống với hạn hán, chung sống với ô nhiễm, chung sống với hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng và giờ đây, người dân đã “quen chịu đựng” và sống chung với tham nhũng vặt.

MỚI - NÓNG