Sống mòn

Sống mòn
TP - Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị các trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) với sự tham gia của 60 trường trong cả nước. Đây được coi là hội nghị “Diên Hồng” của các trường ĐH NCL nhằm tìm các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục ĐHNCL một cách bền vững.

Trước đó, Nhóm chuyên gia của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát, nghiên cứu 59/60 trường ĐHNCL. Khảo sát này có thể coi là một cuộc “khám sức khỏe” toàn diện đối với các trường. Kết quả khảo sát có những con số đáng chú ý. Trong số 59 trường được khảo sát, tỷ lệ giảng viên cơ hữu chiếm 75%. Một con số rất đáng mừng. Nhưng ĐH Quốc tế Bắc Hà có 97 giảng viên thì có tới hơn một nửa là giảng viên thỉnh giảng (49 người). Tỷ lệ giảng viên cơ hữu là cử nhân chiếm tỷ lệ cao (29%), thạc sĩ chiếm hơn 50%, tiến sĩ chiếm tỷ lệ thấp. Khảo sát của Bộ cũng chỉ ra, có tới 12 trường ĐHNCL (27,3%) vẫn đi thuê cơ sở vật chất 100%. Trong đó, có 5 trường đã thành lập được 20 năm.

Tình hình tuyển sinh của nhiều trường ĐHNCL cũng rất gay go. ĐH Hùng Vương - TPHCM không có sinh viên, ĐH Hà Hoa Tiên còn rất ít sinh viên đang theo học do đã dừng tuyển sinh. Trường có ít sinh viên nhất hiện nay là ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu (135 sinh viên), 

Nhóm khảo sát cũng chỉ ra có 13 trường ĐHNCL  thu không đủ bù chi (Dân lập Phú Xuân, Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu, Quốc tế Bắc Hà, Yersin Đà Lạt, Trưng Vương, Phan Thiết, Việt Bắc, Dân lập Hải Phòng, Hòa Bình, Công nghiệp Vinh, Tư thục Quốc tế Sài Gòn, Thái Bình Dương và Công nghệ Đông Á). Những cái tên như ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Công nghệ Đông Á, ĐH Đông Á, ĐH Phan Châu Trinh... ngày càng  ít được nhắc đến.

ĐH Hà Hoa Tiên đã chính thức bị “khai tử”. Cơ sở vật chất đã được chuyển giao cho Bộ Công an.  Vậy, số phận của các trường khác sẽ như thế nào? Các trường sẽ liên kết với nhau, trở thành một phân hiệu của trường ĐH lớn nào đó? Thật khó có câu trả lời rõ ràng. Nhưng có thể nhận thấy, nhiều trường ĐHNCL hiện nay, “sống” không phải bằng tuyển sinh ĐH chính quy mà bằng liên kết đào tạo. Tức là “sống cộng sinh” với các trường khác. Như thế, thật khó có thể nói các trường này đã có một “thể trạng” tốt để phát triển. Liệu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có đủ dũng cảm để “khai tử” những trường này hay vẫn cho tồn tại lay lắt như hiện nay để sau mỗi mùa tuyển sinh, các trường lại vật vã kêu than không đủ nguồn tuyển?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.