Sự bế tắc của chính sách

Anh minh họa
Anh minh họa
TP - Quy định người thu nhập thấp mua nhà xã hội phải có tiền gửi tiết kiệm đang gây khó như cuộc tranh luận “con gà-quả trứng”. Đã có tiền gửi tiết kiệm, sao phải vay gói ưu đãi bằng cách thế chấp chính căn nhà (đi vay mà có)?

Cả một chính sách tốt đẹp, nhưng có một trở ngại khiến những gia đình thu nhập thấp khó tiếp cận với nguồn vay vốn ưu đãi. Trước đó, gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng đã giúp nhiều người dân thu nhập thấp có nhà ở. Những người học hành bài bản, công việc với mức thu nhập ổn định đã không phải mơ ước quá xa xôi về một ngôi nhà. Nay, nguồn vốn vay này đã hết, nhiều người ở hoàn cảnh tương tự đã từng hồi hộp chờ chính sách có tính tiếp nối. Và nay, rào cản “sổ tiết kiệm” đã thực sự là trở ngại.

Cũng cần phải nhận thấy rằng, bên cạnh nhu cầu thực sự của những người dân thu nhập thấp, có sự thôi thúc của những nhà đầu tư nhà ở xã hội. Họ đã xây một loại hình sản phẩm dựa trên chính sách ban hành, nay có “rào cản”, không ai mua, sẽ bị ế. Tiếng kêu của người mua nhà lúc này đồng điệu với các chủ đầu tư những dự án nhà ở xã hội. Đây cũng là điều chính đáng.

Có thể thấy, quy định “sổ tiết kiệm” là một sự đảm bảo để ngân hàng giải ngân. Điều này được Luật Nhà ở quy định và như một cách lý giải: Không thể bao cấp mãi cho người thu nhập thấp. Thực ra, với đa số người mua nhà, để được vay gói ưu đãi này là cả một đoạn trường xác nhận đủ loại giấy tờ. Vay đương nhiên phải trả. Nói “bao cấp” khác nào sự bao biện cho việc bế tắc của chính sách. Tất nhiên, không loại trừ có trường hợp đối tượng giàu vẫn giả khó khăn, tranh phần của người thu nhập thấp.

Thực ra, ở nhiều quốc gia phát triển, sở hữu nhà không phải là mong muốn số 1. Người ta ít khi khoe nhà cao cửa rộng mà chỉ xem mình đã hưởng thụ cuộc sống thế nào. Điều này khác xa với tâm lý người Việt: Cả đời “bóp mồm, bóp miệng” mua một căn hộ (hoặc mảnh đất) để ở, làm của để dành và thậm chí để khoe mẽ với bạn bè, quan khách. Tuy vậy, để có một tâm lý sống hướng tới chất lượng hơn hình thức, nhà nước cần chú trọng tới xây dựng chính sách cho thuê nhà nhiều hơn nữa; mở rộng thị trường cho thuê nhà thay vì xây bán.

Cứ tưởng tượng, một xã hội ít bỏ tiền đầu tư cho giáo dục, du lịch, mua sắm, sản xuất… mà chỉ tập trung nguồn tiền cho bất động sản thì sẽ phát triển tới đâu? Câu trả lời phải từ những nhà hoạch định chính sách.

MỚI - NÓNG