Sứ mệnh nào?

Sứ mệnh nào?
TP - “Về mục đích chiếu trong các dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước, bộ phim này đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó” - ông Cục phó Cục điện ảnh vừa khẳng định về bộ phim “Sống cùng lịch sử” đang xôn xao dư luận...

Được nhà nước đầu tư 21 tỷ đồng, nhưng ra rạp mới mấy hôm đã phải đóng cửa vì “không bán được dù chỉ một vé”.

Vậy nên chăng đừng gọi đó là “phim” nữa, mà bằng cái tên khác, đúng với tính chất những sản phẩm đơn thuần phục vụ tuyên truyền? Vì về bản chất, sứ mệnh của nghệ thuật không phải vậy. Hơn nữa, phim với khán giả là những thực thể không thể tách rời. Không có khán giả, đích thị khó gọi là phim.

Một ông đạo diễn từng làm phim cúng với “sứ mệnh” kiểu này, khi bị chỉ trích, đã biện hộ rất “cùn”: “Khán giả là người xem phim, có thể mua vé hoặc không, còn người mua vé thì gọi là khách hàng” (!). Có nghĩa với ông, chỉ những đại biểu, quan chức xúng xính giấy mời xem phim nhân lễ kỷ niệm (nhiều khi còn có phong bì, quà tặng đem về), hoặc những sinh viên mà trường lớp triệu tập đi xem trong dịp tuyên truyền…, mới đáng gọi là khán giả. Còn những người lâu nay phải bỏ tiền túi mua vé vào rạp thì thuộc loại “cấp thấp” đáng thương hơn?!

Có nên tiếp tục tổ chức thực hiện kê khai tài tài sản, thu nhập đối với quan chức nữa không, hay coi như nó đã “hoàn thành sứ mệnh”? Khi báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ, trong ngót 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập của năm 2013, thì chỉ có 5 người cần phải xác minh lại, và chỉ có đúng…1 người bị cảnh cáo vì kê khai tài sản thu nhập không trung thực.

“Không trung thực” ở đây chắc không phải kê khống thêm lên cho oai, mà chỉ có thể giấu nhẹm bớt của cải đất đai mà thôi. Tài sản quan chức bây giờ ai còn lạ gì. Hiệu quả chỉ có vậy thì duy trì việc kê khai làm gì cho tốn kém thời gian, tiền bạc.

Oái oăm là trong bất cứ báo cáo nào về tình trạng tham nhũng cũng đều cho rằng “quốc nạn “ này vẫn ngày càng nghiêm trọng. Nên dù có treo thưởng đến 5 tỷ đồng cho những ai tố cáo tham nhũng và giúp Nhà nước thu hồi được số tiền tương ứng 1 ngàn tỷ đồng, thực chất cũng là một kiểu đố khó nhau chứ không biết khi nào mới xảy đến trong thực tế.

Cũng như một ông hoàn thành sứ mệnh (làm) bộ trưởng, vừa về hưu thoắt cái đã thấy nằm trong ban lãnh đạo của một doanh nghiệp đang thực hiện cái dự án to đùng mà ông vừa trực tiếp ký duyệt và chỉ định thầu. Dù đã có những quy định tỏ ra chặt chẽ về việc “cấm” không được làm trong trường hợp này.

Sứ mệnh của nghệ thuật không thể đắt giá bằng tiền thuế dân nhưng lại ngắn ngủi yểu mạng như nhiều những bộ phim “nhân dịp”. Cũng như sứ mệnh của những chính sách tỏ ra quyết liệt trên văn bản, câu chữ, những phát biểu hùng hồn, nhưng thường lại bị buông xuôi thả lỏng khi đưa vào cuộc sống.

MỚI - NÓNG