Tầm nhìn

Tầm nhìn
TP - Nhiều trường hợp quá tải, sự cố điện đã được ghi nhận tại Hà Nội và một địa phương khu vực miền Bắc khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến cùng với việc nhiệt độ vượt mức 40 độ C ở nhiều vùng trong một hai ngày trở lại đây.

Nắng nóng cũng khiến lượng điện tiêu thụ toàn quốc tăng kỷ lục trong lịch sử hệ thống điện quốc gia. Riêng ngày 1/6, lượng điện sử dụng tăng thêm hơn 1.000 MW, tương đương công suất cả một nhà máy nhiệt điện lớn trong hệ thống. Mức sử dụng điện trong tuần qua cũng tăng nhanh đến mức tương đương công suất của cả nhà máy thủy điện Sơn La (2.600 MW) vốn được coi là thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Lượng điện tiêu thụ nhiều nhưng sự  “ngột ngạt” về thời tiết không vì thế giảm bớt.

Ở khía cạnh vĩ mô, những bất cập trong quy hoạch ngành và nhu cầu sử dụng năng lượng đã được bàn, nhắc đến từ cả chục năm nay. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cứ hô hào nhưng hành động thực tế cho thấy mọi chuyện vẫn y nguyên. Ngành ngành, nhà nhà đua nhau vẫn tự làm quy hoạch trong khi dấu ấn về quy hoạch tổng thể các ngành của các cơ quan quản lý hầu như không có. Trong khi nhiều tổ chức đã khẳng định, để sử dụng hiệu quả năng lượng, phải bắt đầu từ quy hoạch lại và cơ cấu kinh tế. Cũng đã có cả lời cảnh báo, Việt Nam sẽ sa lầy và trả giá lâu dài vì thiếu quy hoạch (cũng như kiểm soát việc chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp).

Nhắc nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể về so sánh giữa cái lợi từ đầu tư mạnh trong 2 lĩnh vực thép và xi măng, vốn tiêu thụ hơn 12% sản lượng điện Việt Nam, với những thiệt hại mà đất nước phải lo khi đầu tư rất nhiều tỷ USD với thời gian 5-7 năm để xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mà công suất nhiều khi chỉ đủ để phục vụ một dự án thép, xi măng lớn.

Khi phân tích nguyên nhân lãng phí năng lượng tại Việt Nam cách đây ít lâu, các chuyên gia quốc tế đã gần như “ngã ngửa” khi kết quả nghiên cứu cho thấy, mức lãng phí trong sử dụng điện của Việt Nam cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới. Sự lãng phí này chủ yếu đến từ các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu.

Việt Nam sẽ còn phải liên tục đối mặt nguy cơ thiếu điện và sẽ tiếp tục mất rất nhiều tỷ USD lãng phí nữa trong các năm tới nếu như vấn đề công nghệ thấp, lạc hậu của các dự án thu hút vốn FDI và đầu tư trong nước không được xử lý dứt điểm bằng một chiến lược hoặc một quy định ngặt nghèo về sử dụng năng lượng. Chỉ chừng nào một bài toán tổng thể về giải quyết hệ số đàn hồi giữa sử dụng điện và tăng trưởng kinh tế được giải quyết, chừng đó Việt Nam mới tính được việc hướng đến nền kinh tế xanh.

Còn chừng nào tăng trưởng GDP ở mức quanh 6%/năm nhưng điện lại tăng đến 13%/năm, chừng đó khó có thể kỳ vọng vào một sự thay đổi mạnh mẽ về mặt công nghệ, yếu tố quyết định về giá trị và hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm do các doanh nghiệp Việt sản xuất.

MỚI - NÓNG