Tấm tôn và pháp luật

Ảnh minh họa: Vnexpress
Ảnh minh họa: Vnexpress
TP - Chỉ trong vài ngày, hai vụ tai nạn gây chết người xảy ra tại Hà Nội mà nguyên nhân na ná nhau: ngày 23/9, một em bé 9 tuổi chết vì bị tấm tôn trên xe xích lô để bên lề đường cứa vào cổ giữa phố đông; ngày 25/9, một xe cải tiến chở tấm tôn và cọc tre tuột khỏi xe máy trượt dốc cầu Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội) va trúng một phụ nữ 60 tuổi quê ở Hòa Bình khiến bà bị thương ở cổ, chảy nhiều máu. Nạn nhân được cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Ngay sau vụ việc cháu bé 9 tuổi, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc quản lý, tuần tra, xử lý phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhưng những kiểu vận chuyển “hoang dã”, tùy tiện này đâu chỉ Hà Nội mới có. Khắp 63 tỉnh, thành, những tấm tôn, tấm kính, bó cọc tre, cọc thép… vẫn ngày ngày được chuyên chở thô sơ, với đủ kiểu “sáng tạo”: trên vai, buộc ngang, dọc theo xe máy, xe ba gác… Có thể nói, sự coi thường tính mạng mình và người khác này rất phổ biến, nhưng vì sao thấy rõ là nguy hiểm, vì sao đã có bao nhiêu tai nạn chết người mà cảnh ngang tai trái mắt đó vẫn ngày ngày diễn ra?Chỉ có một nguyên nhân: việc thực thi pháp luật không nghiêm. Các bộ luật liên quan an toàn giao thông có đủ, hành vi cấu thành đã được luật hóa.

Nhưng vì sao cảnh sát giao thông rất “chăm” bắt lỗi ô tô, xe máy đè vạch, vượt đèn vàng, trong khi bỏ qua hành vi đi bộ sai, xe đạp vượt đèn đỏ, xe xích lô chở cồng kềnh? Từng có cảnh sát nói rằng rất ngại xử lý, vì họ thường không có tiền nộp phạt. Những gì có thể ảnh hưởng tính mạng con người đều phải bị coi là nguy hiểm và phải giám sát chặt chẽ. Bấy lâu nay, người ta cứ hay nói tại Việt Nam, ô tô  phải nhường xe máy, xe máy phải nhường xe đạp… bởi ô tô to hơn, “nguy hiểm” hơn và người đi ô tô “giàu hơn” nên khi có tai nạn, kể cả không sai, người đi ô tô cũng phải bồi thường người đi xe đạp, xe máy hay đi bộ, cho dù nguyên nhân của tai nạn bắt nguồn từ nạn nhân.

Sau vụ tai nạn hôm 23/9, một số tờ báo còn chạy bài nói về gia cảnh khốn khó của người đạp xích lô để xe chở tôn bên lề đường gây chết người. Nhưng khốn khó là một chuyện, gây hại đến tính mạng người khác là chuyện khác, không thể nhập nhèm hai vấn đề với nhau.

Cho nên, vấn đề của chúng ta là phải có sự thay đổi tư duy. Xã hội phải được vận hành theo hệ thống pháp luật và mọi thành viên phải thực sự bình đẳng, pháp luật phải được thượng tôn. Quản lý kiểu làng xã, hành xử tùy tiện theo“văn minh lúa nước” thì khó có một xã hội ngăn nắp, trật tự.

MỚI - NÓNG