Teo tóp trường nghề

TP - Tính đến thời điểm này, một kỳ thi quốc gia đầy sóng gió vẫn chưa ngưng bộc lộ những vấn đề của chuyện thi cử và tổ chức hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Chuyện mới nhất là khả năng nhiều trường cao đẳng trên khắp cả nước đang đứng trước nguy cơ không tuyển được, hoặc tuyển được quá ít so với chỉ tiêu:

Có những trường chưa tuyển nổi 1/10 chỉ tiêu và những ngày tới chưa có gì đảm  bảo tình hình sẽ thay đổi, bởi trước khi các trường công lập tuyển đủ chỉ tiêu, những “phần bánh” sinh viên rơi rớt còn lại đã được các đại học ngoài công lập hốt lẹ. Đó là còn chưa kể năm nay, một số trường đại học sẽ vơ bèo vạt tép cho đủ chỉ tiêu bằng cách chỉ xét học bạ, trong trường hợp thí sinh không đủ điểm sàn (có nghĩa là điểm sàn có mà cũng như không).

Trong khi ấy, hiện Việt Nam có gần 500 trường ĐH, CĐ, trong số đó có hơn 300 trường ĐH. Một chuyên gia giáo dục cho rằng, có hai yếu tố dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng cao. Thứ nhất là do việc bùng nổ các trường ĐH, CĐ trong giai đoạn 2000 - 2010 và thứ hai là do các trường ĐH trong giai đoạn từ 2010 đến nay liên tục mở quá nhiều ngành, có trường lên đến 40 - 50 ngành, dẫn đến việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh…

Câu chuyện của các trường cao đẳng đang đặt ra nhiều vấn đề. Kỳ thi tuyển sinh năm nay đã đặt hệ thống giáo dục cao đẳng vào một lựa chọn sống còn: tồn tại hay là chết, và nếu muốn tồn tại thì phải làm thế nào. Có lẽ đây cũng là lúc hệ thống này phải tự điều chỉnh chiến lược và ai có năng lực thực sự mới tồn tại. 

Chắc chắn đây là những phí tổn mà cả xã hội phải gánh chịu sau một thời gian “bùng nổ” các loại hình giáo dục. Khi “bong bóng vỡ” thì phải có người lãnh hậu quả. Khi các trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập còn phải chen nhau vỡ đầu tranh giành thí sinh thì hệ thống cao đẳng, trung cấp bị ngồi chơi xơi nước cũng không có gì phải ngạc nhiên.

Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, sẽ ra sao nếu việc vào đại học trở nên quá dễ dàng và nhà nhà đại học, người người cử nhân? Đây rõ ràng không phải là câu hỏi “dân sinh” bởi hoạch định chính sách là việc chiến lược, vĩ mô. 

Một thực tế nhãn tiền, cử nhân ra trường thất nghiệp phải đi làm công nhân, trong khi nhiều ngành luôn thiếu lao động có khả năng ứng dụng, lao động kỹ thuật có tay nghề bậc cao thì các trường cao đẳng, các trường nghề ngày càng teo tóp. 

Nền kinh tế sẽ ra sao nếu “thầy”ngày càng thừa và trình độ ngày càng thấp đi, trong khi “thợ” giỏi thì bói không ra?

MỚI - NÓNG