Thái quá bất cập

TP - Cách đây gần 2 năm, bắt đầu từ ngày 15/10/2014, học sinh tiểu học trên cả nước được thay đổi cách đánh giá theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT với hàng loạt những thay đổi chưa từng có. Theo đó, bỏ việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên, bỏ xếp loại học tập theo thang Giỏi - Khá - Trung bình, bỏ danh hiệu HS Giỏi, Tiên tiến như trước đây. Xếp loại hạnh kiểm được thay thế bằng đánh giá “năng lực và phẩm chất”.

Tuy mục tiêu được coi là đúng đắn và nhân văn nhưng sau 2 năm áp dụng, mục tiêu trên không đạt được mà còn gây không ít  lúng túng, vất vả cho giáo viên, phụ huynh hoang mang không biết kết quả học tập của con mình ra sao. Báo chí cũng đã phản ánh không ít những chuyện cười ra nước mắt quanh Thông tư 30, ví như kiểu “Giấy khen từng mặt” của một trường tiểu học ở Hà Nội, làm phụ huynh ngơ ngác vì không biết con mình được khen cái gì.

Nhận xét sau 1 năm thực hiện Thông tư 30, GS Nguyễn Minh Thuyết viết: “Hầu hết giáo viên tiểu học mà tôi tiếp xúc năm qua đều than phiền về tác động tiêu cực của Thông tư 30”. GS Thuyết cho rằng, Thông tư 30 đã áp dụng máy móc cách làm của một vài nước nào đó mà không tính đến điều kiện làm việc của giáo viên Việt Nam. Một lớp tiểu học ở các nước Âu, Mỹ thường chỉ có 15-25 học sinh, trong khi nhiều lớp học tại Hà Nội có tới 50-60 học sinh. Lương giáo viên ở ta quá thấp, nhiều nơi không đủ sống.

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hẳn đã nhìn thấy rõ nhiều hạn chế, sai lầm của Thông tư 30, khi ông yêu cầu phải sửa ngay Thông tư này trước ngày khai giảng năm học mới. Bộ trưởng Nhạ yêu cầu khi sửa đổi thông tư phải có tiêu chí chuẩn kiến thức, kỹ năng dễ nhớ, dễ thực hiện. Một số tiêu chí phải được lượng hóa. 

“Ví dụ, trước đánh giá học sinh rất chung chung, nay phải cụ thể để học sinh hiểu hôm nay tiến bộ hơn hôm qua chỗ nào. Có thể đánh giá theo thang bậc A, B, C, D không nhận xét “có tiến bộ” hoặc mặt cười, mặt mếu như trước”, Bộ trưởng nói.

Đúng như vậy, nếu bỏ chấm điểm mà không có tiêu chí lượng hóa, ít nhất là A, B, C, D thì thử hỏi lấy gì đánh giá một bài toán hay bài văn của học sinh? Đổi mới giáo dục là cần thiết, bởi giáo dục lâu nay đã bị “căn bệnh thành tích”, hình thức làm cho méo mó, biến tướng. Còn nhớ nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân từng phát động phong trào “Hai không” - Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng dường như chúng ta đã “thái quá bất cập”. Từ chỗ “chủ nghĩa” điểm số, cả lớp có tới trên 90%, thậm chí 100% học sinh giỏi… nay đột ngột chuyển sang chỉ phê “có tiến bộ” hoặc “mặt cười, mặt mếu”, quả là việc đánh giá học sinh đã bị chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia.

Và người hứng chịu, trong cả hai trường hợp này, không ai khác chính là học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi vậy, rất mong các nhà quản lý giáo dục đừng biến học sinh, nhất là bậc tiểu học, thành đối tượng để thí nghiệm triển khai mô hình này mô hình kia, để cải cách này nọ một cách vội vàng, dẫn đến “thái quá bất cập”, phải sửa như Thông tư 30 hiện nay.

MỚI - NÓNG