Thăng chức & từ chức

Thăng chức & từ chức
TP - Cuối tuần qua, trong phần chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ra hàng loạt trường hợp thi tuyển thành công các chức vụ từ cục trưởng, vụ trưởng tới giám đốc sở, hiệu trưởng… ở Bộ Giao thông, Bộ Tư pháp và một số địa phương.

Đó là một cách làm công khai minh bạch, phòng chống được tiêu cực trong công tác lựa chọn, đề bạt cán bộ. “Một cách làm hay như vậy, tại sao đến giờ Chính phủ vẫn chưa kịp thời sơ kết, chỉ đạo, ủng hộ và nhân rộng?”- ông Nam hỏi. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp ngắn gọn, đại ý rằng: Bộ Chính trị đã có kết luận về vấn đề này, sắp tới sẽ thực hiện mạnh mẽ.

Như vậy,  có thể hy vọng rằng tới đây việc thăng quan tiến chức, ít ra từ cấp cục, vụ trở xuống, sẽ phải qua thi cử công khai minh bạch như một số bộ và địa phương vừa làm thí điểm. Làm được điều này, chắc chắn nạn “chạy chức, chạy quyền” sẽ hạn chế đi rất nhiều, bởi sẽ có nhiều ứng cử viên cho một chức vụ và việc chọn ai sẽ được quyết định bởi một hội đồng với tiêu chí, bảng điểm rõ ràng. Người được đề bạt sẽ phải thuyết phục cả hội đồng bằng những bài thuyết trình, bằng chương trình hành động, bằng giải pháp hiệu quả, bằng chính năng lực đích thực của mình, chứ không phải bằng các mối quan hệ, bằng quà cáp hay những lời nịnh bợ trơ trẽn để lấy lòng cấp trên. Trên thực tế, với cách làm cũ không ít nơi trước khi lấy phiếu thăm dò đề bạt, ứng viên còn phải lấy lòng nhiều đồng nghiệp, đồng cấp khác để kiếm lá phiếu  “đồng ý” đầy cảm tính, thậm chí là cả toan tính cá nhân.

Nghị quyết T.Ư 4 nhận định, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, cơ hội, tham nhũng, lãng phí… Thử hỏi có bao nhiêu trong cái “bộ phận không nhỏ” kia “lọt lưới” từ cách đề bạt “truyền thống”, để nay đang trở thành thứ “ung nhọt” đe dọa sự tồn vong của chế độ, rất khó loại bỏ khỏi bộ máy nước nhà. Do vậy, cái được lớn nhất của việc đề bạt qua thi tuyển là, triệt tiêu động cơ của những kẻ bất tài, cơ hội, muốn thăng quan tiến chức để vun vén làm giàu cho bản thân và gia đình.

Ấy là chuyện thăng chức. Còn chuyện từ chức, cũng vào cuối tuần qua tại Hội An, ông Nguyễn Sự đã chính thức nói lời bàn giao chức Bí thư Hội An cho người kế nhiệm vừa được bầu thay ông xin về hưu trước tuổi. “Tui không để ân huệ cho ai cả, trách nhiệm của tui là xây dựng đội ngũ cán bộ. Chức vụ Bí thư không phải của tui mà do Đảng phân công và tui đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao” – VietnamNet trích lời ông Sự phát biểu. Chuyện từ chức và xin về hưu trước tuổi, theo ông Sự, là lẽ thường tình rất nhẹ nhàng, và ông muốn các chế độ dành cho Bí thư của ông phải được “cắt” ngay. Vẫn biết nhiều người cũng không còn đủ tuổi để tái cử, song mấy ai làm được như ông Sự - “cáo quan hoàn dân” giữa lúc uy tín còn cao một cách đầy tự trọng. Tiếc rằng, làm quan và từ quan như ông Sự thời nay đã hiếm, song oái oăm thay còn hiếm hơn những vị quan chức làm sai, làm hỏng dám đệ đơn xin từ chức ở xứ ta.

Thế mới biết, để thăng quan, làm quan và rồi hoàn dân một cách đoàng hoàng tử tế, để làm “đầy tớ của dân” một cách đúng nghĩa, khó lắm thay! 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.