Thanh tra, chưa đủ!

Thanh tra, chưa đủ!
TP - Những lùm xùm trong thi tuyển công chức ở Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương đang gây xôn xao dư luận có lẽ vì đây là một trong những lần người ta có bằng chứng rõ ràng về chuyện "con ông cháu cha" được nâng đỡ. 

Sau khi vụ việc vỡ lở, người dân được biết thêm ngoài đơn vị nói trên, cũng đang có thị phi xung quanh việc tuyển công chức của một cục khác của Bộ Công Thương và đã có đề xuất phải xem lại hoặc cao hơn là tổ chức thanh tra toàn diện công tác thi tuyển công chức của bộ này.

Có tổ chức thanh tra hay không, ai đứng ra thực hiện là việc của các cơ quan nhà nước và như lãnh đạo Bộ Nội vụ nói, là phải thực hiện theo quy trình. Nhưng có lẽ điều người dân quan tâm hơn và cũng băn khoăn hơn chính là câu hỏi: Với cơ chế thi tuyển của các bộ ngành hiện nay (tự ra đề, tự tổ chức, tự chấm...) thì dường như thanh tra toàn diện chỉ một Bộ Công Thương là chưa đủ. 

Bởi như vừa đề cập, với cơ chế thi tuyển hiện nay, ai dám chắc các bộ ngành, cơ quan công quyền khác không có những chuyện lùm xùm tương tự? Và lúc ấy, cơ quan nào mới đủ tư cách và đủ độ tin cậy để đứng ra tổ chức thanh tra cả một hệ thống?Một đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lộ đề thi ở Cục Quản lý Thị trường là sai phạm của cả hội đồng thi của cục này. 

Nhưng nếu không có chuyện thí sinh “tự do” bức xúc, nếu không có sự vào cuộc của truyền thông thì sai phạm tập thể ấy sẽ không tồn tại trong mắt những người trong cuộc, còn công chúng thì chỉ biết tiếp tục đặt nghi vấn rồi… thôi. Để rồi người dân phải tiếp tục thở dài khi chứng kiến cái cảnh dù lương công chức ở nước ta được xem là chưa đủ sống nhưng thiên hạ cứ rầm rầm xếp hàng đêm ngày để được một suất. Ai cũng hiểu đằng sau câu chuyện ấy là những gì.

Vì thế, nếu có muốn hạn chế tiêu cực trong công tác thi tuyển cán bộ, công chức thì người ta phải cải tổ cả hệ thống thi tuyển. Việc cải cách công tác tuyển sinh xem ra không khó ở khía cạnh kỹ thuật. Cái khó chính nằm ở “quyết tâm chính trị” của những người có trách nhiệm và sự vào cuộc của toàn xã hội, từ truyền thông, công luận, những đại diện của dân và hệ thống công quyền. 


Sâu xa hơn, chuyện thi cử tào lao, chạy quyền chạy chức, nạn “con ông cháu cha” sẽ chỉ giảm đi khi những người công bộc thực sự là công bộc bằng cái tâm của mình, tất nhiên điều này chỉ có được khi hệ thống pháp luật nghiêm minh hơn, cơ chế quản lý kinh tế-xã hội công khai minh bạch hơn và quan chức không còn những đặc quyền đặc lợi mà chức vụ của họ tạo ra.

MỚI - NÓNG