Tháo ngòi bom nước

Tháo ngòi bom nước
TP - Sự cố vỡ van đường dẫn dòng hồ thủy điện Sông Bung 2 chiều 13/9 làm hai công nhân chết và mất tích với thiệt hại sơ bộ năm tỷ đồng một lần nữa buộc các bên phải khẩn trương rà lại các hồ đập cho dù chủ của chúng là ai.

Với thủy điện Sông Bung 2 công suất 100 MW, ai cũng yên tâm khi thấy chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Họ là cấp an toàn nhất về hồ đập ở Việt Nam hiện nay rồi còn gì. Nhưng giờ người ta có quyền hoài nghi nhận định mang tính quy luật này.

Với các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ, rủi ro còn khủng khiếp hơn. Các hồ thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư ít có sự giám sát chặt chẽ. Hầu như không ai dám bảo lãnh chất lượng đập, nhất là các hồ chứa có đập bằng đất. Về vận hành, chưa thấy công bố nào đánh giá năng lực chuyên môn của các nhân viên tại các dự án vừa và nhỏ ấy.

Các hồ thủy lợi thì sao, khi tuyệt đại đa số là đập đất? Cùng với trào lưu quá chú trọng sản xuất những giống lúa thiên về năng suất và ngốn lắm nước, một cuộc chạy đua làm hồ đập diễn ra từ lâu. Đến nay, quá nửa trong 6.500 hồ thủy lợi cả nước với tổng dung tích 11 tỷ m3 có tuổi thọ không dưới 25-30 năm và nhiều hồ đã xuống cấp.

Trong nhóm hơn 2.000 hồ vừa và lớn, chỉ 10 hồ được nâng cấp chịu tải tính theo tần suất lũ cao hơn nhờ tài trợ 176 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2004. Hạ lưu của đại đa số hồ chưa được nâng cấp ấy có số lượng không nhỏ dân cư và kết cấu hạ tầng như đường sắt, quốc lộ, khu kinh tế.

Nhóm hồ thủy lợi nhỏ có nỗi lo không nhỏ. Chả thế phần lớn sự cố vỡ đập đều từ các hồ bé. Vụ vỡ Đập Z20 ở Hà Tĩnh với sức chứa chỉ 0,25 triệu m3 nước, mà làm trôi 500 m ray đường sắt Bắc - Nam, gây gián đoạn chạy tàu hàng tháng trời đầu những năm 1980. Năm 1978, vỡ hồ chứa nước một nông trường cà phê ở Đắk Lắk dung tích 0,5 triệu m3 làm chết 30 người. Cùng năm, Đập Quán Hài của Nghệ An vỡ làm chết 27 người, v.v.

Từ sau bão Chanchu năm 2006, các trận mưa bão và lũ lụt lớn tăng bất thường. Vụ Sông Bung 2 cho thấy khó phó thác niềm tin vào bất cứ cấp chủ đầu tư nào cho đến khi có một kiểm tra ráo riết và toàn diện tất cả các quả bom nước dày đặc dọc chiều dài đất nước. Để tháo ngòi những quả bom nước nên chăng cần một đánh giá tổng thể, thẩm định một cách khoa học, có trách nhiệm để có phương án, bổ sung các giải pháp tiên lượng những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu.

MỚI - NÓNG