Thoát vòng luẩn quẩn

Thoát vòng luẩn quẩn
TP - Mấy năm trước, gia đình ông N.V.H. ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ nuôi được vài lứa lợn, lúc xuất khẩu sang Trung Quốc rộ lên. Trúng liên tiếp hai năm, ông và gia đình quyết làm ăn lớn. Năm ngoái, ông vay ngân hàng, bà con trong họ tất cả 500 triệu đồng đầu tư nuôi lợn thịt.

Gặp phải dịp cuối năm rồi thịt lợn ế vì thị trường Trung Quốc đột ngột không nhập hàng, lợn thì đã đạt hoặc dư kích cỡ xuất chuồng nhưng giá lợn ngoài chợ cứ xuống từng ngày. Hơn 200 con lợn không biết giải quyết ra sao, thịt cũng không được mà không cho ăn cũng chẳng xong, chờ thị trường ấm trở lại thì chưa biết đến bao giờ. Lãi ngân hàng, lãi vay nóng người quen cứ ngày một chồng chất.

Câu chuyện của gia đình ông H. không phải là hiếm gặp. Lũ lợn rồi cũng có cách giải quyết khi ngân hàng cho khoanh nợ, tạo điều kiện cho gia đình tìm cách tiêu thụ thịt lợn để xử lý khoản vay.

Nhưng sự bế tắc của người nông dân trong cơ chế thị trường hiện nay vẫn còn đó. Cả một "thủ phủ" heo của Nam bộ và của cả Việt Nam là Đồng Nai ế đến 400.000 con. Giá lợn rớt thê thảm trong khi thịt lợn ra chợ không giảm bao nhiêu.

Câu chuyện của gia đình ông N.V.H ở Thanh Sơn, Phú Thọ, câu chuyện của hàng ngàn hộ chăn nuôi ở Đồng Nai thực ra đâu có gì mới khi nông dân bao năm nay vẫn phụ thuộc vào lái buôn, còn lái buôn phụ thuộc thị trường tiểu ngạch nước ngoài. Đâu chỉ lợn. Chuối, dứa, dưa hấu, vải… từng rơi vào tình trạng tương tự.

Có lẽ, mấu chốt của vấn đề chính là cung cách làm ăn nhỏ lẻ của đa số nông dân nước ta. Khi ruộng đất, tư liệu sản xuất đã khoán tới tay người nông dân, họ có thể tùy ý định đoạt, tùy ý phát triển theo cách mà họ muốn.

Vì thế, cũng có lúc trúng mùa được giá, cũng lắm khi gặp rủi ro lớn. Trách chính quyền cũng là một cái lý, nhưng chính quyền đâu thể can dự vào nền kinh tế hộ gia đình như thời trước. Những chuyện lặp đi lặp lại cho thấy nông nghiệp muốn phát triển bền vững thì khó có thể làm ăn nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết như hiện nay. 

Tích tụ ruộng đất, liên doanh liên kết, sản xuất theo chuỗi, bán hàng theo hợp đồng bao tiêu và một tư duy mới trong nông nghiệp là điều rất cấp thiết và chính quyền phải nỗ lực qua hệ thống chính sách để cởi trói cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

MỚI - NÓNG