Tinh giản, giản để tinh

Tinh giản, giản để tinh
TP - Mặc dù Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về việc hợp nhất một số sở theo dự thảo nghị định của Chính phủ, nhưng có thể nói ngay chuyện giảm bớt các đầu mối, tinh gọn bộ máy là điều không thể không làm. Bởi ai cũng thấy sự cồng kềnh của bộ máy công quyền, nếu so với nhiều nước khác.

Và điều quan trọng là tuy bộ máy đồ sộ nhưng hiệu quả công vụ thấp. Với 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, trong đó có gần 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức trên tổng dân số hơn 90 triệu người, sự quá tải thể hiện rõ với con số chi thường xuyên liên tục tăng gần 20% trong hơn một thập kỷ qua. Không ngân sách nào chịu nổi.

Sẽ có người nói tinh giản có bảo đảm vẫn giải quyết thuận lợi công việc của người dân không. Nhưng xin nói thẳng ra rằng, hiệu lực hay hiệu quả công vụ thời gian qua và thực tế trên thế giới cho thấy chúng không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng, thậm chí trong nhiều trường hợp, đông đồng nghĩa với cồng kềnh, nhiêu khê, tốn kém.

Vậy thì vấn đề không phải là có giảm hay không, mà là giảm thế nào. Điều quan trọng nhất là phải chỉ rõ mục tiêu của việc tinh giản bộ máy, thứ tự ưu tiên của các mục tiêu ấy để có chiến lược, chiến thuật phù hợp. Bởi có hợp nhất một số cơ quan, ban ngành, nhưng phải giảm được biên chế,  nhân sự. Nếu không chỉ là tinh giản cơ học, thay đổi về hình thức, còn nội dung vẫn vậy.

Còn nói về các “cửa” giảm thì rất nhiều và nhiều việc có thể thực hiện được ngay. Bởi sự chồng chéo hay dôi dư đang hiển hiện ở nhiều bộ ngành. Ví dụ: ngành Lao động-Thương binh-Xã hội có nhiều mảng công việc trùng với ngành y tế, nội vụ. Hoặc hiện nay chúng ta đang đánh đồng chính quyền nông thôn với chính quyền đô thị trong khi đặc điểm kinh tế - xã hội của địa bàn quản lý có nhiều khác biệt.

Tách ra, gộp vào, phân chia lại công việc là những điều bình thường trong công tác quản lý, nếu thực tế đòi hỏi. Vấn đề là mỗi sự tách ra, gộp vào phải tùy thuộc các điều kiện của từng địa phương và phù hợp nhất với định hướng phát triển.

Tất cả những việc này, thế giới đã có nhiều ví dụ đáng học hỏi. Với thực tế ở nước ta, có lẽ mục tiêu quan trọng nhất của việc tinh giản bộ máy là giảm gánh nặng ngân sách, cũng đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng đóng góp trên vai mỗi người dân, có thêm nguồn lực cho việc phát triển kinh tế. Tinh giản bộ máy đương nhiên cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc của bộ máy công quyền.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.