Tít mù rồi lại vòng quanh

Tít mù rồi lại vòng quanh
TP - Giá xăng cứ lên rồi lại giảm, rồi lại lên trở lại. Trong lúc ấy, giá cước vận tải lắm khi neo lại một chỗ, mặc cho xăng dầu nhảy múa. Hỏi thì doanh nghiệp nói đủ cái khó. Mà cũng có cái lý của họ.

Khi xăng giảm liên tiếp, dư luận xã hội đòi hỏi (chính đáng) là phải giảm giá cước. Ép mãi cũng có ông giảm, nhưng được vài hôm xăng lại tăng giá. Chắc chắn doanh nghiệp lại tăng cước, và rồi lại có khối thứ ăn theo.

Câu chuyện thiếu một cơ chế khoa học cho sự vận hành của thị trường xăng dầu và cước vận tải đã được nói dài qua nhiều năm mà chưa có hồi kết. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ chúng ta chưa đi đến bản chất của thị trường này.

Năm 2014,  giá dầu thế giới lúc cao nhất là gần 120 USD/thùng, giá xăng trong nước gần 26.000đồng/lít. Giá dầu thế giới khoảng 60USD/thùng nghĩa là đã giảm gần 50% mà giá xăng dầu trong nước khoảng 18.000 đồng/lít . Nhưng doanh nghiệp xăng dầu vẫn kêu lỗ. Điểm mấu chốt là người dân không hiểu cơ chế nào mà lỗ “hay đến thế”. Hãy thử xem các công cụ của cơ quan quản lý hiện nay trong việc điều hành giá xăng dầu: Bộ Tài chính và Bộ Công thương, hai đầu mối quyết định giá xăng dầu đang có trong tay công cụ thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá. Nếu theo một số  nước trên thế giới cũng nhập khẩu xăng dầu như ta, giá xăng dầu được quyết định theo giá dầu thô thế giới, vốn liên tục biến động, cộng với các loại thuế và chi phí lọc, phân phối… Quỹ bình ổn giá của ta là một “đặc sản Việt Nam” bởi nhiều nước không có. Thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá là một trong những hợp phần cấu thành giá cơ sở mặt hàng này.

Theo các quan chức liên bộ Tài chính, Công thương, “nguyên tắc điều hành giá xăng dầu là phải theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân - Nhà nước và doanh nghiệp”. Nhưng trong trường hợp này, “nguyên tắc” dường như là thứ “để nguyên thì nó tắc”.

Bởi trong thời gian qua, có quỹ bình ổn, thị trường xăng dầu vẫn biến động không ngừng và kéo theo đủ loại hệ lụy, có nghĩa là quỹ này không phát huy tác dụng. Đó là còn chưa kể một quỹ như vậy đòi hỏi cơ chế vận hành thật công khai, minh bạch nhưng câu chuyện báo lỗ của nhiều ông lớn xăng dầu cho thấy tính minh bạch kia  chưa biết khi nào mới tỏ. Xăng dầu thế giới là một thị trường cực kỳ nhạy cảm, có sự tham gia đủ loại yếu tố, từ kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực, địa chính trị, đến những bất ổn không bao giờ là dễ dự báo liên quan đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy trong việc vận hành, (thay vì nói “quản lý” hay “điều hành” nó bởi vượt quá khả năng của cơ quan quản lý một quốc gia). Hãy chấp nhận một thị trường xăng dầu bình thông nhau với thế giới và các hoạt động kinh tế cần chấp nhận quy luật của kinh tế thị trường và môi trường toàn cầu hóa này. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý là đảm bảo nền kinh tế vận hành đúng theo cơ chế thị trường, tránh những dạng thức phát triển méo mó.

MỚI - NÓNG