Tội ác hồn nhiên

Tội ác hồn nhiên
TP - Chắc chắn mấy nam nữ nhân viên cái siêu thị nho nhỏ ở thị trấn miền núi Chư Sê (Gia Lai) không thể ngờ được rằng nhiều khả năng họ sẽ phải đứng trước vành móng ngựa liên quan đến vụ “bị lấy cắp” hai cuốn truyện tranh trị giá 20 ngàn đồng.

Cũng không thể lường hết sự phẫn nộ dữ dội của dư luận cũng như nỗi đau đớn khi nhìn hình ảnh cô bé lớp 7 gầy gò bị trói dang hai tay trước siêu thị nọ giữa ban ngày, trước ngực treo tấm bảng “Tôi là người ăn trộm”, trên cổ vẫn còn đeo khăn quàng đỏ.

Hai từ khóa mấu chốt đặc biệt trong vụ việc, và có thể sẽ là vụ án này, đó là “sách” và “học sinh”. Nếu không phải là cô học trò 12 tuổi trên người đang còn mặc đồng phục đến trường, và nếu không phải cuốn truyện mà là món đồ đắt tiền nào khác, nữ trang chẳng hạn, cơn giận dữ của dư luận có lẽ sẽ không đến mức như vậy.

Bởi người ta dễ dàng đặt ra hàng loạt câu hỏi, rằng những người ấy có từng là học trò không? Có con không? Họ phản ứng thế nào khi con cái họ “tắt mắt” đồ chơi, sách truyện của người khác? Không phải ngẫu nhiên thế giới có danh từ đặc biệt “kẻ giấu sách” (bibliotaphe), để chỉ những người chuyên “mượn” luôn sách của thiên hạ mà không thể bị coi là ăn cắp.

Sự thô bạo, kém hiểu biết trong ứng xử xã hội, chưa nói đến lương tâm đạo đức của nhóm người nọ đã dẫn đến một thứ tội ác hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngu muội. Nhưng hậu quả thì khủng khiếp, với chấn thương gấp nhiều lần những cú tát má, dúi đầu của mấy bảo mẫu vừa vào tù.

Có liên hệ gì không giữa hai cuốn truyện tranh 20 ngàn đồng “bị lấy cắp” với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 với kinh phí “khủng” trên 34 ngàn tỷ đồng mà Bộ GD-ĐT vừa trình? Đổi mới, in mới cứ liên tục, nhưng dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” cho thấy kết quả của lối “nặng dạy chữ, nhẹ dạy người”, chỉ chăm chăm nhồi nhét đủ loại kiến thức nâng cao, đánh đố mà ít dạy những thứ đơn giản nhất để làm người.

“Sự thật duy nhất tôi thực sự biết là tôi đang bị ám ảnh bởi con người” - câu cuối cùng trong bộ phim Mỹ “Kẻ trộm sách” (The Book Thief) chính là của Thần chết. Giữa không khí ngột ngạt, chết chóc thời Đức quốc xã, việc cho người ta thấy tình thương đồng loại là gì cũng là có tội.

Đọc sách là sự “dũng cảm”, bởi sách bị đốt bị cấm. Nhưng cô bé 12 tuổi Liesel Meminger luôn “đánh cắp” những cuốn sách, cả những cuốn đang ngún khói giữa đống sách bị đốt cháy nham nhở. Trộm sách để học mặt chữ.

Để đọc lên đem lại sức mạnh, cứu sống chàng trai Do Thái đang bị truy đuổi và bệnh tật cận kề cái chết. Để kể lại cho những người khốn khổ dưới hầm trú bom vượt qua nỗi sợ hãi, có chút hy vọng sống sót…

“Chúng ta đang chết đói, còn cậu đi ăn trộm sách”. “Tớ không ăn cắp. Tớ chỉ mượn”. Ai cuối cùng cũng phải đầu hàng trước Thần chết. Ngoại trừ sức mạnh ngôn từ của sách vở con người tạo ra, và cách ứng xử của con người với nhau, bằng tình thương và sự hiểu biết.

MỚI - NÓNG