Trách nhiệm người đứng đầu

Trách nhiệm người đứng đầu
TP - Tai nạn giao thông có giảm hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò và sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương. Nếu không đề cao trách nhiệm người đứng đầu, các tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương khó mà giảm sâu.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều địa phương đã rầm rộ tổ chức nhiều đợt ra quân, hô hào, đề ra các giải pháp khắc phục tai nạn giao thông. Theo báo cáo, phần lớn các địa phương đều giảm ở cả ba tiêu chí số vụ, số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông, song dường như kết quả đạt được không bền vững. Đặc biệt, số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn đang là một vấn nạn nhức nhối trong toàn xã hội.

Đề cập đến việc này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) còn tỏ ra khó hiểu, vì tai nạn nghiêm trọng như thách thức, cứ đến thời điểm họp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Vì sao vậy? “Quy luật” này ngay bản thân ông Hà cũng không hiểu, đến mức ông còn phải thốt lên: Hay Ủy ban không họp nữa để khỏi xảy ra tai nạn(?).

Khó hiểu là vậy, tuy nhiên mỗi vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đều là hệ quả của cả một chuỗi bất cập. Đường tốt, xe đảm bảo tiêu chuẩn, chạy đúng tốc độ, chở đúng quy định, tai nạn nghiêm trọng có xảy ra không? Nếu đảm bảo chấp hành tốt các quy định, chắc chắn số vụ tai nạn nghiêm trọng sẽ giảm đi, thậm chí rất hiếm xảy ra!

Muốn làm được điều này, không thể không đề cập đến vai trò và trách nhiệm người đứng đầu. Hà Tĩnh và Hà Nam được xem là hai địa phương điển hình, giảm được cả ba tiêu chí sâu nhất. Để không bị liên đới trách nhiệm, người đứng đầu buộc phải làm quyết liệt, yêu cầu các đơn vị chức năng làm nghiêm: không dung túng, không bao che, bảo kê, nói chung là không có “vùng cấm”.

Trên thực tế đã có quy định, địa phương nào để hai năm tai nạn giao thông tăng liên tiếp thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, có thể là từ chức. Nói về điều này, tại Hội nghị giao ban trực tuyến về An toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã thẳng thắn nêu: “Năm nay An Giang tăng 61%, nếu sang năm tiếp tục tăng thì tôi phải…rút”. Nghĩa là ông Thạnh sẽ từ chức nếu để tai nạn giao thông liên tiếp tăng trong hai năm liền. Nói là vậy, song thực tế chưa người đứng đầu nào bị mất chức. Tuy nhiên ông Thạnh nêu ra vấn đề này, có lẽ để nhắc nhở mình phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, có như vậy tai nạn giao thông mới mong giảm được!

MỚI - NÓNG