Tự bảo vệ mình?

Tự bảo vệ mình?
TP - Khi nhận định về thực trạng buôn lậu, sản xuất thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, một câu nghe quen trong báo cáo của các cơ quan chức năng rằng: Tình hình ngày càng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nhận định đó có vẻ sát đúng. Bởi theo thống kê, trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015 các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã thanh, kiểm tra phát hiện xử lý 2.113 vụ vi phạm, xử phạt hơn 236,5 tỷ đồng và khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng… Qua những con số trên cũng đủ cảm nhận thị trường thực phẩm chức năng thực sự đang nóng và màu mỡ cho nhiều đối tượng lao vào kinh doanh với lợi nhuận khủng. Hàng loạt các phi vụ chấn động về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả đã bị phát giác. Điển hình, ngày 8/6, Công an TP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng giả của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech. Thủ đoạn của Công ty này được cơ quan chức năng chỉ ra là đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), và từ đó họ sản xuất và gắn tem nhãn đóng gói thành phẩm thực phẩm chức năng giả với đầy đủ chủng loại và “tự tin” bung ra khắp các thị trường sang, hèn từ thành phố đến nông thôn. Một vụ việc chấn động không kém, trước đó, cuối tháng 1/2015, Công an TP. Hà Nội cũng đã phát hiện và thu giữ 12 tấn thực phẩm chức năng giả và nghi giả, bao gồm đủ các loại từ sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen, glucosamin, Ginkgo, tảo Nhật, dầu cá... đến trà giảm béo, tỏi đen…

Theo nhận định của một chuyên gia, thứ thực phẩm chức năng được ưa chuộng hiện nay đánh vào hai lĩnh vực chủ yếu là tăng cường sinh lý cho phái mạnh và làm đẹp cho phái yếu. Cũng từ vị chuyên gia này thì khi đời sống kinh tế khá lên, người ta quan tâm, tập trung vào việc chăm sóc cho bản thân. Cầu lớn, chính là mảnh đất béo bở cho thị trường thực phẩm chức năng, giả, kém chất lượng lên ngôi.

Thủ đoạn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả, nhái phức tạp và tinh vi đến mức nào, các cơ quan hữu trách có đủ sức và trình độ ngăn chặn và triệt phá tận gốc được không? Những chiêu thức từ quảng bá, truyền thông, hợp thức quy chuẩn đến tiêu chuẩn dọn đường cho hành vi gian lận, lừa đảo người tiêu dùng, ai là người tiếp tay cho họ? Để nhận chân không khó. Câu hỏi đặt ra, sao ma trận thực phẩm chức năng giả, kém phẩm chất ngày càng như vòi bạch tuộc vươn phình khắp mọi ngõ ngách thị trường để tàn phá sức khỏe người dân và lũng đoạn thị trường kinh doanh lành mạnh? Không lẽ, thêm một lần nữa điệp khúc hãy là người tiêu dùng thông thái lại vang lên khuyên người dân tự bảo vệ mình?

MỚI - NÓNG