Tù mù

Tù mù
TP - Nhà tái định cư nhưng hầu như ít gia đình thuộc diện tái định cư muốn vào ở, trừ khi không còn lựa chọn nào khác. Doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng nhà tái định cư đọng vốn, gặp khó khăn.

Sau khi được chuyển đổi công năng để chuyển thành một phần nhà ở thương mại, các dự án tái định cư đã “hoặc vô tình, hoặc cố ý” lấn vào quỹ đất 20 % cho các chương trình tái định cư. Và tiếp đó là phá vỡ quy hoạch, dẫn tới điều chỉnh và một loạt các hệ lụy khác. Đó chính là bức tranh về nhà tái định cư và chương trình tái định cư ở một số thành phố lớn. Bức tranh méo mó này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tồn tại đã lâu.

Vì sao người dân không mặn mà với nhà tái định cư? Bởi nhiều lý do, trong đó có lý do hàng đầu: chất lượng nhà tái định cư thường rất thấp. Bên cạnh đó là vị trí tái định cư. Nhà nước chủ trương nơi ở tái định cư phải tốt bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Ở Hà Nội, ở TPHCM, rất nhiều người dân từ chối nhận nhà tái định cư bởi quá xa trung tâm, quá hoang vắng và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không đồng bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Nhưng nguyên nhân  của mọi nguyên nhân chính là sự không minh bạch, lẫn lộn giữa nhiệm vụ công ích của các dự án tái định cư và nhu cầu kinh doanh, có lợi nhuận của các doanh nghiệp. Sự lẫn lộn này cùng với những liên kết mang tính lợi ích nhóm đã khiến các dự án nhà tái định cư không còn đi đúng quỹ đạo, đúng đường ray mà dự án đã vạch ra từ đầu. Nhu cầu tối đa lợi nhuận dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hạ cấp sản phẩm, làm ăn gian dối để trục lợi và hậu quả là chất lượng nhà thấp, người dân không mặn mà. Mặn mà sao được khi nhà chưa vào ở mà đã xuống cấp, mang tiếng chung cư mới nhưng trông nhếch nhác không kém những chung cư cũ, không trường, không chợ, không phòng sinh hoạt cộng đồng...  Đây là tình cảnh của nhiều chung cư tái định cư ở Hà Nội, ở TPHCM và nhiều nơi khác. Khi người dân cảm thấy bị “đem con bỏ chợ”, “sống chết mặc bay tiền thầy đút túi” thì “danh tiếng” của nhà tái định cư còn lâu mới mất.

Nếu nhìn vào những khu tái định cư được lấp kín các hộ dân, được người dân hưởng ứng cụ thể như ở khu Ciputra (Hà Nội), những người nhận nhà là dân tái định cư phục vụ dự án cầu Nhật Tân. Khi các điều kiện ăn ở “bằng và tốt hơn” được đảm bảo, người dân sẽ vui vẻ chuyển đến nơi ở mới.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp và người dân, nhà nước cùng hưởng lợi là việc của chính quyền. Cơ chế thông thoáng, hợp tình hợp lý và không để bị méo mó theo lợi ích cục bộ là điều kiện để hoạt động tái định cư diễn ra suôn sẻ, đáp ứng lợi ích của các bên liên quan.

MỚI - NÓNG