Tự sửa sai

Tự sửa sai
TP - Hành trình đấu tranh khổ cực nhằm xóa bỏ những quy định khung không còn phù hợp với diễn biến thực tế thị trường của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh khí gas trên toàn quốc đã kết thúc khá có hậu.

Nói kết thúc có hậu xuất phát từ việc Bộ Công Thương, trong tờ trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí, đã đề xuất bỏ hàng loạt quy định như: doanh nghiệp đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG (khí hóa lỏng); doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu từ 3.000m3 đối với LPG, có số lượng chai LPG với tổng dung tích chứa tối thiểu 3,9 triệu lít; doanh nghiệp phân phối khí có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300m3 ....

Thẳng thắn hơn, Bộ Công Thương cũng thừa nhận nhiều vấn đề bất cập đang khiến các doanh nghiệp nhỏ bị thiệt thòi. Việc sửa đổi nghị định không gì khác nhằm loại bỏ hoàn toàn những “rào cản ngầm” đã được quy định lỗi thời trước đó, còn doanh nghiệp đánh giá là xóa bỏ việc “cài cắm” về mặt chính sách. Bộ Công Thương cũng thừa nhận, quy định bắt các thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí phải sở hữu cầu cảng thuộc hệ thống cầu cảng Việt Nam quy định tại Điều 7 của Nghị định 19 là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp.

Ở góc độ quản lý,  phải ghi nhận việc bỏ nhiều điều kiện kinh doanh gây khó doanh nghiệp của Bộ Công Thương, dù sau nhiều năm bị doanh nghiệp phản ứng, là một bước tiến trong việc cải cách hành chính và lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để tự sửa sai. Điều này đúng nếu nhìn lại cuộc “đấu tố” các rào cản lợi ích nhóm trong quy định giữa các doanh nghiệp kinh doanh gas với đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương hồi tháng 9/2016. Cuộc đối thoại đó, được giới truyền thông đánh giá thậm chí hấp dẫn, gay cấn hơn cả cuộc chiến loại bỏ những quy định nhằm duy trì, kéo dài Thông tư 20 của các nhà nhập khẩu xe ô tô nhỏ.

Tuy nhiên, nếu sòng phẳng hơn, theo ý kiến của một vài chuyên gia pháp chế, Bộ Công Thương phải khẳng định đây là việc cần thiết để cắt bỏ điều kiện kinh doanh bất hợp lý và thay vào đó là các điều kiện kinh doanh hợp lý hơn. Việc đưa ra các quy định mới tập trung vào yếu tố an toàn và chất lượng của khí gas, của bình chứa, bồn chứa, trạm nạp, phương tiện vận tải chính là những điểm nhấn chính của vai trò quản lý nhà nước. Thay vì cấm, cản, thậm chí cố níu giữ nhằm bảo vệ một lợi ích nhóm nào đó, cần để mọi thứ vận hành theo đúng quy luật thị trường. Những vấn đề khác như quy mô kinh doanh bao nhiêu là phù hợp, cơ quan quản lý Nhà nước cần buông, để thị trường tự quyết định.

Với việc đưa ra dự thảo mới thay thế Nghị định 19, Nhà nước, ở đây cụ thể là Bộ Công Thương, đã làm đúng vai trò của mình, là bảo đảm an toàn và chất lượng hàng hóa, còn cái gì của thị trường đã trả lại cho thị trường. Việc tiếp tục mạnh tay xóa bỏ một cách mạnh mẽ hơn nữa những quy định can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp sẽ để lại những tiếng thơm cho Bộ Công Thương, thay vì những ca thán, bỉ bôi từ cộng đồng doanh nghiệp như trước đây. Một xã hội hiện đại cần những nhà quản lý đúng tầm, biết lắng nghe, áp dụng những quy định đúng để doanh nghiệp đủ sức để phát triển, đóng góp cho đất nước nhưng cũng đủ để họ không vượt rào, lách luật làm bậy.

MỚI - NÓNG