Vai trò người đại diện

TP - Từ khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thành lập và nhóm họp phiên đầu tiên vào năm 2013, chưa bao giờ người ta được chứng kiến cảnh tranh luận căng thẳng như 3 phiên họp năm nay giữa đại diện người lao động và đại diện giới chủ sử dụng lao động.

Người lao động ai cũng muốn tăng lương càng nhiều càng tốt, với doanh nghiệp (DN) tăng càng ít càng hay, điều này không cần điều tra cũng biết kết quả. Nhưng câu hỏi là tăng bao nhiêu cho hợp lý, lợi cho công nhân và cũng chia sẻ với DN?

Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng phải 16,8%, hoặc thấp nhất cũng phải được 14,3%. Để bảo vệ quan điểm và lợi ích người lao động, rất nhiều lý lẽ thuyết phục đã được đưa ra, như: Để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu cho người lao động; người lao động có đủ ăn mới có thể cống hiến; kinh tế vĩ mô đã khá hơn; tăng lương để thúc DN đổi mới khoa học công nghệ… 

Thậm chí, tới trước thời điểm bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương hơn 1 tiếng đồng hồ, một thành viên của hội đồng đại diện cho người lao động còn quả quyết, nếu không đạt mức tăng lương ít nhất bằng năm 2015 (tăng 14,3%) sẽ bỏ phiếu trắng, hoặc không bỏ phiếu.

Ở phía ngược lại, đại diện cho giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất chỉ tăng tối đa 10%. VCCI cũng có rất nhiều lý lẽ “nặng ký” bảo vệ phương án của mình, như: DN còn nhiều khó khăn khó kham nổi chi phí tăng lương quá cao; năm tới tiền đóng bảo hiểm xã hội tăng; nguy cơ người lao động thất nghiệp tăng vì DN phải đóng cửa; tăng lương chưa tương xứng với tăng năng suất lao động… 

Thậm chí, khi phương án tăng lương năm tới đã được thông qua, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI vẫn nói thẳng với báo chí là chưa thật sự thỏa mãn. Vì theo ông, hiện DN còn khó khăn, phải cạnh tranh để hội nhập, nên mức tăng mới sẽ quá sức chi trả của DN.

Cuối cùng, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được thông qua là tăng bình quân 12,4% so với năm 2015. Mức tăng lương được lựa chọn gần như là khoảng bình quân chung giữa 2 phương án đề xuất của đại diện người lao động và đại diện giới chủ.

Đúng như nhận xét của TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (thành viên Hội đồng Tiền lương): “Cuộc đàm phán lần này cực kỳ khó khăn, nhưng chính vậy mới thể hiện tính dân chủ. Đặc biệt trong vấn đề nhạy cảm liên quan tới tiền lương của người lao động”.

Tranh luận, đàm phán và rồi để đi đến một kết cục có vẻ như “cân bằng” cho cả hai bên là điều cần thiết. Qua đây, còn thấy một dấu hiệu tích cực nữa: Vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện cho cả người lao động và chủ DN đã được nâng cao rõ rệt.

MỚI - NÓNG