Văn hóa đi bộ

Các bạn trẻ háo hức với phố đi bộ. Ảnh: Xuân Tùng
Các bạn trẻ háo hức với phố đi bộ. Ảnh: Xuân Tùng
TPO - Sau tuyến phố đi bộ đầu tiên từ Hàng Ngang - Hàng Đào lên đến chợ Đồng Xuân vào năm 2004, tiếp theo là 6 tuyến phố cổ đi bộ khác được mở vào năm 2014, hôm qua Hà Nội mở rộng không gian dành cho người đi bộ ra xung quanh Hồ Gươm và các tuyến phố cận kề.

Tổng cộng, đến nay Hà Nội đã có 26 tuyến phố đi bộ quanh khu vực phố cổ và Hồ Gươm với chiều dài lên tới 6,5 km. Tuy nhiên, tất cả các tuyến phố này chỉ được đi bộ vào những ngày cuối tuần.

Theo kế hoạch, tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm sẽ trở thành một không gian mang đậm các giá trị văn hóa của một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với những người thích hoài cổ, còn gì bằng khi vừa dạo chơi vừa thưởng thức ca trù, hát xoan, hoát xẩm ngay cạnh đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu.

Với người trẻ có khu vực trình diễn nghệ thuật ánh sáng, nhạc đương đại, xiếc, ảo thuật. Trẻ em có trò chơi dân gian, múa rối nước. Những người thích văn hóa đọc đã có phố sách Nguyễn Xí, triển lãm tranh, ảnh, nghệ thuật ở Tràng Tiền. Lui xuống một đoạn là Nhà Hát Lớn Hà Nội, sẽ đỏ đèn liên tục hằng đêm, mở rộng cửa đón các chương trình nghệ thuật và công chúng.

Nếu duy trì được như vậy một cách bền vững, Hà Nội sẽ có một không gian đi bộ xứng tầm, trải dài từ khu vực lõi phố cổ ra tới Hồ Gươm, và chẳng hề thua kém bất cứ khu phố đi bộ nào trên thế giới. Nhìn sang các đô thị ở châu Âu, hầu hết các thành phố đều có phố đi bộ ở trung tâm với những con đường lát đá cổ kính, những địa điểm văn hóa nổi tiếng, những tiệm cà phê lãng mạn, cửa hàng, cửa hiệu san sát… Mỗi thành phố một vẻ, nhưng tựu chung lại đó là nơi mà khi đến bất cứ du khách nào cũng phải ghé thăm. Đó là nơi để họ khám phá, tìm hiểu về văn hóa, cảm nhận được nhịp sống của thành phố. Tại những thành phố này, đi bộ đã trở thành một thói quen, một văn hóa của cư dân đô thị. Và tuyệt nhiên không có cảnh bán rong hay đeo bám chèo kéo khách, không ai làm phiền ai, không quá đông đến nỗi phải chen chúc, rất văn minh và lịch sự.

Đương nhiên, để một thành phố có văn hóa đi bộ, trước hết phải có không gian cho người đi bộ, có phố đi bộ, rồi từ đó mới dần hình thành nên thói quen, nếp sống cho cư dân. Và việc còn lại của chính quyền là quản lý, xây dựng không gian văn hóa cho tuyến phố đi bộ, tránh sự biến tướng, lộn xộn.

Dân ta chưa có thói quen đi bộ chính là vì ở ta chưa có hệ thống giao thông công cộng phát triển, đặc biệt là tàu điện ngầm. Hà Nội, TPHCM rồi cũng sẽ có tàu điện ngầm, có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Và lúc đó sẽ xuất hiện nhu cầu thiết thực cho việc đi bộ. Dẫu sao trong giai đoạn trước mắt, việc hình thành nên các không gian đi bộ cho người dân là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chất lượng sống của cư dân đô thị đã được chú trọng.

MỚI - NÓNG