Vấn nạn nhà báo rởm

Thẻ phóng viên rởm dùng để xin xỏ CSGT Hà Nội bị lật tẩy. Ảnh: Kiến thức
Thẻ phóng viên rởm dùng để xin xỏ CSGT Hà Nội bị lật tẩy. Ảnh: Kiến thức
TP - Mấy ngày nay, trên diễn đàn mạng và báo in nóng lên chuyện loạn nhà báo rởm. Những nhà báo này tự tung tự tác hành dân, hành doanh nghiệp bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu khi có thể. Dư luận đặt câu hỏi: Nhà báo rởm từ đâu ra? Đâu là mảnh đất màu mỡ cho họ “tác nghiệp”?

Với câu hỏi thứ nhất, nhà báo rởm có mấy dạng: “Nhà báo” tự xưng; “nhà báo” được các văn phòng đại diện, tòa soạn cấp giấy giới thiệu hợp đồng thời vụ; “nhà báo” đã bị tước thẻ, hay đã bị cơ quan chủ quản cho nghỉ việc vẫn dùng thẻ cũ… Còn câu hỏi thứ hai, đất cho các nhà báo rởm tác nghiệp thường là những vụ tranh chấp cá nhân, tổ chức, đơn vị; là những yếu kém, khuyết điểm, tiêu cực của doanh nghiệp, cơ quan; là tâm lí háo danh, háo thành tích cá nhân, tập thể…

Họ tác nghiệp theo phương thức nào? Lâu nay chúng ta thường nghe khái niệm làm báo theo kiểu “kền kền”. Ấy nghĩa là nghe đâu có tranh chấp, kiện tụng, lùm xùm, tung hê là ùa đến.

Những người làm báo chân chính thực sự cảm thấy xúc phạm khi lòng tự trọng nghề nghiệp bị tổn thương. Ngay trong đội ngũ làm báo, lúc này, lúc khác có những vụ nhà báo “xịn” nhúng chàm. Chính những con sâu làm rầu nồi canh ấy đã làm suy giảm uy tín những nhà báo cách mạng. Giờ đây, lại thêm sự xuất hiện của không ít nhà báo rởm, công chúng thật khó phân định thật giả, trắng đen. Thực trạng đó khiến cho câu nói nửa đùa nửa thật rằng, một thời người dân gọi là ông, là anh nhà báo còn giờ câu thường gọi là thằng, là bọn nhà báo… Ngẫm thật chua chát!


Điều 14 và Điều 15 Luật Báo chí, nhà báo phải là người có đủ các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức và nghiệp vụ báo chí do Nhà nước quy định… Nhà báo có quyền và nghĩa vụ thông tin trung thực, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Không ai được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để làm việc vi phạm pháp luật.

Trước vấn nạn nhà báo rởm đang lộng hành làm xói mòn niềm tin của công chúng, chiều hôm qua (4/11), Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định sẽ siết chặt quản lý với vấn đề này. Ông Trương Minh Tuấn bày tỏ: Những trường hợp nhân danh nhà báo để nhũng nhiễu, trục lợi đã gây hậu quả lớn, đặc biệt là làm mất uy tín của nghề báo. Hình ảnh của người làm báo trong công chúng hiện nay bị xuống thấp vì những đối tượng như vậy.

Trước tình hình đó, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý tốt hơn phóng viên, biên tập viên của các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, quản lý tốt hơn các cộng tác viên của mình, đừng để các cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa nhà báo để đi tác nghiệp như nhà báo. Được biết, sắp tới, Bộ TT&TT sẽ siết chặt các quy định như sẽ sửa đổi Thông tư 07 về cấp đổi lại thẻ nhà báo; Bộ sẽ lập các đoàn công tác phối hợp với các cơ quan liên ngành kiểm tra những nơi có xảy ra sai phạm... Những động thái đó hy vọng lập lại trật tự trong lĩnh vực báo chí, lấy lại uy tín, trả lại sự công bằng cho các nhà báo chân chính.

MỚI - NÓNG