Việt vị

Việt vị
TP - Nếu nói chỉ số hài lòng về dịch vụ công ở một số tỉnh thành mới khảo sát đạt 80-90%, đa số người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM chắc có người cười tủm tỉm “ý nhị”, có người sẽ cười phá lên. Bởi ngày nào trên các phương tiện truyền thông cũng kêu ca về dịch vụ công, về những nhiêu khê khi đến “cửa quan”. 

Doanh nghiệp kêu trời kêu đất về thủ tục thuế, người dân méo mặt vì rắc rối trong chuyện giấy tờ nhà đất, về thủ tục kết hôn, ly hôn, hộ khẩu… Có thể ai đó “cắc cớ” cũng có thể hỏi vặn lại: Biết đâu chỉ là chuyện Hà Nội, TPHCM nhiêu khê thôi, chứ mấy tỉnh như Phú Thọ, Bình Định, Thanh Hóa đều tốt cả thì sao?


Nhưng nếu có hơn 70% người dân các tỉnh này hài lòng về dịch vụ y tế thì sao bệnh viện các thành phố lớn cứ quá tải vì dân ngoại tỉnh đổ về? Và vì sao lại là Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định, ba tỉnh miền núi và nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn, không có một thành phố trực thuộc trung ương nào trong danh sách? Không đề cập chuyện kỹ thuật (xác định số lượng, tỷ lệ, đối tượng khảo sát, thực hiện lấy mẫu…), nội chuyện 46% người quen của cán bộ khảo sát thực hiện trả lời ở Phú Thọ cũng cho thấy các số liệu hoàn toàn đáng ngờ về tính nghiêm túc và khoa học. 

Với bất cứ cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến nào, tính khoa học và độc lập của đơn vị thực hiện phải được đặt lên hàng đầu. Mặc dù chương trình được nói là có sự phối hợp của Ngân hàng Thế giới, sở nội vụ, một cơ quan đại diện cho các cơ quan công quyền địa phương đứng ra khảo sát mức độ hài lòng của người dân địa phương đồng nghĩa với việc rơi vào thế “việt vị”. 

Vì sao việc khảo sát không do những tổ chức phi chính phủ thực hiện? Trên thế giới đều đã có nhiều tiền lệ và thường những tổ chức phi chính phủ uy tín, độc lập với công quyền mới đủ độ tin cậy thực hiện những khảo sát tương tự. Cho dù những con số do cơ quan công quyền công bố như thế nào thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ bởi cái thế “vừa đá bóng vừa thổi còi” và nói theo kiểu hình sự, trong trường hợp này, cơ quan công quyền hoàn toàn có động cơ để “tạo ra” những con số đẹp. 

Một nửa sự thật không bao giờ là sự thật và chỉ cần cơ quan công quyền thực hiện khảo sát hoặc không đủ kỹ thuật, hoặc không công tâm thì những con số họ đưa ra nhiều khả năng là sai lệch. Nguy hiểm hơn là những con số sai lệch ấy dẫn đến những nhận thức sai lệch và hệ quả là những quyết định sai.

Đưa ra những chỉ số về sự hài lòng sai lệch, không phản ánh đúng suy nghĩ và thái độ của người dân, cơ quan công quyền không những không củng cố được niềm tin mà trái lại, càng ít đáng tin trong mắt người dân.

MỚI - NÓNG