Xung đột để phát triển

TP - Đảm bảo cung ứng đủ điện nhưng không để gây hệ lụy về môi trường, không bị người dân phản ứng, tẩy chay… cũng là thách thức, khó giải quyết với nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo Quy hoạch điện 7 được Chính phủ thông qua mới đây, đến năm 2020, nhiệt điện than sẽ chiếm 49% tổng công suất điện toàn quốc. 

Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với việc quay trở lại nhập khẩu điện hàng năm với công suất điện bắt đầu gia tăng mạnh với lượng điện nhập ước chiếm 2,4% tổng công suất điện.

Lời giải thật sự khó cho bất cứ chuyên gia, tổ chức nào khi phải đối mặt với sự thật rất rõ: Việt Nam chính thức hết cửa đầu tư các nguồn thủy điện lớn sau năm 2016. 

Thủy điện bước vào giai đoạn “cáo chung” khi chỉ còn chiếm 18% tổng công suất vào năm 2025. Trong khi đó, điện hạt nhân, một trong những “cánh cửa hẹp” để gia tăng nguồn cung cấp điện, đã chính thức tạm ngừng triển khai chưa rõ thời hạn.

Thực tế, ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Australia… đến nay nhiệt điện than vẫn là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu. Như tại Mỹ nhiệt điện than chiếm tới 43,3% tổng sản lượng và chiếm tới 68,6% tổng sản lượng tại Australia. 

Còn tại Đức, đất nước nổi tiếng với tỷ lệ năng lượng tái tạo đứng đầu thế giới (17,6%), tỷ lệ nhiệt điện than cũng chiếm tới 45,1%. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhiệt điện than chiếm tỷ lệ còn cao hơn nữa.

Tiêu tốn lượng nước lớn, phát khí thải CO2, bụi… gây ô nhiễm môi trường luôn là những mối lo có thật đối với bất cứ quốc gia nào có cơ cấu nhiệt điện than lớn. Chất lượng không khí suy giảm, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng,… luôn là những vấn đề được các tổ chức bảo vệ môi trường nêu ra tại các diễn đàn trên thế giới để phản đối phát triển nhiệt điện than. 

Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều hội thảo được một vài tổ chức, trung tâm tổ chức nhằm phản đối, bày tỏ mối quan ngại đối với sự phát triển nhanh chóng của nhiệt điện than trong những năm tới. Đây cũng là những diễn đàn để các tổ chức này tranh thủ PR, giới thiệu các sản phẩm, thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng tái tạo.

Xung đột luôn là vấn đề đối với bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển. Nhưng với một nước thuần về nông nghiệp, đặc biệt với ĐBSCL, khu vực giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả con tôm và cây lúa, việc đặt ra những câu hỏi lớn đối với việc phát triển nhiệt điện than cũng là điều dễ hiểu. 

Với người nông dân, cây lúa, con tôm là những sinh kế của hàng nghìn, hàng vạn người dân. Ô nhiễm, nếu xảy ra, sẽ khiến cuộc sống người dân trong vùng đảo lộn. Hệ quả sau đó sẽ rất khó lường.

Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý nhiều lần khẳng định, với các quy hoạch ngành lộn xộn như hiện nay, mạnh ngành nào quy hoạch cho ngành đó, việc đảm bảo môi trường sẽ là nhiệm vụ sống còn với EVN cũng như các đơn vị khác như PVN, TKV trong việc đầu tư các nhà máy nhiệt điện. 

Một sai sót, buông lỏng trong quản lý việc đảm bảo môi trường của các nhà máy nhiệt điện than sẽ để lại những hậu quả khôn lường kéo dài trong nhiều năm. Việc EVN, TKV và PVN phải công khai những chỉ số khói, bụi, khí thải cũng như quy trình quản lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện để người dân và cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ là việc cần thiết. 

Các chỉ số, quy trình hoạt động của nhà máy nhiệt điện than được quản lý chặt chẽ chừng nào thì chừng đó câu hỏi lớn có nên đánh đổi môi trường, đánh đổi con tôm, cây lúa để có điện phục vụ phát triển đất nước sẽ không phải đặt ra.

MỚI - NÓNG