Ý thức cộng đồng

TP - Hôm 11/8, Google phải chính thức đăng lời kêu gọi người chơi Pokemon Go tại Việt Nam ngừng việc cố tình chỉnh sửa sai Google Maps - nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam mà cả cộng đồng đã tâm huyết dày công gây dựng bấy lâu nay.

Hoạt động di dời trên thế giới ảo rất sôi động, người “bê” Công viên Nghĩa Đô ở Hà Nội về nhà mình, kẻ “chuyển” Đại học Hàng Hải từ Hải Phòng về TP HCM, hay “dời” Đại học Nông Lâm TP HCM về Bình Dương.

Mục đích của những yêu cầu chỉnh sửa với tốc độ chóng mặt này, chính là để tạo ra các PokeStop (khu vực nhận các vật phẩm miễn phí) gần nhà mình giúp người chơi Pokemon thuận tiện hơn trong việc di chuyển, săn vật phẩm. 

Đại diện đội ngũ kiểm duyệt vị trí của Google Maps tại Việt Nam cho biết:  “Cứ mỗi 10 giây, chúng tôi lại nhận một địa điểm được thêm mới trên Google Maps tại Việt Nam, và nhiều trong số đó là các vị trí không đúng sự thật, hoặc bị chỉnh sửa tên liên quan đến Pokemon. Tốc độ này tăng trong khoảng 3 ngày gần đây, khiến đội ngũ kỹ thuật làm việc cực kỳ vất vả”.

Lời kêu gọi của Cộng đồng Google Map Maker Việt Nam có đoạn : “ Chúng tôi đang cảm thấy nhói đau vì hành động spam ồ ạt của các bạn! (…) Xin các bạn hãy dừng ngay hành động phá hoại bản đồ vì Pokemon…”

Bất cứ ai đã từng sử dụng Google Maps để di chuyển, để tìm tới một địa điểm ở nơi xa lạ đều thấy lợi ích vô cùng thiết thực của công cụ này. Hãy thử tượng tượng, công cụ định vị, chỉ đường đã trở nên phổ biến và đáng tin cậy này bị những người chơi Pokemon tại Việt Nam làm đảo lộn và sai lệch, khi đó bạn bè quốc tế sẽ đánh giá chúng ta ra sao, trong khi ở các nước khác công cụ Google Maps vẫn chính xác.

Bên cạnh vô số những nghĩa cử cao đẹp, có một thực tế phải thừa nhận rằng vẫn còn đó không ít những hành động làm ảnh hưởng tới những người xung quanh, tới cộng đồng xã hội. 

Từ cảnh chen lấn xô đẩy, không có thói quen xếp hàng, vứt rác, khạc nhổ bừa bãi, hút thuốc lá, gây ồn ào nơi công cộng… cho tới bức tranh giao thông lộn xộn trên đường phố, đủ thấy ý thức vì cộng đồng ở ta vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn.

Lâu lắm rồi, đường phố chỉ thấy băng rôn quảng cáo hay khẩu hiệu nhân những ngày lễ lớn mà thiếu vắng đi những khẩu hiệu mang tính văn hóa ứng xử như “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” một thời. Dường như chúng ta đang thiếu vắng điều đó, sự tôn trọng cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ nơi ta sinh sống hay làm việc, tới những cộng đồng rộng lớn hơn.

MỚI - NÓNG