Bắc Kinh, Bangkok chống tắc đường

Bắc Kinh, Bangkok chống tắc đường
TP - Bắc Kinh tổ chức rút thăm để đăng ký ôtô, tăng phí đỗ xe, cấm đường; Bangkok phát triển đường sắt cao tốc trên cao có thu phí, trợ giá xe buýt công cộng hoạt động 24/24…

Rút thăm để có biển số

Năm nay, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc áp dụng 4 biện pháp chính nhằm hạn chế tắc nghẽn giao thông. Đó là: Giới hạn lượng biển số ô tô cấp ra thông qua rút thăm may mắn, tính phí đỗ xe theo block 15 phút thay vì 30 phút, cho xe biển số chẵn hoặc lẻ lưu thông trong những hoàn cảnh nhất định, tăng đầu tư cho giao thông công cộng.

Chính quyền Bắc Kinh giới hạn biển số xe cấp trong năm 2011 ở mức 240.000, bằng 1/3 số ô tô mới được đăng ký ở thủ đô năm 2010. Trong đó, 88% (17.600 biển số/tháng) dành cho người mua xe tư nhân, 2% dành cho sử dụng thương mại và 10% dành cho doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… Các cơ quan thuộc chính quyền Bắc Kinh và những đơn vị công khác sẽ không tăng số xe mà họ sử dụng trong vòng 5 năm tới.

Từ đầu năm 2011, để nhận được biển số xe, các tổ chức và cá nhân phải tham gia quay sổ xố (dạng rút thăm may mắn). Những người đủ điều kiện tham gia gồm có: người thường trú ở Bắc Kinh, người tạm trú đã đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc đóng góp an sinh xã hội ở thủ đô trong ít nhất 5 năm liên tục… Những người đổi xe sẽ tự động được đổi biển số mới và không phải tham gia rút thăm.

Người mua xe mới phải tham dự quay sổ xố cho đến khi may mắn mỉm cười với họ. Vì số biển số cạn dần theo từng tháng nên càng đến cuối năm, cơ hội dành cho họ càng ít. Chính sách mới tác động nhiều nhất đến những người không may mắn này dù họ chịu trách nhiệm ít nhất đối với tắc nghẽn giao thông. Trong vòng 4 ngày đầu tiên của năm 2011, hơn 100.000 người nộp đơn qua mạng đăng ký tham dự sổ xố qua hệ thống máy tính. Trong đợt rút thăm đầu tiên có hơn 210.000 tham gia nhưng chỉ có 7.600 người may mắn.

Quy định hạn chế đăng ký xe này khiến không ít đại lý xe hơi trong tổng số 450 đơn vị ở Bắc Kinh phải đóng cửa, kéo theo tình trạng mất việc làm và thiếu dịch vụ sau bán hàng. “Nhiều đại lý phải tái cơ cấu, vì doanh số xe giảm từ khoảng 800.000/năm xuống còn 240.000”, ông Su, cựu quản lý Yayuncun, đại lý xe hơi lớn nhất Bắc Kinh, nói. Xiong Chuanlin, Phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nói, quy định hạn chế xe là không công bằng với người mua tiềm năng, chính quyền thành phố nên tập trung tăng cường quản lý giao thông và điều tiết việc sử dụng xe.

Zhou Zhengyu, Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh, nói: “Số xe hơi ở Bắc Kinh tăng mạnh cùng với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, gây tắc nghẽn nghiêm trọng ở một số khu vực trung tâm, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nếu không áp dụng biện pháp mạnh, tình trạng ùn tắc sẽ ngày càng trầm trọng”. Năm ngoái, hơn 700.000 xe hơi được bán ra ở Bắc Kinh, nâng tổng số ô tô trong thành phố gần 18 triệu dân lên trên 4,7 triệu, theo Sở GTVT Bắc Kinh.

Từ ngày 1-4, phí đỗ xe ở khu vực phi dân cư sẽ tính theo block 15 phút, thay vì 30 phút như trước. Mức phí tăng từ 2 nhân dân tệ (tương đương 6.500 đồng) lên 10 nhân dân tệ (32.500 đồng)/giờ. Bắc Kinh còn cấm ôtô ngoại tỉnh đi vào đường vành đai số 5 của thành phố từ 7 giờ đến 9 giờ và từ 17 giờ đến 20 giờ hằng ngày (trừ cuối tuần). Ngoài ra, tất cả xe cơ giới bị cấm vào đường vành đai số 5 từ 7 giờ đến 22 giờ một ngày trong tuần. Quy định này góp phần giảm kẹt xe giờ cao điểm, làm tăng nhu cầu sử dụng taxi.

Bắc Kinh còn áp dụng hệ thống biển số chẵn - lẻ cho phép đi xe cách nhật vào giờ cao điểm ở một số khu vực hay tắc đường. Xe được đi vào khi thời tiết xấu, có sự kiện lớn hoặc ngày nghỉ lễ quan trọng. Thành phố áp dụng biện pháp kiểm soát giao thông chẵn - lẻ hồi diễn ra Olympic Games 2008.

Ngoài các biện pháp trên, Bắc Kinh cải thiện công tác quy hoạch đô thị, đẩy nhanh việc xây dựng một số khu vực ngoại ô, tăng đầu tư cho giao thông công cộng. Những ngày cuối cùng của năm 2010, thành phố khai trương 5 tuyến xe điện ngầm và nhiều tuyến xe buýt mới nối khu vực trung tâm với các huyện ngoại thành. Nhiều người dân nói giao thông ở thủ đô đã bớt tắc nghẽn so với năm ngoái.

Năm tuyến xe điện ngầm mới có tổng chiều dài 108km, nâng tổng số tuyến xe điện ngầm ở Bắc Kinh lên 14 (dài tổng cộng 336km). Hệ thống xe điện ngầm của thành phố phục vụ hơn 5 triệu hành khách mỗi ngày.

Thượng Hải chú trọng quản lý

Thành phố Thượng Hải không chú trọng hạn chế sử dụng xe cá nhân mà cải thiện hệ thống quản lý giao thông gồm 4 điểm. Thứ nhất, thiết lập hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, trong đó ưu tiên đường đô thị, đường cao tốc, đường, đường ngầm. Thứ hai, coi trọng nâng cao hiệu quả quản lý giao thông hơn mở rộng hạ tầng, sử dụng hệ thống điều phối và quản lý thống nhất, chú trọng quản lý khu trung tâm thành phố và tận dụng hệ thống giao thông công cộng. Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông minh, thu thập thông tin giao thông ở tất cả tuyến giao thông chính, trong đó có thông tin về dòng người di chuyển theo thời gian thực. Thứ tư, khuyến khích và hiện thực hóa các ý tưởng quản lý giao thông chuyên sâu, phối hợp khai thác toàn diện các phương tiện giao thông như xe buýt công cộng, xe buýt du lịch, đường sắt, hàng không…

Tại một số địa phương khác của Trung Quốc như thành phố Trùng Khánh, xe cá nhân đến khu vực trung tâm giờ cao điểm có thể phải nộp phí. Yang Mingcheng, giáo sư Đại học Khoa học chính trị và luật Tây Nam, nói rằng một số thành phố ở nước ngoài đã thu phí tắc đường, nhưng giải pháp này chưa thực sự được đồng thuận ở Trùng Khánh.

Bangkok phát triển đường trên cao

Để giải quyết nạn kẹt xe, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, chính phủ Thái Lan đã quyết định tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc trên cao, đường hầm, cầu vượt, đường sắt 2 ray trên cao, xe điện ngầm… ở thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng xe cá nhân vượt quá tốc độ phát triển hạ tầng nên thành phố thường xuyên bị tắc đường. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính khiến đường phố Bangkok thường xuyên tắc nghẽn là vì có quá nhiều ô tô cá nhân. Việc mua xe rất dễ dàng vì được hỗ trợ nhiều về mặt tín dụng tiêu dùng.

Đường sắt trên cao ở Bangkok Ảnh: Photo-journ.com
Đường sắt trên cao ở Bangkok Ảnh: Photo-journ.com.

Để tránh kẹt xe, nhiều người dùng hệ thống đường tốc trên cao, nhưng phải trả phí tùy theo kích thước xe. Hệ thống đường cao tốc trên cao kết nối hầu hết đường sá ở nội thành và một số vùng ngoại ô, kể cả sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

Bangkok cũng tập trung phát triển mạng lưới xe buýt công cộng được trợ giá. Một số tuyến hoạt động suốt ngày đêm. Với 7 baht (khoảng 5.000 VND) tiền vé, hành khách có thể đi tới hầu hết điểm đến ở thủ đô. Xe buýt có điều hòa nhiệt độ có giá sàn và giá trần là 11 baht và 24 baht. Xe buýt mini có điều hòa nhiệt độ áp dụng mức vé đồng hạng 25 baht cho mọi tuyến đường

5 thành phố tắc nghẽn nhất thế giới

Tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) của Mỹ năm 2010 liệt kê 5 thành phố tắc nghẽn giao thông nhất thế giới, gồm Bắc Kinh (Trung Quốc), Mátxcơva (Nga), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil) và Lagos (Nigeria). Tắc đường khiến Bắc Kinh thiệt hại khoảng 6 triệu USD mỗi ngày. Khảo sát cho thấy, người dân thủ đô phải mất trung bình gần 2 tiếng mỗi ngày để đi từ nhà đến chỗ làm. Mátxcơva có thời gian kẹt xe lâu nhất - 2,5 giờ (trung bình thế giới là 1 giờ). Sao Paulo lập kỷ lục về chiều dài xe cộ rồng rắn vì tắc đường: 266km. Những người giàu có ở Sao Paulo dùng đến máy bay trực thăng để đi lại, nên đây là thành phố có số lượng trực thăng nhiều thứ nhì thế giới.

Vì lý do kỹ thuật, kỳ tiếp theo của bài “Quốc bảo châu bản triều Nguyễn” tạm dừng. Mong bạn đọc thông cảm.

Minh Long
(Theo Xinhua, CCTV, The Nation, Kyodo)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG