Bâng khuâng ở An-giê

Những người thợ thăm dò - khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algeria (Ảnh PVEP tại Algeria)
Những người thợ thăm dò - khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở Thủ đô Algeria (Ảnh PVEP tại Algeria)
TP - Mười hai năm trở lại thủ đô Angie của Cộng hòa Angieri. Cũng lạ tiếp đầu tố tên quốc gia của 47 nước châu Phi đều có tên Cộng hòa như Angieri đây?

Bây giờ đi công cán làm lụng Angieri ngót 10 giờ bay thương mại. Nhưng giữa những năm 60 phải khoảng hai tuần lễ. Đại để thế này: Đi xe lửa từ đông Nam châu Á đến Đông nam châu Âu ngang qua Trung Quốc, Liên Xô, Rumani, Bungari, rồi quá cảnh đến Aten Hylạp Tuynizi để đến sân bay quốc tế Dar El Beida của thủ đô Angieri.

... Trong file ảnh cũ lục lại vẫn lưu  những gương mặt thoắt quen mà thoắt lạ  chuyến đến thủ đô Angie 12 năm trước…  Buổi gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với Việt kiều.

Người nhô lên trong đám đông ấy là ông già Mohamet. Cái tên ấy ở đất nước Hồi giáo này như­ là Ba, Bốn như­ Tuyết, Lan của ta vậy. Nhưng nghĩa tình sự chung thủy của người Việt mình không để ông trở thành vô danh! ông và 2 đồng đội trong đơn vị Lê dương người Angieri chạy sang hàng ngũ Việt Minh năm 1952, sau nhiều năm công tác ở Cục địch vận, ông chuyển ngành về nông trường Việt - Phi Ba Vì. Tại đây, ông  gặp  được bà Nguyễn Thị Đông, vợ ông sau này. Bà Đông quê ở Cầu Giát vốn là công nhân của nông  trường Việt - Phi. Trong câu chuyện ngắn ngủi, bà Đông không hiểu sao cứ rũ ra cười khi nhắc đến duyên số của bà với ông chồng Mohamet. Khi đó chuyên gia Liên Xô là của hiếm, mặc dù đã bện với nhau nhưng thời gian đầu, bà nói thác với bố mẹ lẫn người thân,  rằng người bà tìm hiểu và đặt vấn đề  là một chuyên gia Liên Xô rất thạo tiếng Việt! Về sau chuyện vỡ ra, ông anh bà mắng cho một trận rằng sao lại phải giấu bởi đồng chí mét mét này còn hơn cả các đồng chí chuyên gia Liên Xô. Các đồng chí Angieri này là đại diện cho giai cấp vô sản tận bên trời Phi sang đây sát cánh cùng nhân dân Việt Nam đánh Pháp giành lại độc lập. Những sự to tát ấy như lời ông anh nói khi đó bà đâu có rành, chỉ thấy Mohamet cao lớn lộc ngộc nh­ưng hiền lành tử tế! Trong thời gian phục vụ QĐND Việt Nam ông được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng Hạng 2.

Mohamet kể tôi nghe chuyện những người lính nông trường đã bán đàn bò cùng gà, ngỗng do họ chăn nuôi được để trở về tổ quốc Angieri tham gia kháng Pháp. Lực lượng này là đội quân chủ lực tham gia đắc lực và hiệu quả trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp mà Angieri khởi đầu từ tháng Giêng năm 1954. Năm trăm người trong số này trở thành những cán bộ quân sự cấp tá trong quân đội nhân dân Angieri sau khi giành được độc lập năm 1962.

Trở lại với ông già Mohamet. Tại nông trường Việt - Phi họ có hai trai một gái. Về Angieri năm 1964, họ lại có thêm 5 con nữa. Tổng cộng là 8 đứa. Nội ngoại bây giờ là 25! Con cái hầu hết làm ở Mỹ, Canađa...

Trong ảnh, ngồi bên cụ Mohamet là bà Hoàng Thị Sinh, nhà ở phố Hàng Đẫy. Ông Cazinili lý lịch trích ngang nguyên là lính Lê dương chạy về với ta rồi là nông trường viên nông trường Việt - Phi lần đó chẳng may bị ốm về điều trị ở Quân y viện 108. Cô y tá Sinh của Quân y viện trực tiếp săn sóc cho Cazinili. Cazinili khỏi bệnh và  được thêm cả cô vợ... Có với nhau 5 đứa con. Về Angieri có thêm 3 đứa nữa. Chồng mất năm 1993. Hiện bà Sinh làm thêm nghề trông trẻ, như bà nói buồn mà phải đi làm cho khuây khỏa!

Tôi chỉ có mấy phút để hỏi  chuyện người ngồi thứ 4 trong tấm ảnh tính từ trái sang, bà Lan năm ấy 70 tuổi. Có 9 con, 6 trai 3 gái. Nội ngoại đầy đủ 14 đứa. Chồng chết năm 1985. Chồng bà từng lái xe ở mỏ Crômít Cổ Định Thanh Hóa và mỏ than Na Dương, Lạng Sơn.. Cũng như tôi rất muốn nán lại với bà Bính, quê ở Gia Lâm. Chồng bà Bính mất đã 10 năm nay. Chuyện chồng bà khá đặc biệt. Ông bị bắt lính sang Đông D­ương hai lần. Lần thứ nhất 2 năm. Lần thứ hai tìm cách trốn sang hàng ngũ Việt Minh! Hồi ấy nhờ có cô Nga PV thông tấn xã thường trú ở Angie có kể tụi nghe, nhiều cụ bà người Việt mà cô từng gặp những vùng xa, hơn 40 năm nay chỉ biết mỗi việc chăn cừu. Có người quên hẳn tiếng Việt. Tội nghiệp, có cụ còn thì thào tôi thèm thịt lợn quá cô ạ. Lâu rồi có khi tôi đã quên thứ đó rồi cũng nên... (Đạo Hồi cấm thịt lợn)

Cũng cần nói thêm giới nghiên cứu Tây Phương đã từng để mắt đến đề tài này mà sao cánh viết lách xứ mình thì lảng? Gần đây Tạp chí La Vie Economique bản Pháp văn trang Văn hóa và Xã hội (Culture & Société) từng đăng bài cuộc trò chuyện với nhà văn kiêm sử học Hoa Kỳ Nelcya Delanoe.

Đáng nể là nhà sử học kiêm nhà văn này đã từng gặp gỡ phỏng vấn với hơn 30 cụ, các bà vợ Việt của những người lính hàng binh Lê dương và cả các con của họ mà như bà bộc bạch tất cả đều rất cởi mở trả lời những câu hỏi của tôi mặc dù họ biết những câu hỏi lẫn câu trả lời ấy không biết rồi sẽ đi đến đâu!

Thoáng nhớ cuộc gặp vội vã, những cuộc gặp chạy trong nghề báo thấy như mình có lỗi. Nếu có chút thời giờ mò đến nơi mà các cụ bà người Việt này đang sống cùng gia đình họ ngồi giữa gia đình họ mà chuyện trò thì là phải nhẽ nhất!

Bâng khuâng ở An-giê ảnh 1

Thủ tướng Angieri đón Thủ tướng Việt Nam tại cầu thang máy bay

Sau 12 năm, thời gian nào lâu lắc dằng dặc gì mà nhiều người có điều kiện gần cộng đồng Việt tôi gặp lại ở An-giê láng máng về những cụ bà khi tôi đưa những tấm hình cũ khi đi sang đây hy vọng gặp lại những quá vãng muốn nhắc nhớ? Không biết trong số những cụ bà, có còn  được an lành hay nói dại mồm, một số đã khuất bóng?

Chao ôi, cái ký ức của người Việt, cái cần nhớ thì lại quên, cái quên lại dai dẳng? Là khi tôi cố gạn từ ông Đại sứ 12 năm trước đến những sứ thần Việt nhiệm kỳ đại diện ngoại giao bây giờ cũng như một số người nữa thì không một ai biết cái ngôi nhà vua Hàm Nghi  từng lưu trú ở thủ đô An-giê. Như nhiều người Việt mình và cả rất nhiều người ngoại quốc quan tâm. Đầu những năm 1900, Pháp điệu ông vua yêu nước Pháp Hàm Nghi tức Nguyễn Phúc Ưng Lịch từ nơi bị bắt là đất Quảng Bình đày sang xứ thuộc địa An-giê này. Ngôi nhà ở thủ đô An-gie mà vua ta từng ở hàng chục năm lấy vợ người Pháp viết sách vẽ tranh nặn tượng… Vừa qua có một cô chắt vua Hàm Nghi làm luận án tiến sĩ về chính cụ ngoại của mình đã mang về phiên bản bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi khiến giới sử học lẫn hội họa xứ Nam mình bàng hoàng! Hóa ra có một Hàm Nghi hội họa mà khuất lấp hơn trăm năm có lẻ? Nghe đâu vua Hàm Nghi vẽ hàng trăm bức tranh cả màu, dầu, thuốc nước, chì than… nhưng thất tán nhiều lắm? Người ta có mang máng ngôi nhà của vua Hàm Nghi ở An-giê bị hỏa hoạn? Nếu vậy thì cũng còn sót lại một cái nền? Nhưng nó ở đâu trong trận đồ bát quái giăng mắc nhà cửa của thủ đô An-giê này? Có lẽ cũng chả trách chi sự thờ ơ cùng vô tâm của hậu thế cùng lắm duyên do dằng dặc hơn thế kỷ với bao biến động.

Cũng na ná một chút tiếc hùi hụi khi gạn lâu lâu chỗ nhân viên Bảo tàng cựu binh ở thủ đô An-giê là cũng có ý để nhắc lại một sự kiện lịch sử cũng chưa lâu mấy… Có lẽ chỉ có cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Việt mình. Là thời An-giê có một kế hoạch chỉ thị hẳn hoi trong quân đội và dân chúng theo sáng kiến của Tổng thống BenBenla thời ấy. Sáng kiến ấy độc đáo duy nhất có đến bây giờ, chưa có nước nào ngoài Angie đã đỡ đầu nuôi dưỡng một tiểu đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là Tiểu đoàn mang tên Tiểu đoàn Angieri chiến thắng (Baitaillon de L’Algierie victorieuse) Cái tên này do chính Trung ương Cục miền Nam đặt vào đầu năm 1965. Tiều đoàn này chiến đấu nhiều nhất ở địa bàn Bồng Sơn Quảng Ngãi. Hằng năm cứ đến ngày 20/12 thì Tiểu đoàn có báo cáo thành tích chiến đấu định kỳ trong năm qua cho bạn Angieri và đích thân Tổng thống Angieri biết.

Chợt lẩn thẩn bảo tàng xứ mình, đã có nơi nào lưu lại dấu tích của Tiểu đoàn Angieri chiến thắng ấy không nhỉ?    

(Đêm 31/5. Từ thủ đô Angie)

Tại sao lại có cuốn sách viết về những người lính Lê dương Bắc Phi, Maroco, Angieri ở Đông Dương

- Tôi viết cuốn sách này như một sự tình cờ... Tôi đã nghe người ta kể nhiều về chuyện này. Tôi đã viết nó vì  Việt Nam nơi tôi đã từng sống trong những năm tháng chiến tranh của Mỹ, nước Pháp nơi tôi lập nghiệp và Hoa Kỳ nơi tôi hiện là một sử gia. Tôi hài lòng khi chọn vấn đề  này. Vả lại, tôi đã ở giai đoạn trong cuộc đời mà tôi đã mong muốn viết lịch sử khác với điều phải chăng? Làm thế nào viết lịch sử ở thế kỷ hai mươi mốt? Làm thế nào để có lịch sử truyền khẩu?  Tôi biết trong mớ hỗn tạp đó, có sự thật lịch sử đang ẩn náu...             

Ông Mohamet

Việt Nam muốn hợp tác dầu khí, lao động với Algeria

Chủ trì Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Algeria hôm 31/5 (giờ địa phưong), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi doanh nghiệp Algeria hợp tác trong các dự án khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp..., mong muốn Algeria tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thi công, đầu tư các công trình hạ tầng, nhà ở, cung cấp lao động cho thị trường Algeria.

Phát biểu trước gần 300 doanh nghiệp Việt Nam và Algeria tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về việc sẽ tham dự Lễ Khánh thành hạng mục thiết bị giàn khoan, chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên của dự án liên doanh giữa Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí – Công ty TNHH MTV và đối tác Công ty Dầu khí quốc gia Algeria SONATRACH và đối tác Thái Lan.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.