Bí mật khu mả Tây trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Ông Vàng Dìn Di là nhân chứng duy nhất còn lại của vụ nổ máy bay quân sự cách đây hơn nửa thế kỷ
Ông Vàng Dìn Di là nhân chứng duy nhất còn lại của vụ nổ máy bay quân sự cách đây hơn nửa thế kỷ
TP - Quá nửa thế kỷ, bức màn bí mật về cái chết của 24 người được cho là lính Tây trong vụ tai nạn máy bay quân sự kinh hoàng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh vẫn chưa được vén lên. Nằm cô quạnh trên độ cao 2.000m, bốn mùa mây phủ, họ chỉ còn trong trí nhớ của một người Mông duy nhất.
Ông Vàng Dìn Di là nhân chứng duy nhất còn lại của vụ nổ máy bay quân sự cách đây hơn nửa thế kỷ
Ông Vàng Dìn Di là nhân chứng duy nhất còn lại của vụ nổ máy bay quân sự cách đây hơn nửa thế kỷ.

Từ trung tâm xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang) lên khu "mả Tây" ở thôn Trúng Phùng khoảng 7km. Nằm ở độ cao chót vót, thôn Trúng Phùng thông thốc gió, khí hậu khắc nghiệt, ít cây to sống nổi ngoài loài sa mộc kiên cường.

Mùa hạ, dưới xã Túng Sán nắng nóng là vậy, trên này chỉ thấy sương mù chập trùng bao phủ, đêm đến vẫn phải đắp chăn và đốt lửa sưởi ấm. Mùa đông vô cùng khắc nghiệt, phải năm bất thường còn có băng tuyết phủ kín, hầu như chả có mấy ai dám bước chân ra khỏi nhà vì giá lạnh.

Vụ nổ máy bay kinh hoàng

 Ông Tao mới lựa lời khuyên nhủ: "Dù họ là ai thì lúc chết rồi cũng không thể làm hại người khác. Đồng bào mình thấy con thú chết còn đem chôn nữa là con người

Vàng Dìn Di, nhân chứng cuối cùng của vụ tai nạn máy bay, trực tiếp chôn cất những chiến binh xấu số nay đã ở tuổi 78 nhưng vẫn còn khỏe mạnh.

Ông nhớ lại, vào buổi chiều của một ngày tháng 4 năm 1947, khi ông đang cùng cha mẹ trồng ngô trên núi thì bất chợt nghe thấy tiếng động cơ gầm rú trên bầu trời. Một chiếc máy bay từ hướng nam là là bay đến, khói bốc ra mù mịt phía đuôi. Ì ạch bay được một lúc, máy bay lao xuống khe suối Túng Quán Lìn, phát ra tiếng nổ kinh thiên, động địa.

Chuyện máy bay lạ rơi xuống Túng Quán Lìn thoạt đầu hết sức bình thường đối với người Mông ở đây. Bởi theo thông tin của cán bộ tuyên truyền, ai cũng biết đất nước đang bị người Pháp xâm lược. Nhưng mặt mũi người Pháp thế nào thì chưa ai có cơ hội thấy, chỉ nghe cán bộ bảo người Tây khác với người Mông, người Kinh vì họ tóc vàng, mắt xanh và đặc biệt là họ mang súng đến bắt đồng bào làm nô lệ.

Khe núi Túng Quán Lìn, nơi chiếc máy bay đâm xuống.
Khe núi Túng Quán Lìn, nơi chiếc máy bay đâm xuống..

Không nén nổi tò mò trẻ con, ông Di (khi đó mới 15 tuổi) cùng một vài thanh niên trong thôn cắt đường lên chỗ máy bay lạ đâm xuống. Lên đây, ông chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng: Chiếc máy bay bị nát vụn, vẫn âm ỉ bốc khói, cạnh đó là 24 thi thể nằm la liệt trên những tảng đá, trong đó có 23 người tóc xoăn, mũi lõ, duy nhất có một người nhỏ hơn, tóc đen mà theo suy đoán là người châu Á. Sợ hãi, ông Di cùng đám thanh niên trở về báo với trưởng thôn Thào Seo Tao.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Tối ấy, các gia đình người Mông quây quần lại bên bếp lửa nhà ông Tao để trao đổi xem có nên chôn cất những ông Tây xấu số kia không. Có người bảo người Tây xâm lược nước mình, biến mình thành nô lệ thì không thể thương được và cứ để thú dữ tha chúng đi.

Khi con gà rừng te te gáy báo sáng, ông Tao mới lựa lời khuyên nhủ: "Dù họ là ai thì lúc chết rồi cũng không thể làm hại người khác. Đồng bào mình thấy con thú chết còn đem chôn nữa là con người".

Những tấm hợp kim đuy - ra chuyên dùng để chế tạo máy bay được tận dụng làm đồ sao, sấy chè
Những tấm hợp kim đuy - ra chuyên dùng để chế tạo máy bay được tận dụng làm đồ sao, sấy chè.

Nhiều thanh niên to khỏe, trong đó có ông Vàng Dìn Di, đã xung phong cùng ông Tao lên núi. Phải nói nghĩa cử của người dân Túng Quán Lìn đối với những người xấu số này rất cảm động và giàu tình người. Ông Di cho biết, nhiều nhà trong thôn đã không tiếc của, cậy ván nhà của mình để đóng quan tài chôn cất họ. Trong đó, người đóng góp công sức nhiều nhất là ông Chúng Lao Thần.

Việc chọn đất mai táng cũng rất chu đáo. Bởi người Mông quan niệm: "Đã giúp phải giúp đến cùng". Họ dành một bãi đất bằng phẳng duy nhất làm nơi canh tác trên đỉnh núi để an táng cho những người tử nạn.

Ông Di bảo, từ nơi máy bay tai nạn đến bãi đất bằng để chôn cất khoảng một cây số leo núi. Hai thanh niên khỏe như ông phải mất 2 ngày mới chôn được một người. Một ngày xuống khe suối khiêng xác lên, một ngày đào hố và đóng quan tài để chôn. Nhiều thi thể bị xé nát, có người còn bị cháy, nắng nóng làm tử thi phân hủy, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

Không trang phục bảo hộ, không khẩu trang, chỉ chân tay trần đào huyệt chôn những người xấu số nhưng không ai có ý định bỏ cuộc. Tất cả chỉ vì tình cảm của người sống đối với người chết, không một vách ngăn về quốc tịch, không chút hằn thù. Chôn cất xong, theo tục lệ, các nhà trong thôn lại góp rượu, gà, hương hoa và giấy xanh đỏ để gọi hồn về nhập mộ cho họ.

Đến nay khu bãi đất bằng duy nhất này đã được người dân gọi là khu "mả Tây". Để có không gian yên tĩnh cho người xấu số yên nghỉ, người dân cũng không canh tác thêm loại cây trồng nào bên cạnh khu mộ này, tuy đất đai ở đây chật hẹp và quý giá vô cùng.

Ống thép của máy bay được chế tạo thành điếu cày để hút thuốc
Ống thép của máy bay được chế tạo thành điếu cày để hút thuốc.

Hơn mười thanh niên tình nguyện thực hiện nghĩa cử ngày đó giờ chỉ còn lại mỗi ông Di. Thỉnh thoảng lúc đi chăn trâu gần khu "mả Tây", ông Di lại tranh thủ phát quang cây cối cho khu mộ. Vào lễ thanh minh, ông Di lại rủ một số bạn già dành ít nhang đèn, xôi, thịt đem lên đó thắp hương.

Mong đưa họ về cố quốc

Chúng tôi tình cờ biết câu chuyện trên khi thấy một số gia đình ở Túng Sán dùng đuy-ra (hợp kim chuyên dùng để chế tạo các bộ phận của máy bay) để sao chè tiếp khách. Theo lời kể, những miếng thép được lấy ra từ xác chiếc máy bay quân sự rơi ở Trúng Phùng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Chiến tranh đã lùi xa, tình người, tình yêu thương đồng loại của người dân nơi đây vẫn thắp lên ngọn lửa ấm áp trên đỉnh Tây Côn Lĩnh bốn mùa mây phủ. Là nhân chứng duy nhất còn sống đến hôm nay, ông Vàng Dìn Di vẫn chưa yên lòng, rằng sau ngần ấy năm vẫn không thấy thân nhân của người xấu số đến tìm họ. Cũng có thể Trúng Phùng hay Túng Quán Lìn ở nơi heo hút quá mà rất ít người biết câu chuyện này.

Ông Sin Quang Lai, Chủ tịch xã Túng Sán cũng xác nhận khu "mả Tây" là có thật. Từ nhỏ ông đã được người già trong xã, trong đó có ông Di, kể về khu mộ. Với những vật chứng còn lại, ông Sin và nhiều người dân khẳng định lính Tây tử nạn là người Pháp.

Tin chắc thân nhân của người tử nạn vẫn đang tìm kiếm tin tức về họ dù đã qua hơn nửa thế kỷ, ông Di nhờ chúng tôi về Hà Nội chuyển câu chuyện trên đến cơ quan có trách nhiệm để có thể quy tập hài cốt của họ về cố quốc.

Vừa qua theo khảo sát của Ban chỉ huy quân sự, Sở GTVT tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh này đã có văn bản số 1571/UBND - NC gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao thông tin về vụ tai nạn máy bay tại điểm cao 2.419 Tây Côn Lĩnh thuộc thôn Trúng Phùng, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì. Văn bản nêu: Đây là vụ tai nạn phi cơ xảy ra đã lâu, có liên quan đến người nước ngoài, với 24 người tử nạn. UBND tỉnh Hà Giang thông báo để Bộ Ngoại giao biết, qua đó chỉ đạo xử lý vấn đề liên quan đến người nước ngoài bị tử nạn trong vụ việc trên. 

MỚI - NÓNG