Chẵn nửa thế kỷ ngọn lửa Morrison

TP - Tình cờ lật tập lịch treo, mắt chạm vào hàng chữ của ngày 2/11/2015 nhắc sự kiện chẵn 50 năm sự kiện Norman Morrison tự thiêu phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Norman Morrison… Nhớ cái năm 2007 theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Lầu Năm Góc. Nhóm báo chí tháp tùng được đến địa điểm thăm trước hơn 30 phút. Ký ức bồi hồi dẫn những sải bước chầm chậm đến hai nơi. Cách Ngũ Giác Đài hơn trăm thước là khu bạt ni-lông quây kín ghi dấu ấn chiếc Boeing to đùng  ngày 11/9/2001 đâm chệch Lầu Năm Góc. Còn gần hơn, ngay trước Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ cách Ngũ Giác Đài chỉ 30m (không biết ở vị trí cụ thể nào vì có tượng đồng bia đá gì đâu) là nơi chiều muộn 2/11/1965 diễn ra sự kiện người thanh niên Mỹ Norman Morisson 32 tuổi tự thiêu phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thời khắc đó, như hồi ký của Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đang họp với các quan chức Lầu Năm Góc. Đang giữa cuộc họp, phụ tá của ông thông báo về sự náo loạn bên ngoài. Khi McNamara bước tới cửa sổ, ông thấy các nhân viên y tế và một thi thể được cuộn trong vải trắng. “Đó là cái gì?”, ông hỏi người phụ tá...

Ký ức không khó khăn khi bồi hồi chắp nối. Trong cuốn “Người sống và người chết”, Paul Henrickson tả khá kỹ sự kiện bi thảm ấy. Đại loại có những dòng sau mà một tờ báo Việt Nam đã thuật lại.

Chẵn nửa thế kỷ ngọn lửa Morrison ảnh 1

Norman Morrison (1933 - 1965)

Ánh sáng của trái tim

…Càng ngày, Morrison càng trở nên bị ám ảnh bởi việc quân đội Mỹ giết hại những người dân thường vô tội Việt Nam. Anh không thể chấp nhận con số thương vong về người mà cuộc chiến phi nghĩa ấy đang gây ra, cả đối với người Việt Nam và binh sĩ Mỹ. Anh tin rằng nếu cuộc chiến này tiếp tục, đến một lúc nào đó, nó sẽ giáng một đòn nặng nề lên lương tâm của người Mỹ.

Nửa cuối năm 1965, hầu như ngày nào, hai vợ chồng Morrison cũng nói chuyện về Việt Nam. Anne chia sẻ những suy nghĩ của chồng về cuộc chiến. Cả hai đều xúc động và bàng hoàng trước sự hy sinh của các nhà sư Việt Nam và một tín đồ lớn tuổi phái Quaker ở Detroit là Alice Herz. Họ cũng giống anh, đều phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Ngoài vợ, Morrison còn thảo luận với một người bạn thân về các phong trào phản đối chiến tranh. Anh tin vào lương tri và “ánh sáng của trái tim”.

Vào ngày 2/11/1965 định mệnh, vì bị cảm lạnh, anh trở về nhà từ chỗ làm để chuẩn bị cho lớp giảng Kinh thánh. Morrison và vợ nói chuyện rất nhiều vào hôm đó. Khoảng trưa, Anne đặt con út của hai người, bé Emily mới gần 1 năm tuổi vào nôi để bé ngủ. Trong khi cô chuẩn bị món súp hành kiểu Pháp và pho mát cho bữa trưa, hai người lại nói chuyện về cuộc chiến Việt Nam. Lúc này, hai con đầu là Ben 6 tuổi và Christina 5 tuổi đều đang ở trường.

“Chúng ta đã làm mọi điều có thể. Bây giờ, ta có thể làm gì hơn nữa?”, Morrison nói với vợ, vẫn giọng bình thản vốn có. “Em không biết”, Anne trả lời, “Em chỉ nghĩ rằng, chúng ta không được nản chí”. Đến giữa buổi chiều, Anne lái xe tới trường đón Ben và Christina. Cô cứ nghĩ Morrison sẽ dành thời gian còn lại của buổi chiều ở nhà. “Nếu như tôi biết điều gì sẽ xảy ra, tôi có lẽ sẽ ngăn chặn anh ấy bằng mọi giá”, Anne nhớ lại.

Nhưng Morrison đã viết cho cô một bức thư ngắn gọn, bế Emily khỏi nôi và lái xe 1 tiếng đồng hồ tới Washington D.C. Tới nơi, anh gửi lá thư cho Anne tại bưu điện và tới Lầu Năm Góc vào lúc chạng vạng tối. Lúc này, nhân viên Lầu Năm Góc bắt đầu tan sở. Nhiều người thấy Morrison tiến gần về phía toà nhà, một tay cầm một chiếc bình cỡ 4 lít, còn tay kia ôm đứa con nhỏ xíu. Khi chỉ còn cách văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara khoảng 30m, anh trút dầu lên người và châm lửa.

Trên thực tế, hầu như không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra sau đó cùng những chi tiết liên quan tới bé Emily. Lời khai của các nhân chứng tại hiện trường có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Người thì nói Morrison ôm chặt Emily cho tới khi mọi người chạy tới giằng bé ra khỏi tay anh. Người khác thì nói trước khi lửa bùng lên, Morrison đã đặt bé vào một chỗ an toàn.

Thiếu tá Richard Lundquist tìm thấy bé Emily trên đất. Ông bế Emily lên và đưa tới khu vườn gần Lầu Năm Góc. Tại đây, ông không nhớ đã trao bé cho một người phụ nữ có mang theo chăn hay cho cảnh vệ Lầu Năm Góc. Một nhân chứng khác là Trung tá Charles Johnson kể lại, ông đã phải giằng Emily ra khỏi tay Morrison. Nhưng khi nghĩ kỹ lại, ông thừa nhận có thể đã nhớ lầm. Dù mọi việc sau đó diễn ra như thế nào, một điều hoàn toàn chắc chắn rằng bé Emily đã sống sót.

Chẵn nửa thế kỷ ngọn lửa Morrison ảnh 2

Bà Anne Morrison (thứ 2 từ trái sang, bên cạnh là nhà sử học Dương Trung Quốc) cùng gia đình thăm và làm việc với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ngày 10/4/1999.

Thư gửi Anne

Trở lại câu chuyện trước đó. Ngày 2/11/1965, khi Anne trở về nhà vào buổi chiều, cô thấy nhà cửa trống không. Cô cứ nghĩ Morrison đã đưa Emily tới thăm các thành viên lớn tuổi của hội các bạn hữu Quaker. Cô bắt đầu nấu bữa chiều thì điện thoại reo. “Cô có biết điều gì đã xảy ra tại Washington không?”, giọng nói của một phóng viên tờ Newsweek vang lên ở đầu dây bên kia. Anne dường như bắt đầu cảm thấy có gì đó khủng khiếp đang xảy ra. Khi cô trả lời: “Không”, người phóng viên nói sự việc liên quan tới chồng cô và dè dặt thông báo về cuộc biểu tình. Rồi anh ta gợi ý Anne nên gọi điện cho trạm y tế quân đội tại Pháo đài Myer.

Anne làm theo gợi ý, và được một sĩ quan tiếp. Ông ta nói Morrison đã bị bỏng nặng. “Emily vẫn ổn phải không”, Anne lo lắng hỏi. “Vâng”, viên sĩ quan trả lời. Anne không thể có can đảm để hỏi tiếp liệu Morrison còn sống hay không. Sau khi nhờ một vài người bạn trông giúp Ben và Christina, cô lái xe cùng 2 người khác tới Washington để đón Emily. Cô viết một cáo phó để bạn bè đăng trên báo, với nội dung: “Norman Morrison đã hy sinh ngày hôm nay để bày tỏ sự phẫn nộ của anh trước những tổn thất về người mà chiến tranh Việt Nam đang gây ra. Anh phản đối sự can thiệp quân sự quá mức của chính phủ...”. Ngày hôm sau, 3/11/1965, tờ Washington Post đưa tin về sự kiện này với tiêu đề: “Người đàn ông tự thiêu tại Lầu Năm Góc, đứa con trên tay được cứu thoát”. Tờ New York Time thì giật tít: “Con của tín đồ phái Quaker vẫn an toàn”.

Chẵn nửa thế kỷ ngọn lửa Morrison ảnh 3

Bưu chính Việt Nam ngày 22/11/1965 phát hành tem về sự kiện Norman Morrison.

Một ngày sau khi Morrison chết, Anne nhận được lá thư anh gửi qua đường bưu điện. Trên phong bì chính là chữ viết của anh và địa chỉ nơi gửi từ Washington D.C. Anne run rẩy mở lá thư, trong lòng hy vọng cơn ác mộng ngày hôm trước chỉ là hư ảo và sự thật, Morrison vẫn còn sống. Trong phong bì là lá thư viết lời chào tạm biệt của Morrison: “Anne yêu quý, đừng chỉ trích anh. Đã nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, anh chỉ cầu nguyện được thấy điều anh phải làm. Sáng nay, thật tình cờ anh đã thấy nó, rõ ràng như điều anh biết vào đêm thứ Sáu, tháng 8/1955 rằng em sẽ trở thành vợ anh... Hãy hiểu rằng, anh yêu các con, nhưng phải hành động vì những đứa trẻ trong ngôi làng của vị linh mục”.

Kèm theo bức thư là một bài viết của nhà báo Pháp Jean Larteguy được Morrison đánh dấu bằng mực đỏ. Rõ ràng đây chính là bài báo Morrison đã đọc vào buổi sáng ngày 2/11/1965. Bài viết có tựa đề: “Một linh mục kể về việc quân đội Mỹ đã đánh bom nhà thờ và sát hại đồng bào ông” đầu tiên được đăng tải trên tờ Paris Match ngày 2/10/1965.

Trong bài, linh mục có tên là Cha Currien, người bị thương mà tác giả Larteguy gặp tại bệnh viện Thánh Paul, Sài Gòn, kể: “Tôi đã chứng kiến các tín đồ sùng đạo bị đốt cháy bởi bom napalm. Tôi đã thấy thi thể của phụ nữ và trẻ em nằm rải rác. Tôi cũng thấy những ngôi làng bị giày xéo...”.

Trong cuốn “Người sống và người chết”, Paul Henrickson cho rằng, những năm tháng đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh leo thang tại Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm khi Morrison đọc bài báo đó. Có thể chính hình ảnh những trẻ em bị thiệt mạng tại Việt Nam đã khiến Morrison đi tới quyết định mang Emily theo cùng. Về sau này, Emily viết: “Không biết điều gì đã xảy ra với tôi, tôi tin rằng, cha mang tôi theo là để cho mọi nguời thấy hình tượng về thảm họa và sự mất mát của chiến tranh...”.

Chẵn nửa thế kỷ ngọn lửa Morrison ảnh 4 Bà Anne đang bế bé Emily.

Làn sóng phản chiến dâng cao             

Về sau, khi nhớ lại sự kiện Morrison, McNamara viết: “Cái chết của Morrison là một thảm họa không chỉ cho gia đình anh mà cho cả tôi và nước Mỹ. Đó là lời phản đối rõ ràng nhất trước hành động huỷ diệt cuộc sống của người dân Việt Nam và rất nhiều binh sĩ trẻ Mỹ”.

Cái chết bi tráng của Morrison có sức lan tỏa, chấn động. Làn sóng phản đối chiến tranh cuồn cuộn khắp mọi nơi. Một tuần sau cái chết của Morrison, Roger Allen LaPorte, một người Mỹ Công giáo 22 tuổi, tiếp bước, tự thiêu ngay trước trụ sở Liên Hiệp Quốc để phản đối chiến tranh tại Việt Nam... 

Lịch sử chẳng ngẫu nhiên mà cũng rất tình cờ. Chả ai muốn có cuộc chiến khốc liệt ấy. Nhưng nó cứ diễn ra và cũng tình cờ phát lộ những tử tế, nhân bản bất ngờ ở cả hai phía của cuộc chiến. Rồi may mắn lịch sử cũng đã sang trang. Ký ức dường như tạm ngưng nghỉ những hận thù để mở ra những trang thân thiện hòa bình. Để hôm nay, người lính Nguyễn Tấn Dũng ở Mặt trận Quân khu 9 năm 1965 ấy nay là Thủ tướng Việt Nam, là khách mời của Lầu Năm Góc cùng với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates có sứ mệnh bàn thảo hợp tác vì an ninh, kinh tế vì lợi ích của con dân Việt-Mỹ. Tôi cứ ngó hồi lâu cờ ta bay ở Ngũ Giác Đài.

Chủ tịch nước đọc thơ bên bờ Potomac

Một anh bạn trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm nước Mỹ năm 2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có kể lại rằng, lịch trình chuyến thăm ở Washington D.C đột ngột thay đổi. Đó là thời điểm buổi sáng trước buổi làm việc với Tổng thống George W. Bush, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chợt yêu cầu bố trí một chuyến đi để ông đến bên bờ sông Potomac. Nhiều thành viên trong đoàn tháp tùng bất ngờ trước ý kiến này. Nhưng rồi chỉ khi đến nơi, mọi người mới rõ, ông đến thăm nơi mà năm xưa Norman Morrison tự thiêu… Tại đây, ông đã xúc động đọc một đoạn bài thơ “Emily, con ơi” của nhà thơ Tố Hữu…

“Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe

Ôi con tôi, mái tóc vàng hoe

Đừng có hỏi cha nhiều con nhé!

Cha bế con đi, tối con về với mẹ...”

Chợt những nhớ xa nhớ gần… Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ bức ảnh chân dung của Norman Morrison và bức ảnh Anne Welsh đang bế cô con gái Emily bé bỏng. Nhà sử học Dương Trung Quốc như một dạng ma xó của các hiện vật, sự kiện lần ấy vanh vách kể cho tôi hiểu thêm lộ trình những hiện vật quý vào Bảo tàng. Ông cho biết, khi Norman Morrison mất, Anne Morrison luôn nhận được những lá thư sẻ chia, an ủi từ Việt Nam gửi sang qua tay những người Mỹ đến miền Bắc trở về. Trong đó có 2 tấm thiếp còn lưu bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1965, gia đình Morrison bỗng nhận được một lá thư từ London gửi tới. Bức thư đề ngày 12/01/1966 và của Felix Greene. Greene khi đó được nhiều người biết đến vì là phóng viên phương Tây đầu tiên được phép vào miền bắc Việt Nam. Trong thư, Greene viết: “Trước khi rời Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh có yêu cầu tôi gửi cho chị một món quà Giáng sinh nho nhỏ như để biểu thị tấm lòng kính trọng của Người đối với sự hy sinh của chồng chị…”. Thư cho biết, do phải lưu lại London nên nhà báo đã gửi ngay món quà cho kịp ngày lễ. Greene viết thêm: “Tôi sẽ gửi riêng cuốn album để chị dán ảnh. Cuốn album bìa sơn mài mà chắc chị cũng đồng ý với tôi là nó trông thật giản dị và rất đẹp…”.

Lần thứ hai, Bác lại gửi một lá thiếp ghi ngày 26/7/1968 với dòng chữ viết tay. Nét chữ lúc này tuy đã không còn được như xưa nhưng lời lẽ thì thật thân tình và ấm áp: “Chúc cô Anne với những lời chúc tốt đẹp nhất. Gửi tới các cháu nhiều cái hôn. Hồ Chí Minh”.

Chẵn nửa thế kỷ ngọn lửa Morrison ảnh 5 Báo Mỹ The Sun Baltimore ngày 3/11/1965 đưa tin sự kiện Norman Morrison tự thiêu.

“Trong tro và máu”

Ba mươi tư năm sau, năm cuối cùng của thế kỷ XX, nhịp cầu Hữu nghị Việt-Mỹ đã chắp nối cho chuyến thăm Việt Nam vào mùa hè năm 1999 của gia đình bà Anne Welsh cùng các con của mình, trong đó có Emily (trong đoàn có cả anh con rể). Tôi không rõ nhà sử học Dương Trung Quốc hay ông Vũ Xuân Hồng (Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã kể cho nghe cuộc gặp của gia đình bà vợ Morisson với nhà thơ Tố Hữu. Mà cuộc gặp đó ấn tượng nhất là các thành viên đã tạo ra một không khí thơ. Emily đọc thơ... Chồng cô trình bày bài thơ mới sáng tác và người đọc cuối là nhà thơ Tố Hữu... Nhà thơ cười mà mắt như nhắm lại cùng câu nói vui: Việt Nam bây giờ thừa gạo và chuối để đãi các bạn.

Sau này chắp nối ký ức của những người trong cuộc gặp và đọc cuốn hồi ký (bản dịch dạng đánh máy vi tính của một người bạn) “Giữ trong nguồn sáng” của bà Anne Welsh Morrison (xuất bản năm 2008 tại Mỹ) viết về ông Morrison và chuyến thăm để đời đến Việt Nam, tôi biết thêm hoàn cảnh Emily viết bài thơ “Gửi ông Tố Hữu” và đọc tặng nhà thơ. Bài thơ có đoạn:

“Ở Việt Nam

Trong tro và máu

Ngay sau những ngày cha tôi mất

Ông đã viết một bài thơ

Đối với nhiều người

Ông đã tạo ra bằng lời

Một biểu tượng của hy vọng và tương lai”.

Trong tro và máu. Tố Hữu từng có máu và hoa... Và nữa, thật bất ngờ, như có điều chi xui khiến như  bà quả phụ Anne viết rằng, nhà thơ Tố Hữu đã dứt tờ giấy từ cuốn sổ tay chép 4 câu thơ: Xin tạm biệt đời yêu quý nhất/ Còn mấy vần thơ một nắm tro/ Thơ gửi bạn đời tro gửi đất/ Sống là cho mà thác cũng là cho. Rồi nhà thơ tặng cho Emily. Tạm biệt hay vĩnh biệt? Cứ như gơ gở thế nào? Lần gặp ấy của nhà thơ Tố Hữu với gia đình bà Morrison lần đầu và cũng là lần cuối. Sau này nhiều người nói bài thơ tặng Emily ấy là bài cuối… Là sáng tác cuối cùng của đời thơ Tố Hữu?

Hồi ký cũng nhắc thêm, Clark (chồng Emily) buổi gặp ấy có đọc đoạn thơ mới viết từ những cảm xúc về chuyến thăm: Tiếng chim hót gọi bình minh/ Hà Nội thức với ngập tràn nhịp đập/ Tôi bừng tỉnh trái tim còn thổn thức/ Nghe xôn xao ngày mới đang về/ Ký ức sẽ nhạt phai/ Và tình yêu còn mãi…

Và tình yêu còn mãi. Phải, anh con rể của Norman Morrison, một hậu duệ mới của thế hệ từng được coi là bi thảm Mỹ-Việt, đã khẳng định điều tất yếu ấy.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.