Chuyện cảm động từ bức ảnh Tổng Bí thư Trường Chinh chụp với các em học sinh

Chuyện cảm động từ bức ảnh Tổng Bí thư Trường Chinh chụp với các em học sinh
TP - Tháng 9/1954, tòa soạn báo Tiền phong chuyển từ An toàn khu Sơn Dương về đóng tại thị trấn Đại Từ (Thái Nguyên) để chuẩn bị khi tiếp quản Thủ đô, sẽ in và phát hành tại Hà Nội.
Chuyện cảm động từ bức ảnh Tổng Bí thư Trường Chinh chụp với các em học sinh ảnh 1
Tháng 9/1954, đồng chí Trường Chinh tới thăm và gặp gỡ thanh niên học sinh Trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên). Ảnh: Mai Nam

Tôi được giao nhiệm vụ làm phóng viên, vì biết chụp ảnh nên kiêm phóng viên nhiếp ảnh.

Tôi chưa có một ai chỉ bảo cho về nghiệp vụ của một phóng viên nhiếp ảnh. Lúc đó cơ quan chỉ có 2 chiếc máy ảnh. Phim ảnh không có nên chỉ chuẩn bị sẵn máy để khi về Hà Nội sẽ mua phim để chụp.

Bất ngờ vào một ngày tháng 9/1954, tôi được đồng chí Nguyễn Thanh Dương lúc đó là phụ trách báo Tiền phong giao nhiệm vụ về thị xã Thái Nguyên để đi cùng một đồng chí lãnh đạo T.Ư Đảng tới thăm và gặp gỡ thanh niên tại một cơ sở Đoàn.

Tôi có nhiệm vụ chụp ảnh và thu thập thông tin để khi về Hà Nội sẽ đăng trên báo Đoàn.  Tôi về chợ Thái Nguyên, tìm nhưng chỉ mua được một cuốn phim Kodak 6x9.

Đúng ngày hẹn, tôi đeo ba lô trong đó có chiếc máy ảnh (loại dùng cho trẻ em) bằng nhựa và cuốn phim đã được lắp sẵn, đạp xe về thị xã Thái Nguyên.

Theo địa chỉ tôi tới một căn nhà ở giữa thị xã. Tôi xuất trình giấy giới thiệu của T.Ư Đoàn và được một cán bộ đưa vào trong nhà. Đó là một căn phòng nhỏ có thắp đèn sáng và tôi thật sửng sốt! Người ngồi trên ghế tươi cười bắt tay tôi là đồng chí Trường Chinh. Người mà ở chiến khu lúc đó được suy tôn là Anh Cả Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng Lao động Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh ân cần hỏi tôi đi đường có vất vả không? Và nói với mấy cán bộ giúp việc: Chuẩn bị cho tôi cơm nước và chỗ ngủ để sáng mai cùng tới cơ sở Đoàn là trường Phổ thông Lương Ngọc Quyến.

Tôi còn nhớ lúc đó đồng chí Trường Chinh đang bị đau chân, ở cổ chân bên phải có quấn băng trắng, đi lại khó khăn nhưng vẫn ân cần rót nước cho tôi uống rồi hỏi tôi rất thân mật: “Chú thấy ngày mai tôi nên nói gì với thanh niên?”.

Tôi sững sờ vì không ngờ đồng chí Tổng Bí thư lại hỏi tôi như vậy. Tôi bình tĩnh lại và hiểu ra: Đây là tác phong rất sâu sát quần chúng của vị lãnh tụ của Đảng. Đồng chí Trường Chinh muốn tham khảo ý kiến của tất cả mọi người để có thể hiểu được nguyện vọng của quần chúng thanh niên mà có những chủ trương đúng đắn hợp với sự mong đợi của lớp trẻ ngày ấy.

Tôi thưa với đồng chí Trường Chinh: Thanh niên đang rất phấn khởi khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình đã được lập lại trên đất nước. Một nửa nước đã được độc lập tự do. Thanh niên muốn Đảng chỉ rõ con đường tiến lên xây dựng lại quê hương sau chiến tranh và đấu tranh để thống nhất hoàn toàn đất nước…

Đồng chí Trường Chinh mỉm cười bảo: “Chú nói thế là đúng, thanh niên hôm nay phải có cái nhìn mới về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với đất nước trong giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam”.

Sáng hôm sau chúng tôi lên một chiếc xe ô tô Com-măng-ca đi về phía Phúc Trìu, thị xã Thái Nguyên.

Tới cổng trường Lương Ngọc Quyến thì hàng nghìn thanh niên và học sinh đã chờ sẵn. Đồng chí Trường Chinh xuống xe vẫy chào trong tiếng hoan hô vang dội, những nét mặt tươi trẻ hân hoan chào mừng đồng chí Tổng Bí thư của Đảng.

Ban tổ chức đã kê bàn ghế để đồng chí Trường Chinh nói chuyện với thanh niên, học sinh nhưng đồng chí Trường Chinh lại xuống sân trường ngồi chung với học sinh và thanh niên ngay ở dưới đất (trong ảnh). Những bài hát ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Đoàn kết là sức mạnh, Giải phóng Điện Biên vang lên hùng tráng và náo nhiệt.

Đồng chí Trường Chinh tươi cười cùng thanh niên vỗ tay theo nhịp bài hát. Tôi đưa máy ảnh thận trọng chụp từng kiểu một. Đây là lần đầu tiên tôi làm nhiệm vụ của một phóng viên nhiếp ảnh, lại là một sự kiện hết sức quan trọng đối với Đoàn bằng một công cụ quá thô sơ của kỹ thuật nhiếp ảnh. Chụp xong tôi cất phim và chờ ngày về tiếp quản Thủ đô sẽ tráng phim, không biết có được ảnh nào không, trong lòng rất hồi hộp chờ kết quả.

Đồng chí Trường Chinh cùng vui với thanh niên và nói chuyện thân mật ngay tại sân trường. Đồng chí cổ vũ và truyền cho thanh niên và học sinh ngày ấy niềm tự hào của lớp trẻ đã anh dũng hy sinh, dũng cảm chiến đấu cho kháng chiến thắng lợi vẻ vang.

Đồng chí động viên thanh niên nỗ lực học tập, rèn luyện để có năng lực và bản lĩnh phấn đấu cho tương lai, cho một giai đoạn mới của cách mạng, đấu tranh để hòa bình thống nhất độc lập cho Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh vừa dứt lời, tiếng vỗ tay hoan hô vang dội hưởng ứng những lời nói rất thân mật dễ hiểu và rất vui của đồng chí Tổng Bí thư. Sau buổi nói chuyện nhiều bạn trẻ để lại ấn tượng sâu sắc về một lãnh tụ của Đảng rất gần gũi ân cần.

Cuốn phim tôi chụp hôm ấy mãi đến ngày 6/10/1954 trên đường về tiếp quản Thủ đô qua thị xã Sơn Tây mới được tráng rửa tại một hiệu ảnh. Máy ảnh kém chất lượng, người chụp lần đầu tiên chụp ảnh báo chí nhưng rất may trong cuốn phim có bức ảnh đã ghi lại được hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ngồi ở sân trường chan hòa không khí vui tươi sôi động của lớp thanh thiếu niên ngày ấy. Bức ảnh này đã đăng trên báo Tiền phong số đầu tiên xuất bản tại Hà Nội tháng 10/1954. Cũng là bức ảnh đầu tiên của tôi được đăng báo.

Hôm nay tôi xin đăng lại bức ảnh này trên báo Tiền phong sau 53 năm. Bây giờ đã là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Tổng Bí thư Trường Chinh. Kỷ niệm về ngày được gần và chụp ảnh Anh Cả Trường Chinh và bức ảnh đầu tay vào nghề làm báo của tôi là một kỷ niệm sâu sắc.

Hình ảnh một lãnh tụ của Đảng có kiến thức uyên bác, tác phong thận trọng nhưng rất gần gũi, ân cần và đặc biệt rất quan tâm tới báo chí, luôn tạo điều kiện cho phóng viên làm việc một cách chân thực và chính xác là điều tôi không bao giờ quên được.

5/2/2007
Mai Nam

MỚI - NÓNG