Chuyện người tử tù có một không hai (kỳ 3)

Chuyện người tử tù có một không hai (kỳ 3)
TP - Viết về cuộc đời tử tù Lê Quang Vịnh mà không nói về hai người phụ nữ đã trọn đời thắc thỏm lo lắng về anh, câu chuyện sẽ giảm đi  ba phần sự thật.
Chuyện người tử tù có một không hai (kỳ 3) ảnh 1
Chị Lê Thị Mai - Cành mai vàng của họ Lê Quang (ảnh chụp năm 1973 tại Hà Nội)

>> Kỳ 2

>> Kỳ 1

Người mẹ chiến sỹ

Mà chỉ riêng cuộc đời của hai người phụ nữ đó thôi cũng là  đề tài cho những cuốn sách hấp dẫn. Đó là mẹ và chị đầu của Lê Quang Vịnh.

Mẹ tên là Lâm Thị Ngật. Sinh năm 1909 (Kỷ Dậu). Trong chữ Nho, Ngật có nghĩa là núi cao chót vót. Ông ngoại anh Vịnh ở làng Minh Hương, Huế.

Ông là một văn thân Cần Vương đánh Pháp, thạo chữ Nho. Nên đã đặt tên con gái là Ngật để gửi gắm tâm sự của mình. Mẹ Lâm Thị Ngật dường như sinh ra để chịu đựng những tai ương lớn của cuộc đời.

40 tuổi, chồng bị Pháp giết. Đang là một người chỉ lo nội trợ trong gia đình, cả nhà sống dựa vào đồng lương của chồng, mẹ phải lăn lộn cùng con gái lớn làm lụng kiếm tiền để nuôi đứa con trai ăn học.

Năm 1951 chồng mất, thì năm 1952, rồi 1955, Lê Quang Vịnh, con trai đầu, niềm  hy vọng thiêng liêng của mẹ hai lần bị bắt vô tù. Bà lại phải thắc thỏm, lo lắng, chạy vạy tiền nong nuôi con trong tù.

Có lẽ  trong cuộc đời của mẹ, chỉ có ba lần được hạnh phúc, được cười vui để ngẩng mặt lên với  bà con làng xóm. Đó là lần Lê Quang Vịnh đỗ Tú tài toàn phần và đỗ đầu kỳ thi Giải thưởng Trung học ở Huế.

Rồi Vịnh vào Sài Gòn thi đậu Đại học Sư phạm, rồi ra trường được làm giáo sư một trường danh tiếng, có đồng lương để nuôi em ăn học. Lần thứ hai là khi Lê Quang Vịnh  thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, về ôm mẹ khóc! Lần thứ ba là năm 1978,  mẹ có đứa cháu nội có tên là Tự Do ra đời.

Còn đẵng đẵng cuộc đời mẹ là những năm tháng buồn đau vò xé trái tim. Năm 1962, Lê Quang Vịnh lĩnh án tử hình. Nhờ luật sư Du, người được  chỉ định bào chữa cho Lê Quang Vịnh báo tin, mẹ lặn lội từ Huế vào Sài Gòn xa xôi để thăm con lần cuối cùng, “trước khi con lên máy chém”.

Hai mẹ con không được gặp nhau, con ngồi bên vành móng ngựa, mẹ đứng sau cùng, phía cửa ra vào. Hai mẹ con chỉ đứng nhìn nhau, nói với nhau qua ánh mắt.

Lê Quang Vịnh thì nhìn mẹ mỉm cười để mẹ yên tâm thấy con trai mình không sợ sệt, mà rất thanh thản. Còn mẹ thì nhìn anh đăm đăm, nước mắt lưng tròng.

Sau đêm xử án đó mẹ lại lủi thủi về Huế thắp nhang khấn Phật cầu mong cho con thoát khỏi cái chết cận kề gang tấc. Trong lúc con trai cả  đang bị giam trong chuồng cọp Côn Đảo không biết bao giờ được tha, thì một nỗi đau nữa lại ấp xuống đời mẹ:

Chị Lê Thị Mai, con gái đầu bị địch bắt. Đó là tháng 5/1965. Chị Mai hoạt động cách mạng từ những năm 1960. Chị vừa may ở cơ quan với mẹ vừa là cơ sở cho tổ chức.

Chị bị địch bắt làm mẹ đau thắt ruột gan. Ngày ngày mẹ đưa quà, đưa cơm đến nhà lao cho chị, nhìn chị rồi khóc. Mẹ lo chị bị địch giết hại, đã ba lăm tuổi rồi mà chẳng chồng con gì. Suốt đêm mẹ khóc…

Thế là mẹ cô đơn một mình ở Huế. Ba đứa con thì hai đứa ở tù, thằng con trai út thì đang đi học ở tận Sài Gòn…

Thời Ngô Đình Diệm, nhà tù Côn Đảo cho phép tù nhân viết thư về thăm gia đình. Nhưng lại bắt đầu lá thư phải ghi câu khẩu hiệu: ”Ủng hộ Ngô Tổng  thống!”

Vì thế, Lê Quang Vịnh nằm trong chuồng cọp Côn Đảo không viết thư về thăm nhà, mặc dù chế độ tù nhân được quyền gửi thư thăm người thân ở quê, nhưng thư đi thư đến đều phải qua kiểm duyệt, soi mói rất khắt khe.

Mẹ cứ nghĩ là Vịnh đã bị địch giết hại. Đến khi Ngô Đình Diệm bị đổ (1963), các quy định  ghi trên thư được bãi bỏ, Vịnh mới viết  thư về thăm mẹ, bức thư dồn nén tâm sự mẹ con mấy năm dài.

Nhận được thư mẹ lại khóc vì nhận ra chữ của  đứa con thân yêu, biết là nó vẫn sống. Thư phải qua kiểm duyệt, lại  phải đi tàu thủy từ Côn Đảo vào Sài Gòn mới chuyển ra Huế, nên ba tháng sau anh mới nhận được thư mẹ.

Đọc thư Vịnh rưng rưng nước mắt, nhận ra ngay nét chữ của mẹ. Vì  chữ mẹ viết rất to, lại không phân biệt dấu hỏi dấu ngã. Thư mẹ kể sự tình sau khi xem phiên toà xử tử hình Vịnh trở về.

Mẹ là một người sùng đạo, nên sau khi Vịnh bị  kết án tử hình và đày ra Côn Đảo, bà về Huế ăn chay trường trai, mặc áo già - lam và quy y với “ôông” Linh Mụ.

Mẹ gửi kèm cho Vịnh một tấm hình Quan Âm, đằng sau có ghi câu chú: ”Nam mô viên thông giáo chủ đại từ đại bi linh cảm quan thế âm bồ tát”. Rồi mẹ dặn: ”Gặp lúc nguy biến hiểm nghèo, con hãy thành tâm cầu nguyện, ắt sẽ được ngài linh cảm giúp đỡ“.

Viết thư cho con trai ở Côn Đảo đã thành niềm an ủi của mẹ, vì nó làm vơi đi phần nào nỗi nhớ và lo lắng của mẹ đối với  Vịnh. Một thời gian sau, mẹ lại gửi thư cho Vịnh. Lần này  mẹ gửi kèm  tập Kinh nhật tụng, dặn con đêm đêm phải chuyên cần niệm kinh Phật cho tai qua nạn khỏi!

Năm 1971 là một năm khó quên trong cuộc đời tử tù của Lê Quang Vịnh. Bỗng nhiên anh được đưa về Hầm đá Lao III, được ra tắm nắng mỗi ngày 30 phút, được ăn rau tươi mỗi tuần hai lần.

Được tháo còng vào ban ngày, chỉ bị còng về ban đêm, lại được viết thư về thăm gia đình. Một hôm, Vịnh nhận thư của mẹ gửi cho anh từ Sài Gòn, chứ không phải ở Huế như những lần trước.

Anh vừa đọc thư vừa khóc. Thư mẹ báo tin buồn: ”...Con ơi! Bác Trợ, chị Giang đã chết rồi. Nhà mình chừ tan nát cả, không còn lấy một viên gạch nguyên. Mạ không ở Huế  nữa, mạ vào Sài Gòn ở với em con”.

Anh Vịnh kể tiếp: “Rồi một hôm, một giám thị đến tận Hầm Đá  mở cửa chuồng, dắt tôi ra nhà “Công quán”. Tại đó tôi thấy có nhiều  người phụ nữ đang đứng lố nhố.

Người giám thị có thái độ lịch sự, một điều hiếm có ở lao tù Côn Đảo. Hắn báo tin cho tôi biết là Trung tâm Cải huấn đã sắp xếp cho mẹ tôi được ra Côn Đảo thăm con. Cùng lúc ấy tôi thấy mẹ chạy lại và ôm chầm lấy tôi”.

Đó là giây phút  lịch sử nghẹn ngào. Mẹ Ngật có ngờ đâu được ra tận hòn đảo địa ngục trần gian này thăm con trai yêu dấu! Và, bao năm nằm trong Chuồng Cọp, anh Vịnh cũng không thể mường tượng được có một ngày mình lại được gặp mẹ  tại Côn Đảo.

Nguyên nhân của hành vi ”nhân đạo” hiếm có này ở địa ngục Côn Đảo là do kết quả của cuộc “đồng khởi” của toàn thể tù nhân trên đảo vào mùa thu năm 1970.

Tất cả tù nhân đồng loạt không đi làm khổ sai, khiến cho mọi hoạt động trên đảo bị tê liệt, vì khổ sai là  lực lượng lao động chính. Anh em tù đang tìm mọi cách  để gây một tiếng vang lớn, khiến cho dư luận trong nước và trên thế giới phải chú ý nhiều hơn nữa đến chế độ  lao tù man rợ, hắc ám ở Côn Đảo. 

Sự kiện nhà báo Mỹ Don Luce đã ra Côn Đảo, đóng vai cố vấn Mỹ đã đột nhập vào Chuồng Cọp, Hầm Đá, chụp ảnh, sau đó viết  bài đăng trên báo Mỹ như đã kể ở phần trên làm cho chế độ nhà tù của Mỹ ở Côn Đảo bị  dư luận quốc tế  lên án gay gắt.

Hàng trăm tờ báo các nước lên tiếng ; Người dân Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam lên tiếng, Tổ chức ”Ký giả không biên giới” lên tiếng, Phong trào không liên kết lên tiếng…

Thế là buộc Mỹ - Ngụy phải tìm cách mị dân và đánh lừa dư luận. Chúng giả vờ đập phá Chuồng Cọp Pháp, đưa thỏ vào chuồng cọp để quay phim, chụp ảnh rêu rao đây là “chuồng nuôi thỏ” (sau đó lại xây lại Chuồng Cọp mới, gọi là Chuồng Cọp Mỹ).

Còn tù nhân thì được tắm nắng, ăn rau, tháo còng vào ban ngày… để cho  “tù nhân hồng hào da thịt” như chúng từng tuyên truyền. Để gây dư luận tốt về nhà tù Côn Đảo, chúng còn lần theo địa chỉ thân nhân người tù ở đất liền, cho người đến tận nhà gợi ý làm giấy xin đi thăm thân nhân ngoài đảo.

Và mùa hè năm 1971, chúng đã chở bằng tàu thủy hàng trăm thân nhân tù ra Côn Đảo, gặp người thân để quay phim tuyên truyền. Nhờ thế mà mẹ Lâm Thị Ngật được ra Côn Đảo  thăm con…

Hai mẹ con được ngồi tự do tha hồ nói chuyện với nhau dưới một gốc dương liễu cạnh Công Quán. Công Quán nằm trước Dinh Chúa Đảo, chỉ cách Cầu Tàu, nơi tàu thủy cập bến một ngang đường.

Đây là nơi Chúa Đảo tiếp khách, tiếp quan chức Mỹ. Ở đây có một dấu ấn rất hiếm hoi về văn hóa, nhân bản mà người Pháp đã để lại trên hòn đảo ngục tù này.

Đó là việc nhà soạn nhạc kỳ tài Pháp Camille Saint - Saens đã đến Côn Đảo và ở trong nhà Công Quán này  một tháng (từ 20/3/1885 - 19/4/1885) để hoàn thành vở nhạc kịch “Brunehilda” viết về nỗi bất hạnh của con người, mà người bạn, người thầy của ông đã viết dở dang.

Bây giờ, cạnh  ngôi nhà Công Quán ấy, mẹ mua  bánh và hoa quả do vợ con các cai tù bán cho Vịnh ăn như ngày thơ trẻ. Mẹ đã chuẩn bị cho Vịnh hai bộ quần áo đen theo kiểu tù để thay đổi.

Người giám thị cho biết cuộc thăm sẽ kéo dài đến 2 giờ chiều. Rất nhiều nguời quay phim, quay camera, chụp hình đến quay phim cho chính quyền và gạ chụp ảnh lấy tiền.

Họ là những phóng viên của Ngụy Sài Gòn phái ra để làm tuyên truyền. Mẹ con anh Lê Quang Vịnh thuê chụp một tấm hình, sau này trở thành tấm hình quý kỷ niệm của mẹ với Vịnh ở Côn Đảo.

Trong cuộc chuyện trò hôm đó, mẹ đã kể hết cho Lê Quang Vịnh nghe về tình cảnh gia  đình, về chị Mai và em  trai ở Sài Gòn.

Giọng mẹ từ tốn, bình tĩnh, nhưng lại ẩn chứa những  niềm tự hào, nhất là về hai đứa con Lê Quang Vịnh và chị Lê Thị Mai đi hoạt động cách mạng, bị tù đày những vẫn kiên trung, vẫn nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ quê hương.

Điều quan trọng nhất về mẹ mà hôm mẹ con gặp nhau ở Côn Đảo mà mẹ không  kể cho Lê Quang Vịnh nghe là việc mẹ đã từng là “chiến sĩ” tham gia cách mạng trong chiến dịch Tết Mậu Thân suốt một tháng ròng.

Mãi, sau này Vịnh mới  biết câu chuyện được kể lại chi tiết  trong bài hồi ức “Trở lại mùa xuân” của nhà văn quân đội Hồ Phương (ghi lời kể của  chị Lê Thị Mai)  in trong tập Huế Xuân 68 do Thành Ủy Huế xuất bản năm 2002. 

Trong  hồi ức đó, chị Lê Thị Mai, năm Mậu Thân là Đội trưởng Đội Công tác Thành đội Huế, kể rằng, khi chị bí mật cùng đơn vị về Huế đã cùng các chiến sĩ về thăm mẹ. Mẹ con ôm nhau khóc rưng rức...

Tay mẹ rờ rờ bờ vai, nắm tay chân, sờ mái tóc, mãi sau mẹ mới nức nở thốt lên: ”Mai, có thiệt con không? Có thiệt con không? Mạ nghe nói chúng nó giết con rồi”.

Chị Mai khóc to hơn  :”Không, con đây mạ ơi, Con đây! Không! Chúng nó khồng thể giết  nổi con và các đồng chí”.  Rồi mẹ cười trong giàn giụa nước mắt. Đêm ấy, mạ được ngủ với chị Mai sau hai năm cách xa. Đến  khuya, mẹ mới  hỏi chị :

- Chư! Thế đã xong chưa con?

Chị Mai bảo: “Liên tục mạ ạ!”. Im một lát, mẹ lại hỏi ngập ngừng :

- Mai! Mạ muốn con điều ni…

Chị Mai hồi hộp: ”- Mạ cứ nói đi!”.

- Mạ muốn…tham gia! Mạ già mất rồi, mạ chẳng làm được chi nữa. Cho mạ đi nấu cơm cho các con, có được không?

Nghe mẹ nói, chị Mai  lại khóc  lên vì tự hào sung sướng. Và đây là  đoạn ghi  của nhà văn Hồ Phương về mẹ qua lời  kể của chị  Mai:

”...ngày hôm sau, trong những toán anh chị em nấu cơm, nấu nước tấp nập  để tiếp tế cho đội công tác, cho các phân đội bộ đội ta  ở khu vực, có một bà già...… Ôi! Mẹ tôi! Thế là mạ đã tìm được chỗ  đứng của mình và đã tìm được một vũ khí thích hợp cho mẹ trong lúc này.

Từ bữa đó cho mãi về sau, cuộc chiến đấu trong thành phố Huế  mỗi ngày một thêm gay go ác liệt. Không một lúc mẹ rời tôi, rời đội…

Trong làn khói bom mù mịt,  người ta vẫn thấy bóng dáng một bà già , len lỏi trong khắp các khu nhà đổ nát, những con đường lớn nhỏ, cùng với anh em thanh niên tay mang băng đỏ, đi mang cơm mang nước tới từng chiến hào, nay ở Cửa Đông Ba, mai ở Cột Cờ, mốt ở Đại Nội. Ai ai trong phố cũ gặp mẹ cũng nói mẹ dường như trẻ và khỏe hẳn ra”.

Đó là hình ảnh đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của mẹ. Mẹ nấu cơm cho bộ đội cả tháng trời khi quân ta làm chủ thành phố Huế. Đến khi quân giải phóng và chị Mai rút khỏi Huế, thì mẹ vô Sài Gòn ở với đứa con út…

Giải phóng miền Nam 1975, hòa bình, mẹ mừng khôn xiết vì lại được sum họp với các con cháu thêm gần 20 năm nữa. Năm 1994 mẹ mới mất, thọ 85 tuổi.

Cuộc đời khổ đau, phong trần của mẹ trải hơn 45 năm, tưởng đã  an hưởng tuổi già, ai ngờ năm 1983, mẹ đã phải từ Sài Gòn lặn lội ra Đà Nẵng để đưa đám con gái yêu Lê Thị Mai.

Bên linh cữu của con, mẹ khóc đến đứt  hơi. Có lúc mẹ kêu thét lên hốt hoảng: ”Mai con ơi! Chị Mai con của Mạ ơi…!”. Ôi, tấm lòng bao la vô bờ bến của một người Mẹ thương con, đau khổ vì con…

Người mẹ chiến sĩ nuôi quân trong Tổng tiến Công Mậu Thân  ấy vẫn được các chiến sĩ cách mạng Huế nhớ mãi, kể mãi…

Cành mai vàng của họ Lê Quang

Trong câu chuyện với tôi, mỗi lần nhắc đến chị Mai, giọng anh Lê Quang Vịnh lại trầm ngâm buồn nhớ. Chị Mai là người chị mà Lê Quang Vịnh yêu thương nhất vì chị hết lòng với mẹ, với em, hết lòng với cách mạng, nhưng đời riêng chị thì quá nhiều nước mắt, buồn đau.

Chị Mai là con đầu trong nhà ba chị em. Anh Vịnh bảo chị sinh năm 1931, tức tuổi Tân Mùi, tên thật là Lê Thị Ngọc Mai, nhưng sau đó khai lại là  Lê Thị Mai, sinh năm 1935 (Ất Hợi) “để trẻ hơn một chút”.

Mà chị trẻ thật. Nhìn bức ảnh của chị chụp năm 1973 ở Hà Nội , lúc đã 42 tuổi mà cứ như cô gái mới chớm 30. Gọi chị là “Cành Mai Vàng” vì như đã kể, khi anh Vịnh nằm Chuồng Cọp Côn Đảo, có lần nhận được bức thư của  bà  Huệ Phương, vợ thầy Tôn Thất Dương Kỵ nhắn tin rằng: ”chi mai của con đã bị bứng đi qua trồng ở lồng Thừa Phủ”. Chi mai, chữ Hán là cành mai, cũng là chị Mai của Vịnh.

Từ khi bố Lê Quang Dực mất, chị Mai là lao động chính trong gia đình. Hàng ngày chị cùng mẹ may quần áo tối ngày cho khách để kiếm tiền nuôi hai em trai ăn học.

Khi Lê Quanh Vịnh bị bắt tù hai lần ở Huế, chị là người lo nấu nướng, bới cơm cho em hàng ngày. Lần thứ nhất Vịnh bị bắt tù ở Lao Thừa Phủ, khi được ra tù, chị Mai đi đón. Chị băn khoăn :

- Em trở lại học lớp đệ ngũ cho chắc. Chị đọc trong học bạ của em thấy năm ngoái em học còn yếu quá!

Lê Quang Vịnh kể với chị rằng, ở trong tù có người dạy em. Bây giờ em đã học đủ trình độ để đi thi thành chung. Không tin chị hỏi xem.

- Ai vậy? Chị Mai mừng rỡ 

- Anh Phi!

Thế là chị Mai tất tưởi vào nhà lao Thừa Phủ thăm anh Lê Đình Phi. Chi cám ơn  anh đã dạy em mình học và hỏi ý kiến anh về việc Vịnh xin đi thi vào thành chung. Sau đó chị còn vào nhà lao thăm anh Phi nhiều lần nữa.

Anh Vịnh kể:

- Tôi cũng không ngờ việc này đã đưa chị vào một cuộc lương duyên kỳ ngộ. Khi chị trở về tôi thấy chị nét mặt rạng rỡ, vui mừng phấn khởi hẳn lên.

Chị đồng ý cho tôi đi thi thành chung. Chị thức khuya may áo, đọc sách để khuyến khích tôi học. Đêm khuya, chị lo nấu cháo hoặc mua bánh nệm, bánh bèo  bồi dưỡng cho tôi.

Qua năm sau thì anh Phi được trả tự do. Anh nhiều lần ghé thăm nhà tôi. Anh ngồi nói chuyện rất lâu với chị Mai. Cho đến một hôm, đưa tiễn anh Phi ra về, tôi thấy chị khóc. Không phải những giọt nước đau khổ, mà là những giọt nước mắt  hạnh phúc rạng ngời.

Rồi anh Phi thoát ra vùng tự do. Có lẽ trước khi đi anh có nói với chị những lời thân tình sao đó  khiến chị xúc động khóc. Rồi đến ngày đình chiến, anh Phi đi tập kết, chị lại khóc vì không được đi theo anh, vì chị còn gánh nặng gia đình…

Ở trong Chuồng Cọp Côn Đảo, khoảng năm 1963, Lê Quang Vịnh nhận được thư của chị Mai. Đọc thư, Vịnh thấy rất phấn khởi. Anh mường tượng chị Mai đang cười với mình.

Mở đầu thư chị viết: ”Em ơi! Cây mai em trồng cho chị nay đã nở hoa vàng rực rỡ“. Vịnh hiểu ra  rằng, chị Mai báo tin chị đã tham gia cách mạng và đã có nhiều chiến công.

Vịnh nhớ lại, năm 1960, là giáo sư, anh được Bộ Giáo dục điều đi chấm thi tú tài toàn phần ở Huế. Chuyến ấy, anh về thăm nhà và đã tâm sự nhiều với chị Mai.

Anh báo tin với chị cách mạng đang phát triển mạnh và anh đã ở trong phong trào kháng chiến. Thế mà bây giờ chị báo tin thế, chắc chị đã là người cách mạng rồi. Nhất là từ khi gặp anh Lê Đình Phi, chị càng tin yêu những người cách mạng.

Năm 1965, ở trong Chuồng Cọp Côn Đảo, Vịnh nhận được thư của bà Tôn Thất Dương Kỵ  viết  bóng gió: "chị Mai bị bắt vô lao Thừa Phủ, mấy tháng sau, chị bị “đem ra nhốt vô cũi Ba Lòng”, giữa năm  nay, chị Mai của con đã tháo cũi sổ lồng”.

Năm 1971, ở lao tù Côn Đảo, Lê Quang Vịnh lại nhận được thư của bà  Huệ Phương, mẹ Quỳnh Như:

”Cô báo cho con biết mà  mừng: Tết năm khởi, chị con có về thăm nhà, hàng xóm láng giềng tấp nập kéo đến chung vui cả tháng trời. Về sau vì phao phí quá nên phải ra đi. Nay thì chị con đã có chồng và đã vô  Đại học...”.

Vịnh đọc đi đọc lại, suốt đêm ngẫm nghĩ, rồi đưa cho bạn tù đọc, cuối cùng mọi người đã “giải mã” được bức thư  như sau: “Tết Mậu Thân chị con có về, quần chúng Huế nổi dậy giành lại thành phố cả tháng trời. Vì phi pháo (Phao phí - tức địch tấn công) ác liệt quá, nên phải rút ra rừng, rồi ra miền Bắc. Ở miền Bắc, chị đã  lấy chồng và vào đại học…”.

Thực tình thì cuộc đời chị Mai éo le và đau khổ hơn nhiều. Sau một thời gian hoạt động bí mật ở Huế, tháng 5/1965, chị Mai bị bọn địch nghi ngờ tổ chức “trí vận tại thành phố Huế”,  bắt vô nhốt ở lao Thừa phủ.

Chúng dùng mọi cực hình tra tấn để bắt chị khai ra mạng lưới hoạt động của mình. Chúng tra khảo tàn ác đến nỗi, sau này lấy chồng chị Mai tuyệt dường sinh đẻ. 

Giam giữ  6 tháng, không moi được ở chị một tin tức gì, chúng đưa tất cả 12 người trong vụ án “trí vận” ấy ra “an trí“ ở Ba Lòng (Quảng Trị).

Nói là “an trí” nhưng thực ra đó là một hình thức đày ải để tăng áp lực hòng khai thác tổ chức cách mạng. Trong hồi ức “Trở lại mùa xuân” (Thành ủy Huế xuất bản, 2002), chị Mai kể (nhà văn quân đội, thiếu tướng Hồ Phương ghi).

“Bữa đó, nhằm một buổi sớm mùa đông mù xám, năm 1965, gió như xẻo da cắt thịt, tôi cùng mười một người nữa (vừa là đồng chí vừa cơ sở) bị còng tay lại với nhau , hai người một, ngồi trên một chiếc xe tải nhà binh Mỹ bịt kín.

Chúng đưa chúng tôi từ nhà lao Huế ra một đồn điền ở đường Chín. Vì xe bịt kín, không thấy gì, nhưng khi xe xóc mạnh, trong lòng xe chợt tối hơn, và dường như ngửi thấy cả mùi rêu, mùi đá ẩm.

Tôi hiểu ngay: Xe đã đi qua Cửa Chánh Tây. Và thế là chúng tôi đã ra khỏi Thành Nội. Bỗng nhiên hai mắt tôi cay xè, mặc dù suốt 6 tháng bị giam, tôi chưa một lần nào chịu khóc hoặc khai báo.…

Vì tôi bỗng nghĩ đến mẹ tôi. Tôi bị bắt, bị chúng đưa đi xa rồi, thế là chỉ còn có mình mẹ ở lại chơ vơ giữa cái thành phố  này.…Khi tôi bị giam ở lao Huế, hàng ngày mẹ còn nhìn thấy  tôi, tôi còn nhìn thấy mẹ. Bây giờ thì”.

Tháng 6/1966, cả 12 người trong vụ án “trí vận” tổ chức vượt ngục một cách táo bạo: Họ cắt rào kẽm gai, trốn ra rừng!  Khi phá rào dây kẽm gai của trại giam, một người bị bắn chết, đó là y sĩ Nguyễn Duy Đàm.

Toàn nhóm chạy vào rừng, bị lạc đường ba ngày không có gì ăn uống. Ai cũng đói lả. Một người nữa bị mắc bệnh chết. Khi 10 tù nhân trốn trại đang sức cùng lực kiệt thì may mắn gặp gặp một đơn vị Quân Giải phóng.

Thế là họ được đưa về căn cứ của Cơ quan Thành ủy Huế. Anh Vịnh cho biết, đến bây giờ, các anh như nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu  lịch sử Ngô Kha, các anh Phan Nam, Nguyễn Duy Thu Khiết, Nguyễn Hữu Vấn, Trần Bá Chữ… cán bộ chiến khu xưa, nay về hưu ở Huế vẫn kể rất chi tiết về chị Lê Thị Mai những ngày ở chiến khu và trong Tổng tấn công Mậu Thân ở Huế.

Chị Mai được bố trí học tập  2 năm ở “cứ”. Sắp chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968, cơ quan Thành ủy tổ chức kết nạp Đảng long trọng cho chị Mai, rồi giao chị làm Đội trưởng Đội công tác chính trị Thành nội Huế.

Đội công tác của chị xuất quân từ đêm mồng Một Tết Mậu Thân, đến cửa Chánh Tây  thì trời hửng sáng. Đội phân công nhau treo một lá cờ Mặt trân Dân tộc giải phóng to tướng lên nhà Bưu điện Thành Nội để ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng Thành Nội Huế.

Việc đó xảy ra cách ngôi nhà nhà chị Mai có mấy trăm mét  trên đường Nguyễn Thành (nay là đường Xuân 68).

Đọc tập bút ký “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (NXB Giải Phóng, 1971) viết về một tháng làm chủ Huế của bộ đội giải phóng Tết Mậu Thân, có một đoạn viết về chị Lê Thị Mai, một nữ chiến sĩ trung kiên của Huế, rất cảm động:

“- Phải, Ủy ban cách mạng Thành nội thành lập, có cả con Mai tham gia nữa. Con ở trên núi có biết con Mai không?  Việt (bộ đội miền Bắc- NM) nhớ lại  chị phụ nữ anh gặp hôm vượt sông A. để vào thành phố.

Hình như chị vừa sốt dậy , da xanh mét. Chị không biết bơi, phải níu vào một bọc ni-lon thật  lớn, vừa đạp nước vừa đẩy cái bọc đi. Vất vả mãi mà cái bọc cứ chòng chành muốn cuốn căng theo dòng nước. V

iệt lội ngang qua, diu hộ chị. Hỏi: ”Chị mang gì mà nặng thế? Chị áp mặt vào bao ni long, cười thực hiền: ”Cờ khởi nghĩa đó, tôi sợ ướt”.

Việt đáp lời mẹ Nam :

- Dạ ,có phải chị Mai trước làm thợ may ở Huế?

- Đúng con Mai đó . Hồi trước con Theo nhà ni cứ xuống may áo dài dưới hắn luôn. Con đó giỏi lắm. Hắn làm cách mạng ba bốn năm trời mà ngoài cứ lặng như tờ, mãi tới hôm hắn bị bắt, bà con trong xóm mới biết.

Nghe nói thằng địch đánh, địch tra tấn hắn đủ cách, đóng đinh vô cả mười đầu  ngón tay hắn, rồi đẩy hắn lên mô trên núi đỏ núi xanh. Tưởng hắn chết đi mô rồi, không ngờ năm ni hắn lại về khởi nghĩa.

Mẹ Năm ngừng lại, với tay lên đầu giường lấy chiếc hộp sắt tây nhỏ, vừa têm trầu vừa nói tiếp:

- Bà con ở đây khen con Mai lắm.  Hắn con gái  yếu đuối rứa mà ra đảm đang việc dân việc nước vững vàng không thua chi đàn ông. Bữa trước con Châu gặp hắn từ trong Nội đi ra, cõng một bao gạo trăm lon trên lưng. Bom đạn nước nớ mà chị em hắn cứ đi ngờ ngờ cả ngày ngoài đường”.

Chỉ qua đoạn bút ký mặt trận ấy, ta cũng hình dung được phẩm chất chiến sĩ của chị Mai, “nhánh mai vàng họ Lê Quang” của Huế.   

Sau Mậu Thân, chị Mai được ra miền Bắc chữa bệnh và học tập. Như trong thư bà Huệ Phương vợ thầy Kỵ gửi ra Côn Đảo, hay mẹ ra thăm Vịnh năm 1971 đã kể.

Nhưng chi tiết về chị Phương thì mãi sau giải phóng mới biết. Một tháng  sau khi rút ra rừng, cổ chị Mai bỗng nổi  lên một cục hạch lớn. Thành  uỷ Huế quyết định đưa chị ra Bắc chữa bệnh.

Chữa ở miền Bắc cũng không khỏi, phải đi sang Trung Quốc điều trị gần năm trời, mới  lành hẳn. Về nước, chị được bố trí học bổ túc văn hóa, chương trình cấp tốc, sau đó vào học Đại học tại Trường đào tạo cán bộ nữ Trung ương.

Điều chị mong mỏi nhất là gặp lại anh Lê Đình Phi, nhưng không biết anh Phi đang ở đâu mà tìm. Thời gian đó, tổ chức giới thiệu cho chị một thương binh làm cán bộ thương binh xã hội người Quảng Nam.

Đám cưới được tổ chức. Nhưng  do bị địch tra tấn dã man, chị đã vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ, nên anh ấy rất buồn. Anh chị  phải nuôi một đứa con nuôi, đặt tên là Nguyễn Lê Quốc Thắng (Nguyễn là họ anh, Lê là họ chị).

Sau năm 1975, chị  trở về Huế làm Bí thư Đảng ủy Phương Thuận Lộc. Thành ủy Huế rất tin cậy chị, có ý định đưa chị lên làm lãnh đạo thành phố. Nhưng chồng chị Mai về sống ở Đà Nẵng và buộc chị phải về Đà Nẵng với anh cho bằng được.

Thế là chị Mai phải bỏ hết  cơ đồ sự nghiệp chính trị ở Huế để theo chồng. Vì không có con nên gia đình không được êm ấm. Thế là chị buồn, sinh bệnh và mất khi mới 52 tuổi.

Phần mộ hiện ở Đà Nẵng. Còn anh Lê Đình Phi mấy năm đầu giải phóng Huế là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế. Anh ra Bắc một thời gian thì đi học nước ngoài, rồi về lấy vợ, có 3 người con đều đã thành đạt.

Sau đó anh mất do bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh Vịnh không vào dự đám tang được, phải nhờ con gái Hạnh Phúc mang vòng hoa đến viếng. Vòng hoa mang dòng chữ: ”Vĩnh biệt người thầy, người anh, người đồng chí yêu quý của tôi”.

Điều lạ lùng là, thời gian đã trôi qua nhiều năm, từ một chàng trai tử tù, bây giờ Lê Quang Vịnh đã tuổi “xưa nay hiếm”, thế mà mỗi lần anh Vịnh nhớ đến chị Lê Thị Mai của mình, anh lại nhắc đến thầy Lê Đình Phi, một người thầy, người anh thân yêu của riêng anh, một người bạn thân của gia đình và của cả chị Mai nơi chín suối…

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG