Chuyện người tử tù có một không hai (kỳ 4)

Chuyện người tử tù có một không hai (kỳ 4)
TP - Trong mấy ngày trò chuyện với tôi, những chữ mà anh Lê Quang Vịnh nhắc đến nhiều nhất là “Tự do” và “Hạnh phúc”. Đúng là anh suốt 15 năm là tử tù, nên Tự Do, Hạnh Phúc là khát khao, mơ ước cháy bỏng ruột gan.

Từ địa ngục Côn Đảo  trở về với cuộc sống, nên anh càng quý hơn hai chữ Tự Do, Hạnh Phúc là phải thôi. Anh có nhiều bài hát nói về tự do và hạnh phúc như “Chào Tự Do”, “Hạnh Phúc”.v.v.

Nhưng không chỉ có thế. Tự Do, Hạnh Phúc chính là tên hai đứa con muộn mằn của anh: Lê Quang Tự Do và Lê Quang Hạnh Phúc. Câu chuyện bắt đầu từ cái đêm 30/4/1975 ấy…

Những ngày cuối tháng Tư  năm 1975, tin tức quân giải phòng tấn công Sài Gòn bay đến đảo. Trên bầu trời Côn Đảo náo loạn các chuyến máy bay quân sự, lên xuống sân bay Cỏ Ống chở quân tướng Mỹ, ngụy di tản.

Chiều 2/4, bọn cố vấn Mỹ ở Côn Đảo rút chạy hết ra tàu Mỹ ngoài khơi. Đêm ấy, “Chúa Đảo” Lâm Hữu Phương cũng tự lái xe chở vợ con qua khu Bến Đầm, bí mật xuống canô trốn ra tàu di tản, bỏ lại cả “phương án tử thủ Côn Đảo” và lũ tay chân đang hoang mang, nhốn nháo.

Sáng 30/4, đại úy ngụy Phạm Thành Trung, “phó đảo” triệu tập cuộc họp cùng đám cai ngục ác ôn. Chúng quyết định khóa chặt tất cả các phòng giam, bố trí canh gác nghiêm ngặt trong lao và ngoài lao, triển khai thực hiện âm mưu thủ tiêu tất cả tù chính trị  bằng lựu đạn vào giờ chót.

Nhưng chúng vừa bàn  xong, chưa kịp triển khai kế hoạch độc ác,  thì cơn bão cách mạng đã ập đến …

Nửa đêm 30/4, Đại úy Kiều Văn Dậu ,Tỉnh đoàn phó Bảo an đã quay súng về với cách mạng, Trưởng Ty Thanh niên Nguyễn Văn Đồng và anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên Hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo (theo tài  liệu của Bộ Công an, thì anh Sơn là đặc tình của ta cài vào hàng ngũ công chức nhà lao, mang bí số T31), đã tức tốc vào Trại VII, mở cửa phòng giam 24 khu H báo tin cho anh em tù nhân: “Dương Văn Minh đã đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng…”.

Mọi người không tin, sợ bị địch lừa. Người ta phải  mở radio lần tìm sóng của Đài Tiếng nói  Việt Nam mở cho nghe, mọi người mới ôm nhau khóc vì sung sướng. Ở trong các lao khác, bằng nhiều nguồn tin, anh em tù chính trị phán đoán trong đất liền đang có biến động lớn, nhưng không biết là điều gì đang xảy ra.

Còn ở các Chuồng Cọp, Hầm Đá, các tử tù đều không hay biết gì. Lúc đó Lê Quang Vịnh đang bị còng chân, nằm một mình trong Hầm Đá  Lao II. Anh hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra bên ngoài. Cho đến sáng 1/5/1975, anh vẫn chưa hay biết tí gì về cuộc Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử của Đất Nước.

Anh cũng không hay biết gì về cuộc giải phóng của tù Côn Đảo ở Lao VII (Chuồng Cọp mới) nửa khuya hôm trước.  Anh Vịnh đã mô tả lại giây phút Tự Do thiêng liêng đến với mình trong tập sách “Từ trái tim người tù yêu nước”, rất sống động:

- “Sáng 1-5, khi trời vừa sáng, tôi gắng gượng đứng lên hít thở luồng không khí trong lành theo lỗ thông hơi bay vào. Đôi chân bị còng xiềng lâu ngày làm cho tôi không thể đứng lâu được. Tôi ngồi xệp xuống xoa bóp đôi chân tê dại.

Tôi không biết lúc ấy khoảng mấy giờ. Bỗng bên ngoài vẳng vào Hầm Đá những bước chân dồn dập, tiếng đập phá đùng đùng, tiếng người hét to có vẻ oai vệ. Rồi ngay trước hầm giam tôi vọng vào một giọng nói thân tình: “Vịnh ơi!, Có Vịnh ở trong này không?”.

Lâu này bị cầm cố trong chốn hầm chuồng, toàn nghe những lời không mấy nhã nhặn như mày tao, đồ…ngạo ngược của bọn cai tù, bọn trật tự. Hôm nay, bỗng nghe  tiếng gọi thiết tha như tiếng bạn bè. Tôi vội đáp”: - Phải, Vịnh đang bị còng trong đây!”. Rồi tiếng loảng xoảng vọng vào.

Cửa hầm giam bật mở. Ánh  sáng lóa mắt ùa vô Hầm Đá. Tôi ráng sức dùng  hai tay nâng dôi chân tê bại ra khỏi còng. Tôi ráng vịn bức tường đá lạnh loạng choạng bước ra.

Đôi cánh tay ai đó ôm lấy tôi và dìu tôi đi...…Khi mắt quen dần với ánh sáng, tôi nhận ra anh Phạm Tùng, chiến sĩ tình báo, từng bị nhốt với tôi ở Chuồng Cọp mới. Cánh tay trái anh đeo băng đỏ, tay phải cầm khẩu súng, hồ hởi:

- Giải phóng rồi, giải phóng rồi Vịnh ơi !...   

Bỗng nhiên tai tôi ù, mắt tôi hoa lên, rồi tôi xỉu đi trong vòng tay đồng chí. Khi tỉnh lại tự nhiên nước mắt tôi ứa ra chan hòa hóa rồi tôi khóc lên nức nở vì sung sướng…”.

Ngay sau đó, mọi người  dìu  Lê Quang Vịnh qua nhà Tỉnh trưởng lúc này đã trở thành Văn phóng Ủy ban giải phóng Côn Đảo. Lòng Vịnh rạt rào ngất ngây.

Anh ngồi bệt ngay xuống hành lang Văn phòng Ủy ban xin tờ giấy viết những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc “Chào Tự do” để ghi dấu giây phút thoát khỏi số phận “tử tù” của mình. Bài hát có những câu điệp khúc vang vọng như tiếng reo ca: Ta reo hát lên đi, ta reo hát lên đi, ta reo mừng lên đi/Đời ta đã hết tù ngục chia ly...

…Sau những ngày mừng vui giải phóng, Lê Quang Vịnh được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Côn Đảo, rồi được Đảo ủy giới thiệu về công tác ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ cuối năm 1975, anh làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo thành phố.

Anh Hai Tân (Phan Huy Vân, tức Trần Trọng Tân) ngày đầu giải phóng là Phó Bí thư Đảo ủy Côn Đảo lâm thời. Vô Sài Gòn thăm Lê Quang Vịnh, anh bảo: ”Vịnh chuẩn bị tham gia đoàn tử tù Côn Đảo 100 người đi thăm Trung ương, viếng Lăng Bác Hồ. Mình có  cô em gái là kỹ sư điện  học ở Liên Xô về. Nếu chuyến đi Hà Nội này cậu gặp mà “tán” được,  mình sẽ gả cho cậu !”.

Chị  Trần Thị Kim Khánh kể,  đoàn tử tù Côn Đảo 100 người ra thăm Hà Nội. Giữ lời hứa “sẽ gả em gái” cho Lê Quang Vịnh, nên anh Trần Trọng Tân đã có lời mời Vịnh về thăm bố mẹ mình.

Để chắc ăn, anh Hai Tân  đã tranh  thủ thoát khỏi đoàn về thăm nhà ở Khu tập thể Kim Liên, Hà Nội,  báo tin cho gia đình và em gái biết trước để chuẩn bị đón tiếp. Chị Khánh ở với ông bà trong gian phòng chung cư 23 mét vuông. Chị công tác ở Viện quy hoạch năng lượng.

Anh Tân thông báo với gia đình và em gái là có anh Lê Quang Vịnh, tử tù nổi tiếng  sẽ về thăm gia đình. Sau bữa liên hoan, anh Vịnh giới thiệu: “Đây là Lê Quang Vịnh, anh hùng hảo hớn ngoài Côn Đảo trở về”.

Cả nhà cùng cười. Mấy  ngày sau,  chị Khánh dẫn anh Vịnh vào thăm con anh Hai Tân bị ốm đang nằm trong bệnh viện.  Bước đầu gặp gỡ, Lê Quang Vịnh đã thấy rất mến Trần Thị Kim Khánh, người con gái Quảng Trị nền nã, gốc gác cách mạng, lại rất dịu dàng.

Khi đoàn tử tù 100 người vào lại Sài Gòn, anh Hai Tân bố trí cho Lê Quang Vịnh được ở lại miền Bắc chữa bệnh thêm 15 ngày nữa. Vào bệnh viện đầu tiên là xổ giun. 14 năm ở Côn Đảo, bụng của Lê Quang Vịnh đầy giun. Chị Khánh nhớ lần xổ ấy có tới  175 con giun.

Một con số kỷ lục ở bệnh viện lúc ấy. Mọi người đều giật mình! Anh Vịnh bảo, người tù Côn Đảo nào trong người cũng đầy giun như thế cả, vì họ phải uống kham khổ, bẩn thỉu hàng chục năm ròng… 

Tình yêu Vịnh – Khánh nồng nàn đã thuyết phục được tất cả mọi người. Một điều lo lắng mà bà con nội ngoại, hai vợ chồng không muốn nói ra, nhưng có thể ai cũng băn khoăn day dứt trong lòng.

Đó là chuyện hệ trọng: Liệu 15 năm tù đày, tra khảo, đánh đập, rồi Chuồng Cọp, Hầm Đá, ăn đói, mặc rét, đời tử tù bị coi như thú vật ấy… Lê Quang Vịnh liệu còn có thể duy trì nòi giống  không?

May quá! Năm 1978, chị Khánh sinh con trai. Anh Vịnh sung sướng đăt tên con là Tự Do: Lê Quang Tự Do. Lê Quang Vịnh viết tặng con trai ca khúc “Cái tên Tự Do của bé”. Ca từ có đoạn:

Cái tên Tự Do của bé

Vì ba quá đắng cay lao tù

Có chi khổ đau hơn thể

Những ngày chuồng cọp âm u

Mười lăm năm xiềng xích

Tuổi xuân qua trong chuồng Bò

Mẹ luôn luôn nhắc bé

Khắc sâu căm thù…

Rồi 5 năm sau, cháu gái Lê Quang Hạnh Phúc ra đời. Lê Quang Vịnh lại làm ca khúc ”Hạnh Phúc” tặng con gái:

” Con là Hạnh Phúc/Mới hai tuổi đời/Mỗi ngày con tới nhà trẻ vui chơi/Con đang học nói con đang tập làm…/Con thương mẹ Khánh  vất vả ngược xuôi/Con thương ba Vịnh đi xa công tác hoài/Con thương bà nội đã già con buồn lo/Con thương anh Tự Do tấm thân sao gầy gò/Con mong mau lớn đỡ đần mẹ cha...…

Anh Lê Quang Vịnh ơi, thế là  anh không chỉ hy sinh tuổi trẻ của mình cho Tổ Quốc, nhân dân, mà anh còn sản sinh ra những đứa con  là trí thức Việt Nam trong thời hội nhập.

Đó là Kỹ sư điện toán, sĩ quan quân đội Lê Quang Tự Do và Kiến trúc sư Lê Quang Hạnh Phúc, đang công tác ở hai trung tâm kinh tế chính trị văn hóa lớn của đất nuớc: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Ôi, những ước mơ khát khao một đời người đã thành tên gọi thân thương…

Huế, tháng 12/2006

MỚI - NÓNG