Chuyện nhà ông Phan Diêu

Chuyện nhà ông Phan Diêu
TP - “Phương châm sống của tôi là” - ông Phan Diêu nói - “Ơn Đảng, ơn chính phủ, ơn đồng bào miền Bắc, ơn bên vợ”.
Chuyện nhà ông Phan Diêu ảnh 1
Ông Phan Diêu bên di ảnh của mẹ, bà Nguyễn Thị Châu ( Bốn Liễu)                                   ảnh: Trần Nguyễn Anh

Nhận được cái đơn thư của một người quê Quảng Nam, tôi lại nhớ mảnh đất miền Trung.

Nơi đó sau bao nhiêu năm mà đất vẫn nóng như xưa, cuộc chiến như vừa kết thúc, bao nhiêu mảnh đời trong từng làng, trong từng họ, đang ngày ngày ghép lại với nhau cùng vô số những câu chuyện buồn vui. Đất Quảng có lẽ là một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh,  con người ở đó, tính cách cứng rắn đến mức lạ lùng.

Hai chữ Tổ quốc vang lên trong trái tim họ như một ngôn từ thiêng liêng bất khả xâm phạm. Dòng họ và tổ tiên nữa. Dường như cái sứ mệnh và văn hóa của những con người đi mở đất vẫn còn trong tim họ.

Ông Diêu từ lúc thiếu niên đã xa quê, nhưng ông vẫn là người Quảng với tính “Quảng Nam hay cãi” một trăm phần trăm. Ông có thể cãi suốt ngày về những cái việc ông cho là bất công. Mười năm nay ông gửi đơn kiện đến mức người ta mệt nhoài, cái đầu ông húi cua, giọng ông oang oang, thái độ gay gắt. Ông bảo: “Nom anh thế này mà lúc nào cũng khóc được chú ạ”.

Tôi bảo thôi, không cần phải chứng minh ba cái vụ đó. Ông nói: “Cả gia đình anh chỉ còn lại mình anh, bố anh, mẹ anh, anh anh, hy sinh hết. Bố anh là bí thư chi bộ đầu tiên của xã. Rồi ông đứng lên chỉ vào cái bản đồ đất nước Việt Nam mà ông cho khảm vào bức tường phòng khách mà nói: “Cả nhà anh không ân hận! Họ đang ở trên bàn thờ kia cả !”.

Những năm khốc liệt, du kích đã về “đọc lệnh bắt” cậu bé Phan Diêu. Cả làng cậu bị tàn phá, người trong họ hàng hy sinh rất nhiều, Diêu là người con trai cuối cùng của một gia đình cách mạng lâu đời và của một nhánh trong dòng họ kiên trung. Cậu “bị bắt” và đưa sang Trung Quốc, học hành cho đến năm 1975.

Nhớ những tháng ngày này, ông Diêu nói : “Xã tôi chia làm hai nửa, một nửa theo bên kia, một nửa theo bên giải phóng. Thôn chín của tôi nằm sát rừng, suốt đời chỉ theo kháng chiến. Bom đạn bắt bớ hàng ngày. Lúc tôi còn nhỏ, rất lì, toàn chạy đi xem đánh nhau.

Chúng tôi sống cuộc sống như thế, mỗi lần xem phim Cánh đồng hoang tôi lại khóc. Bởi vì chúng tôi sống như thế. Có lần cái trực thăng quây tôi. Tôi mặc quần đùi nấp sau gốc cây to. Nó bay bên này tôi lại chạy vòng núp bên kia gốc cây. Nó quay mấy vòng, rồi bỏ đi”.

Bố đi lên rừng, Diêu sống với mẹ và anh Cọi người anh cùng cha khác mẹ. Người ta bảo Diêu tốt số. Có lần mẹ đi chợ anh thì đi ra ruộng, về nhà thấy dấu chân hổ đi quanh nhà. Mà Diêu chẳng làm sao.

Một hôm người ta dẫn lính vào bắt anh Cọi, anh Cọi cứ thế chạy băng vào rừng, gia nhập quân giải phóng. Rồi hy sinh. Bố của anh cũng ngã xuống. Mẹ của anh, bà Châu - tên gọi ở nhà là Bốn Liễu, thường vào thị xã buôn bán.

Theo nhiều nhân chứng từng làm cán bộ ở huyện, bà không đi chợ trong vùng địch theo nghĩa thông thường. Một lần bà bị trúng lựu đạn gài và hy sinh (năm 1970).

Sau năm 1975, ông Diêu trở về nước, lấy một người vợ miền Bắc. Bằng nỗ lực kiên trì, ông tiếp tục học và tốt nghiệp đại học khi mái đầu đã muối tiêu. Công việc trong gia đình, những vui buồn, đều trông cậy vào bên vợ. Nên ông viết trong đơn là “Tôi sinh ra có một phương châm: ơn Đảng, ơn chính phủ, ơn đồng bào miền Bắc, ơn bên vợ”.

Ông nói: “Đời tôi mất mát nhiều nhưng tôi tìm lại được hai thứ mà nhiều người không có được. Đó một bức ảnh của ba tôi và một cái chứng minh thư của mẹ tôi”. Bức ảnh về bố ông và chi bộ đảng đầu tiên của xã Tiên Thọ, ông tìm được ở Bảo tàng Cách mạng, thông qua một người bạn của bố. Bức ảnh của mẹ thì là giấy chứng minh do phía bên kia cấp, còn vết cháy.

Ông hiện có một người con trai, theo nghề kiến trúc.

* * *

Câu chuyện của ông bắt đầu từ chuyến về quê.

Đang gặp gỡ họ hàng, bỗng một người đàn bà gầy gò khắc khổ đến ôm chầm lấy ông mà gào khóc, bảo: “Diêu à ! Mẹ đây ! Mẹ đây !”.

Ông giật cả mình. Ông nhìn người đàn bà nói tiếng Quảng ấy. Rồi ông nói: “Không phải, bà không phải là mẹ tôi. Mẹ tôi đã chết. Lúc đó tôi đã mười mấy tuổi, còn nhớ mặt mẹ tôi”.

Phải, ông chưa bao giờ thấy mặt người đàn bà ấy, đó là bà Chức người vợ thứ hai của bố ông, mẹ của liệt sĩ Phan Cọi, anh của ông.

Bố ông có ba đời vợ. Người vợ đầu tiên mất sớm để lại một người con. Bà Chức là người vợ thứ hai. Sau khi bà sinh Phan Cọi vì những mâu thuẫn, họ hàng không chấp nhận bà.

Bà về sống ở nhà ngoại tại thị xã Tam Kỳ, cách xóm chín chừng ba chục cây số và thuộc vùng bên kia kiểm soát, để lại đứa con nhỏ tên là Cọi cho dòng họ Phan.

Bà Châu về làm dâu họ Phan, công việc trước tiên là chăm sóc Phan Cọi. Bà đã nuôi Phan Cọi, sau đó là người em cùng cha khác mẹ của Cọi chính là ông Phan Diêu tại xóm chín, cái nơi không thể đếm được bao nhiêu bom đạn cùng các trận càn. Cuối cùng bà ngã xuống.

Việc khiến ông Diêu và các cơ quan chức năng tiêu tốn rất nhiều văn bản, giấy tờ, trong giấy trợ cấp tiền tuất đã ghi vợ của liệt sĩ Phan Thiện là bà Chức, chứ không phải bà Châu – mẹ ông.

Ông Diêu biết rằng bà Chức tuy không sống lâu dài với bố ông nhưng cũng là một người vợ, ông cũng biết bà không nuôi dưỡng anh Cọi nhưng là người sinh ra anh Cọi.

Việc ghi tên bà vào gia đình là điều bình thường. Nhưng một nghịch lý xảy ra: người nuôi chồng, nuôi anh Cọi, ngã xuống ngay trên mảnh đất Tiên Phước, lại không có tên trong hồ sơ chính sách. Đó là một thứ giấy tờ “cực kỳ long trọng” ở xứ Quảng, hơn cả hộ khẩu.

Ông Diêu nói : “Không thấy có một chữ nào về mẹ anh trong giấy tờ chính sách về gia đình anh, anh choáng váng !”.

Trong phiếu lĩnh trợ cấp tiền tuất gia đình liệt sĩ số 54334 của Ty Thương binh và Xã hội Quảng Nam Đà Nẵng chỉ ghi họ tên người nhận là Hồ Thị Chức “là vợ của liệt sĩ Phan Thiện”, thế thôi.

* * *

Vợ của ông Diêu là người miền Bắc, với bà, việc chồng theo kiện hàng chục năm là chuyện cực chẳng đã, bà bảo : “Mệt quá chú ạ, chồng tôi đã phê phán hết lãnh đạo tỉnh anh ấy rồi. Có nhẽ vì thế huân huy chương cho ông cụ đến giờ chưa có !”. 

Bà phân tích, cái lúc làm hồ sơ chính sách thì ông Diêu đang ở miền Bắc, bà cụ thì đã mất năm 1970. Bấy giờ gia đình chỉ còn mỗi bà Chức, tuy rằng bà đã rời gia đình từ năm 1948 nhưng là người duy nhất còn lại ở đấy thôi.

Ông Diêu cũng biết cả. Nhưng lại bảo, bây giờ tôi đã về, đã báo lại tình hình, sao các vị cứ trả lời lòng vòng, không nhận khuyết điểm? Các vị lại chống chế : bà Chức là “vợ thứ nhất” (thực tế là vợ thứ hai trong ba bà vợ).

Có khi lại bảo bà ấy chỉ “ly thân”, khổ nỗi với người họ Phan xóm chín năm ấy chưa có khái niệm ly thân. Có văn bản lại bảo bà Chức là “vợ trước”. Vợ trước với vợ sau thì nó nằm vào cái khoản nào, ai quan trọng hơn ? (Thực ra theo trình tự, bà Chức gọi là vợ giữa mới phải chứ). Nói chung, các vị càng phân tích anh Diêu càng muốn phát khóc.

Sự thật mẹ anh, bà Châu, người không có tên trong hồ sơ, là người sống trong họ Phan hai mươi năm, nuôi nhiều người nhất, theo kết luận của Mặt trận tổ quốc xã bà “có công nuôi dưỡng liệt sĩ Phan Cọi từ nhỏ đến lúc trưởng thành tham gia cách mạng hi sinh”, tức là nuôi cả con của bà Chức.

***

Cái sẩy nẩy cái ung, trong các đơn thư kiếu kiện về sau ông Diêu còn đưa vào nhiều nội dung tố cáo tham nhũng và sai trái, theo nghiên cứu của chúng tôi, nó phản ánh cái sự bực bội của ông nhiều hơn là phản ánh chứng cứ. Lời lẽ trong đơn thư càng ngày càng gay gắt, thậm chí trên cả mức gay gắt. Vợ của ông lắc đầu thở dài.

Nhưng, có lẽ phải ở trong hoàn cảnh người con trai sống sót cuối cùng của một gia đình, người con mà mẹ mình nằm ngoài sổ sách gia đình, một con người sống trong những sức ép tâm lý ghê gớm, để hiểu về ông, một người đất Quảng.

Thông báo số 329/ TB-UBND tỉnh Quảng Nam ra ngày 30/9/2005 đã có tinh thần khác với nhiều văn bản trước đây, trong đó “UBND tỉnh khẳng định và giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương như sau : (…)  hướng dẫn ông Phan Diêu làm thủ tục đề nghị công nhận bà Nguyễn Thị Châu là thân nhân chủ yếu của hai liệt sĩ (Phan Thiện và Phan Cọi) và làm huân chương cho liệt sĩ Phan Thiện”. 

Trớ trêu thay, vấn đề bây giờ lại nằm ở chỗ ông Phan Diêu ?

Những cuộc kiện tụng kéo dài hàng chục năm trời, trong đó, thật tế nhị, lại liên quan đến chính người mẹ của anh Cọi, người anh thân nhất của ông, người anh vẫn thường cõng ông đi chơi và dắt ông ra cánh đồng.

Bà Chức giờ cũng đã mất.

Ông Diêu viết đơn đòi quyền lợi của mẹ mình, nhưng lại rớt nước mắt khi kể chuyện mẹ anh Cọi gào lên ôm lấy ông mà gọi con như thế nào khi ông lẻ loi trở về từ miền Bắc xa xôi. ( Rời khỏi dòng họ Phan, bà Chức không hề tái giá nữa.

Bà sinh thêm một người con gái, nhưng bà không dám đưa tên  vào hồ sơ như là con của liệt sĩ Phan Thiện, mặc dù, chính ông Diêu cũng thừa nhận đấy là con của bố ông, là chị của ông, bà Chức đã mang thai trước khi trở về ngoại.

Bà đã đề tên một người con của liệt sĩ Phan Thiện hiện còn sống, mặc dù lúc ấy bà vẫn chỉ nghe tên mà không biết mặt, đó là Phan Diêu).

Theo công văn số 60/CV-TU ra ngày 24/7/1997 của Tỉnh ủy Quảng Nam gửi Văn phòng Trung ương Đảng thì “Trong việc đề nghị Nhà nước khen thưởng huân huy chương, địa phương đã có báo với gia đình nhiều lần, mà trực tiếp là ông Phan Diêu, lập báo cáo thành tích theo quy định và hướng dẫn về khen thưởng huân huy chương Nhà nước, nhưng gia đình chưa tích cực phối hợp với địa phương để hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị khen thưởng”. 

Ký sự của Trần Nguyễn Anh

MỚI - NÓNG