Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở

Thu mua cam ở Hàm Yên
Thu mua cam ở Hàm Yên
TP - Ở bản Nậm Nương, chúng tôi gặp Nguyễn Văn Ruẩn quê xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình là khách hàng suốt 14 năm nay của cam Phù Lưu. Cam cất tại vườn theo kiểu bán quạ đổ đồng 9-10 ngàn /kg. Mùa cam xanh (tháng 8) cam đỏ (cận Tết âm), Ruẩn đều đặn về Phù Lưu. Ruẩn thuê người gom ra xe đánh về chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Hà Nội bán với giá nhỉnh hơn. Mỗi vụ khoảng 300 tấn kiếm hơn trăm triệu.

Nỗi lo mơ hồ

Ruẩn kéo khách vào một góc lán tạm, anh lấy ra ba quả cam. Cứ như Ruẩn thì trong 3 loại quả này hai là giống cam Hàm Yên. Quả còn lại là giống khác nhưng ngó cứ hao hao? Hai quả cam Hàm, Ruẩn bổ ra quả vừa hái. Vỏ cam căng mọng, mịn. Ruột cam tươi màu lòng trứng. Vị ngọt như thúc ngay vào vị và khứu giác bởi trộn lẫn hương lẫn vị cam.

Quả thứ hai, sắc vỏ ngó lâu mới thấy bớt đi vẻ mọng mịn, như hơi tóp lại. Ruẩn bổ ra cho khách thấy sắc cam đã bớt mọng và ruột cam màu lòng trứng tươi đã chuyển sang sắc đậm hơn. Bập môi vào thứ cam 1 tháng Hàm Yên thấy vị ngọt như đậm như sắc hơn và vẫn thoảng dậy lên thứ hương đặc thù của giống cam Hàm Yên. Ruẩn nói chả cần phải nếm, ngó qua anh đã biết hai thứ cách nhau 1 tháng này. 

Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 1 Bội thu mùa cam
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 2
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 3

Ruẩn mời cam chúng tôi không phải tỏ ý quý khách mà là anh khoe cái tiêu chí của một người sành buôn cam? Được giá và chạy hàng nhất luôn là thứ mới hái. Còn khi trục trặc do vận chuyển hay lý do nào đấy, tháng hơn tháng kém cái giống cam Hàm Yên vẫn giữ lại thứ chất lượng như chúng tôi vừa được nếm. 

Còn quả thứ 3, Ruẩn nói ngay giống này không phải cam Hàm. Sao biết, vì ngó thấy cứ hao hao? Và thực tế khi Ruẩn bổ ra nếm thử, nó hơi chua và vị không được đậm. Ruẩn nói mua cam phải tinh vì thi thoảng Ruẩn vẫn phải khó chịu khi bắt gặp phải thứ cam không thuần chủng này trà trộn vào. Mặc dù, các hộ trồng cam và khuyến nông luôn ráo riết loại trừ cái giống cam tự phát vô tình hay hữu ý chen lẫn vào làm hại, làm xấu tiếng cam Hàm! Ruẩn nói chỉ cần lạc vào vài quả cam lạ, bản thân không chỉ người buôn, nhà buôn cam mang tiếng mà chỉ vài lần người tiêu dùng khó chịu với cam Hàm làm cái việc tẩy chay thì khốn! 

Bệt trên thớ đá nhô bên nương cam và để mặt chạm vào lúc lỉu những quả mọng la đà, ngó đàn gà nhà đang mặc sức rút tỉa những múi cam chín ở đống quả rơi rụng trong góc vườn, rằng có chút chi đó thơ mộng khi chứng kiến cảnh đàn gà chạy bộ xơi cam thoải mái nhưng bất giác dậy lên một chút tiêng tiếc mơ hồ? Số lượng bao nhiêu cam đã bị thất thoát mỗi mùa thu hoạch? Ban nãy để ý thấy rất nhiều quả vung vãi nát bấy ở chỗ thương lái cân cam. Rồi số rụng quăng quật ở các góc vườn đồi. Bao nhiêu quả chỉ cần một chút xước dập sơ sơ khi vào hộp vào sọt không tinh mắt chỉ non ngày là ủng thối! Đang cần và đang thiếu đi những động thái bài bản được huấn luyện khi cầm kéo cắt cuống cam đặt nhẹ nhàng vào các thùng xốp hoặc carton như từng được chứng kiến động thái nâng niu của người thu hoạch thành quả lao động ở những nông trại nước ngoài, chứ chẳng phải động thái lăng liệng thoải mái vào thùng như thế? Phải chi cam Hàm Yên đến mỗi mùa thu hoạch được đặt vào cái thế chỉn chu hiện đại để tránh cái tỷ lệ mất mùa trong thu hoạch.

Mô hình nào cho Hàm Yên?

Ngồi một chốc với hai ông chủ tịch huyện và xã Phù Lưu và Hàm Yên mà bừng ra lắm cái lạ? “Nhất cam, nhì keo, tam trâu, tứ vịt”. Cây nguyên liệu keo cho công nghiệp sản xuất giấy hằng bao năm vẫn giăng khắp rừng núi Hàm Yên. Giống trâu mộng, trâu thịt Hàm Yên thì đã quá nổi tiếng khỏe. Trò chọi trâu nức tiếng xứ Hàm du khách xa gần đã biết, trâu Hàm Yên từng nghênh cặp sừng kiêu hãnh đi khua vó xứ người nhiều tỉnh và từng giật giải. Nhưng đó vẫn chỉ là… trò vui, chả làm giầu được. Nhân nắc nỏm đến giống trâu và hội chọi trâu nổi tiếng Hàm Yên cũng phải nói tới hai thứ hội mà người Hàm Yên gây dựng nên từ cái nền kinh tế thị trường.

Đó là hội chọi ngựa, đúng hơn là đua ngựa có lẽ xuất phát từ xã Phù Lưu. Phù Lưu hiện có gần 300 con ngựa giống tốt. Các nẻo đường quanh co trong thôn bản dẫn đến những vườn đồi trồng cam nếu chưa kịp trám rải bê tông cho xe tải loại nhỏ vào thì giống ngựa này sẽ cúc cung làm cái việc thồ cam ra tận vựa cho thương lái. Mùa cam, ẩn hiện trong những quanh co khúc khuỷu của ngả đường Phù Lưu những dáng ngựa lúc đủng đỉnh khi phăm phăm trên lưng trĩu những sọt cam vàng dường như mang lại cho miền đồi rừng heo hút xứ này một sắc thái lạ? Giống ngựa lại đâm ra đắc dụng được nhân rộng bởi phong trào nấu cao ngựa bạch trị bách bệnh và cung cấp ngựa thịt cho các nhà hàng đặc sản chuyên chế món thắng cố trứ danh giả làm đặc sản của người Mông.

Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 4 Chủ tịch xã Phù Lưu, ông Ma Hoa Tàm (bìa phải).
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 5
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 6
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 7
Khi chuyển sang làm chủ tịch UBND xã, trong 2 năm qua, ông Tàm đã tham mưu cho cấp ủy làm được 3 việc mới. Đó là huy động sức dân để làm sân thi đấu ngựa có diện tích 4.000 m2 với 5.000 chỗ ngồi, sân chợ Thụt và sân thi đấu thể thao ở thôn Pác Cáp với tổng giá trị trên 400 triệu đồng. Bây giờ Phù Lưu không chỉ nổi tiếng về thương hiệu cam sành mà còn được nhiều nơi biết đến với lễ hội đua ngựa. Năm 2013, lần đầu tiên Phù Lưu tổ chức được lễ hội đua ngựa, kinh phí hoàn toàn xã hội hóa. Nghe nói, Chủ tịch UBND xã Ma Hoa Tàm còn lên tận vùng cao Hà Giang để học cách thức, kinh nghiệm tổ chức. Lễ hội thành công thu hút rất đông khách thập phương từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Điện Biên.

Cũng xin khất bạn đọc, một dịp thích hợp chúng tôi sẽ có một phóng sự về một hội độc đáo ở đất Hàm Yên. Ấy là hội đua (hay chọi) dê!

Còn giống vịt Minh Hương vị ngọt thịt đậm, quý thì quý thật nhưng loay hoay mãi cũng chưa có cách nào để cho dân vượt thoát cái nghèo từ con vịt. Đất đai Hàm Yên, thứ thổ nhưỡng với những vùng trũng vùng thấp, những khoảng đồi rừng, đất pha sỏi, cam trồng ngọt ngon, nơi dốc quá thì cam lại phảng phất vị rôn rốt chua. Vũng đất nào trời chưa thương lắm thì cậy nhờ bàn tay của cán bộ khuyến nông huyện. Vậy nên quanh đi ngó lại có lẽ chỉ trông vào thứ chủ lực là cam?

Bước đầu xứ này đặt cây cam sành Hàm Yên trong quy hoạch trong tính toán khoa học và quy hoạch với hệ thống nhà lưới nhằm hoàn chỉnh cơ cấu giống, sản xuất giống (khai thác mắt ghép, chiết cành, gốc ghép) nhằm đáp ứng nhu cầu trồng mới ngày càng cao của dân. Hiện có 267 lớp tập huấn tại hiện trường về trồng và chăm sóc cây cam, 22 lớp quản lý dịch hại tổng hợp, 40 lớp về vệ sinh an toàn thực phẩm, 6 lớp sản xuất cùng 2 mô hình sản xuất cam an toàn theo hướng VietGAP.

Vẫn câu chuyện của ông Phình, năm 2014, Hàm Yên mở rộng diện tích trồng cam lên 900ha nữa, tổng cộng giờ đã là 4.500ha toàn xã. Dự định đến năm 2020 sẽ là 6.000 ha và doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng một năm. Con số này cũng khiến chúng tôi lo lắng…

Vì sao? Cam Hàm được sản xuất theo quy trình sạch nghiêm ngặt của VietGap đã đành một nhẽ. Trước năm 2000 diện tích cây cam sành tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Yên với diện tích là 2.013 ha, đến năm 2014 diện tích cam đã phát triển lên tới 4.430 ha. Tuy nhiên việc nhân dân mở rộng diện tích trồng cam tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý chất lượng, giữ vững thương hiệu.

Rồi nữa, nhà nọ cạnh tranh kẻ kia, mua bán thế nào, khâu giống, chăm sóc, an toàn thực phẩm ra sao? Đất chả phải chỗ nào cũng có thể dúi cây xuống mà ra cam ngon. Nếu quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng thương hiệu rồi lại theo vết xe đổ của bao đặc sản vùng miền khác. Năm nay huyện dự định mở thêm diện tích 1.000ha nữa. Đi liền đó là hàng loạt giải pháp quy hoạch đất đai, bố trí lại đất sản xuất, chuyển giao thống nhất kỹ thuật chăm trồng và kiểm định chất lượng quả...

Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 8
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 9
Chuyện quanh thương hiệu cam Hàm Yên- Kỳ cuối: Trăn trở ảnh 10
Lãnh đạo huyện toan tính: Đất lâm nghiệp của những lâm trường cũ làm ăn không hiệu quả dự kiến đưa sang trồng cam. Huyện xây dựng một trung tâm chế biến công nghệ cao cho cam đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện thành lập trung tâm cây ăn quả - địa chỉ mà không phải tỉnh nào cũng có được. Mạnh dạn nhưng thận trọng theo những lộ trình khắc nghiệt để đưa thương hiệu cam Hàm Yên ngọt lành theo cái cách lâu dài bền vững và lựa, tránh những vị đắng tiềm ẩn nào đó đang rập rình cho thương hiệu cam Hàm Yên.

Đề án Phát triển vùng sản xuất cây cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014 - 2020 được tổ chức tháng 9/2014, và Hội chợ cam sành Hàm Yên lần thứ nhất cũng mới được tổ chức đầu năm nay. Giải pháp cho cam Hàm được cả hệ thống chính trị Hàm Yên vào cuộc. Con số hàng trăm tỷ thu nhập từ cam thực sự hấp dẫn. Mô hình bốn nhà “Nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp” đã tìm ra cách làm hiệu quả của việc lo thương hiệu cho quả cam Hàm Yên. Đầu năm 2014 huyện hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho 8 dự án trồng cam theo phương cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hướng hàng hóa.

MỚI - NÓNG