Có chết cũng phải là người biết chữ

Có chết cũng phải là người biết chữ
TP - Mang trong mình căn bệnh ung thư tủy sống, đang phải giành giật từng hơi thở với cuộc đời, nhưng đều đặn hàng đêm, cô gái Lê Thị Ngân vẫn mò mẫm vượt 7 cây số đến trường THCS Trần Phú (Hàm Nghi, TP Huế) để học chữ, chỉ mong biết chữ để không cảm thấy lạc lõng giữa cuộc đời.
Có chết cũng phải là người biết chữ ảnh 1
Dù cuộc sống chỉ còn tính từng ngày nhưng Lê Thị Ngân vẫn đến lớp học mỗi đêm

Ngọn gió đông tràn về mang theo hơi lạnh cóng người khi đêm xuống.

Lớp học bổ túc văn hóa trống hoác nhưng vẫn sáng đèn, thầy giáo dạy Toán vừa ghi những con số lên bảng vừa nói: “Chắc trời lạnh nên con bé Ngân không đi học được rồi”.

Câu nói của thầy chưa dứt, thì từ cửa lớp: “Thưa thầy em đến muộn, thầy cho em vào lớp !”.

Dáng Ngân nhỏ nhắn, ngồi co ro vì lạnh. Nhưng ánh mắt luôn chăm chăm nhìn lên theo từng nét chữ của thầy, tay thì cắm cúi ghi chép như sợ ai đó chiếm hết phần. Ngân là thế, đau ốm thì thôi, chứ khỏe là đêm nào cũng có mặt ở lớp.

Không phải ngẫu nhiên, nhưng không thể chờ đợi, căn bệnh ung thư có thể mang Ngân đi khỏi cuộc đời bất cứ lúc nào. Vì thế, sống được ngày nào, phải tận dụng hết. Biết thêm được chữ nào là quý giá chữ ấy. Niềm khát khao được đi học, không phải mới bây giờ, mà đã nung nấu trong lòng cô gái ấy suốt mười mấy năm tuổi thơ.

Trò đùa dai của số phận!

Ngôi nhà của Ngân nằm trong một góc nhỏ của đường Tôn Thất Thiệp, thành phố Huế. Đơn sơ, trống trải, nhưng là nơi mà cô ươm mầm những nét chữ đầu tiên của cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ đều là nhân viên nhà nước, nhiều người đã nghĩ về chặng đường màu hồng mà Ngân sẽ đi.

Ngờ đâu, một cơn sóng gió đã cuốn theo cô bé mới chưa đầy 3 tuổi lưu lạc tha phương. Cha mẹ bỏ nhau, gia đình ly tán, không ai chăm lo, cô bé Ngân bị thất lạc ra tận miền sơn cước xã Phúc Trạch (Tuyên Hóa, Quảng Bình) và được một gia đình nông dân nghèo khó ở đây cưu mang.

Mấy mẫu ruộng khô khốc ở miền rừng núi này cộng với cái gánh nặng của 8 người con đã không cho phép cô gái nuôi nghĩ đến việc đi học. Mỗi chiều leo lèn, lách núi kiếm củi, nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường mà Ngân cứ ngẩn ngơ ao ước.

Hơn mười năm sau, khi ấy Ngân 14 tuổi, may mắn đã giúp cho Ngân đoàn tụ lại với người cha. Cô được đưa vào Huế. Nhưng cha bây giờ đã có vợ khác, dù rất thương con nhưng không dám nhận con và đưa con về sống cùng.

Vậy là Ngân được cha thuê cho một căn phòng nhỏ và sống một mình. Cha bận nhiều công việc, gia đình, lâu lâu mới ghé thăm. Ngân suốt ngày thu mình trong căn phòng nhỏ, buồn. Ao ước được học chữ lại cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Nhưng lúc này, một chữ bẻ đôi Ngân còn chưa biết, lại nghe người ta nói quá nhiều tuổi rồi không thể đi học lớp 1 cùng mấy em nhỏ. Ngân khóc: “Chẳng lẽ mình mãi mãi không bao giờ biết chữ ?”.  Cô bắt đầu tự học. Mua tất cả sách vở của lớp Một, tập đánh vần từng chữ cái, đọc từng con số.

Việc học từ những thứ sơ đẳng đó dễ đối với những đứa bé lên sáu, nhưng với một cô gái đã qua tuổi trăng tròn như Ngân thì khó vô cùng. Có những ngày không giải được bài toán Ngân tức đến phát khóc. Rồi những ngày khó nhọc đó cũng qua đi.

Học hết sách lớp Một, Ngân mua tiếp sách lớp 2, lớp 3 để … tự học và tự hoàn thành luôn chương trình tiểu học, những con số ngày càng rối bời, nhưng niềm vui bù lại khi được biết chữ thì lớn gấp bội. Hai mươi tuổi, Ngân đã có thể… đọc và làm các phép tính đơn giản.

Sau quãng đời lưu lạc cực khổ, cuối cùng cũng tìm được nửa bên kia cuộc đời mình. Tưởng mọi bất hạnh đã lui lại sau lưng, nhưng tai họa lại giáng xuống đầu cô.

Tỉnh dậy vào một buổi sáng chỉ cách mười ngày sau lễ cưới, thân thể Ngân tê cứng và không còn cảm giác, chỉ còn đầu là có thể cử động. Rồi bác sĩ thông báo, cô mắc phải căn bệnh nan y - ung thư tủy sống!

Cầm trên tay tờ phiếu xét nghiệm, đánh vần từng chữ, Ngân suy sụp hoàn toàn. Cuộc đời ngang trái, khi con người trải qua chặng đường gian khó đến lúc được hưởng hạnh phúc thì...

Ngân khóc ướt gối mỗi đêm về. Giọt nước mắt không chỉ buồn cho số phận, mà còn thương cho chồng…

Gắng sức đến trường

Vào Huế để đoàn tụ với cha, nhưng Ngân vẫn không quên những ngày khó nhọc cùng gia đình cha mẹ nuôi ở Quảng Bình. Nhất là 8 đứa em của cha mẹ nuôi, không đứa nào biết chữ.

Thương em, Ngân quyết không cho chúng thất học. Cha cho đồng nào, Ngân tiết kiệm đồng ấy, cuối tháng gửi ra Quảng Bình cho cha mẹ nuôi nuôi em ăn học. Ngân còn viết thư ra động viên em: “Mấy em hãy cố gắng ăn học, những anh chị trước nghèo khổ không biết chữ đã đành. Thua thiệt nhiều lắm em ơi!..”.

Một lần, Ngân mang 300 ngàn đồng dành dụm được ra bưu điện gửi về cho em đóng học phí, những nét chữ nguệch ngoạc mà cô tự học được khiến cô mất bình tĩnh khi nhân viên bưu điện bảo ghi thông tin vào giấy gửi tiền.

Đọc xong những nét chữ đầy lỗi chính tả của Ngân, cô nhân viên hét toáng lên: “Trời ơi, người thì xinh xắn thế kia mà viết chừng ấy chữ cũng không ra hồn, chui dưới đất lên hả…”.

Cả đám đông ngước nhìn. Ngân chạy về mà khóc nức nở. Có ai biết được rằng, những nét chữ đầy lỗi ấy Ngân phải tự mày mò suốt mấy năm mới được… Tủi chừng nào Ngân lại càng quyết tâm học chữ chừng đó. Từ ngày đó, Ngân biết, không biết chữ  thua thiệt đến chừng nào.

Đổ bệnh nặng. Sự sống và cái chết chỉ mong manh như tờ giấy, sự có mặt của Ngân trên mặt đất này có thể chỉ đếm bằng ngày. Nhưng một ngày sống cũng không thể để người khác coi thường.

Thế là bất chấp mọi lời khuyên răn, Ngân đăng ký đi học bổ túc buổi tối. Mùa mưa hay mùa nắng, lạnh giá hay nắng nóng, người ta đều thấy Ngân có mặt trong lớp cùng bạn bè. Có những hôm đau phải ở nhà, Ngân nhớ trường nhớ lớp đến nao lòng.

Cứ qua cơn đau một chút, là Ngân lại chuẩn bị cặp sách đi học. Có hôm, mới lên đến cửa lớp thì Ngân ngã gục, bạn bè, thầy cô được một phen hốt hoảng.

Tưởng đó là buổi học cuối cùng của Ngân. Ai ngờ, tối hôm sau, lại thấy Ngân ngồi ngay ngắn nơi góc lớp. Bạn bè biết, nhiều người nói với Ngân: Đau yếu thế thì còn đi học làm gì, về mà hưởng những ngày còn lại… Ngân gạt phắt: “Có chết cũng phải biết chữ đã rồi chết !”.

Lạ thay, Ngân học rất giỏi, những ngày đầu tiên đến lớp là những ngày học lớp… 6, nhưng từ khi đi học, Ngân bao giờ cũng đạt điểm cao nhất lớp và là học sinh giỏi.

Mỗi bài văn Ngân viết ra đều mang những suy nghĩ vô cùng lạc quan: “Dần dần, tôi nhận ra rằng, cuộc đời dù có ngắn ngủi nhưng quan trọng là sống cho có ý nghĩa. Một người cận kề cái chết nhưng biết quên đi cái chết để sống thì sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều”.

Cô giáo phê ngắn gọn: “Sống một ngày có ý nghĩa đã có thể gọi là sống một cuộc đời, sống cả đời mà vô nghĩa thì chỉ nên gọi là sống một mảnh đời”.

Lớp học của Ngân đến tháng 12 này là xong chương trình lớp 8, chỉ còn một năm nữa là Ngân có bằng tốt nghiệp THCS. Chỉ nghĩ đến điều đó nhỏ bé đó thôi cũng đủ làm Ngân cảm thấy sung sướng lắm rồi. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.