Cô Eun tiếng Việt

Cô Eun tiếng Việt
TP - Thân thiện, nhiệt tình, nói tiếng Việt sõi như tiếng mẹ đẻ là cảm nhận đầu tiên với bất cứ ai gặp cô giáo Lee Jeong Eun (38 tuổi, trường THPT ngoại ngữ Chung Nam) – giáo viên tiếng Việt duy nhất cho học sinh cấp 3 Hàn Quốc.

Lớp học đặc biệt

Con đường vào trường THPT ngoại ngữ Chung Nam (tỉnh Chung Nam, Hàn Quốc) đang mùa rợp bóng hoa anh đào. Trường rộng, khang trang nằm bên mé đồi thoai thoải, từ lâu được biết đến với nhiều cái “độc”: trường cấp 3 dạy đa ngoại ngữ (Anh, Trung Quốc, Nhật…), trường duy nhất dạy tiếng Việt cho học sinh cấp 3…

Hơn 2 tiếng đồng hồ xe chạy từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đến vùng Chung Nam nhưng vừa đi dọc dãy hành lang lớp học, những âm điệu giao tiếp bằng tiếng Việt lơ lớ của cô cậu học trò vọng ra từ buổi sinh hoạt ngoại khóa, khiến đoàn thanh niên Việt Nam tham dự chương trình giao lưu Việt - Hàn thêm phấn chấn.

Bài giảng của cô Eun được thiết kế thật đặc biệt. Hàng chục học sinh được nghe, hòa vào bài hát tiếng Việt. “Đánh đố” hơn, cô Eun đưa ra đề bài bằng đoạn slide trình chiếu về 20 cảnh vật, đặc trưng của đất nước Việt Nam trong vòng chưa đầy 1 phút và yêu cầu học sinh hình dung, liệt kê lại bằng tiếng Việt.

Cả lớp học thích thú, nắn nót ghi từng đáp án: hồ Gươm, xích lô, bánh chưng… Cô Eun nhiệt tình soi từng đáp án, chấm từng lỗi chính tả và giúp học sinh sửa bài ngay trong giờ học trực quan sinh động.

“Tiếng Việt học khó nhưng cô Eun giảng bài vui, khiến ai cũng háo hức. Ban đầu nhiều bạn còn ngại đăng ký lớp tiếng Việt nhưng mỗi năm lại đông hơn hẳn”, Lee Anna (học sinh lớp 11, khoa Tiếng Việt), nói.

Buổi ngoại khóa mỗi lúc một thêm hấp dẫn, sinh động. Đề bài cho các nhóm lúc này lại ở cấp độ cao hơn. Thay vì gọi tên trực tiếp các hình ảnh, người đại diện các nhóm phải diễn tả hình ảnh bằng tiếng Việt với nghĩa gần nhất để các thành viên cùng phán đoán.

Jang Won Young (lớp 11, khoa Tiếng Việt) tự tin với phần diễn giải: “Ở Hàn Quốc lắm ô tô, còn Việt Nam lắm…”, cho đáp án “Xe máy”…

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam nhưng em rất đúng khi theo học tiếng Việt. Lớp 10 học còn khó nhưng từ lớp 11 thì dễ hơn rất nhiều.

So với tiếng Hàn, tiếng Việt có phần thuận lợi vì mình nói đến đâu, ghi ký tự đến đó. Và vui hơn vì lớp có cô Eun chủ nhiệm”, Young nói.

Theo cô Lee Jeong Eun: Cái khó khi bắt tay mở lớp tiếng Việt, giáo trình dạy tiếng Việt chỉ được biên soạn cho sinh viên, còn với học sinh cấp 3 Hàn Quốc thì chưa có.

Nhiều tháng trời, ban giám hiệu trường, cô Eun làm việc với ngành giáo dục, các chuyên gia, giáo sư đầu ngành tiếng Việt tại các trường ĐH Hàn Quốc để biên soạn giáo trình.

Không ít lần cô Eun ngược xuôi Việt – Hàn để giao lưu, học hỏi, tìm hiểu các phương pháp dạy tiếng Việt. Cô Eun tạo nhiều sự linh hoạt, đa dạng thay đổi bằng nhiều giờ ngoại khóa với phương châm trực quan, sinh động giúp các em vui học, hiệu quả.

Cô Eun tận tình giảng bài cho học sinh
Cô Eun tận tình giảng bài cho học sinh.

Duyên nợ tiếng Việt

Nói về nghề giáo viên tiếng Việt, cô Eun cười bảo: Duyên nợ nó thế. Học, biết rồi đam mê mảnh đất, con người đến cách phát âm, giao tiếp của người Việt.

Số là, sau lần sang tham quan Việt Nam, cô nữ sinh Lee Jeong Eun mạnh dạn đăng ký và thi đậu vào khoa tiếng Việt (ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc). Tốt nghiệp ĐH, cô Eun gắn bó luôn với nghề phiên dịch, dạy chữ Việt.

Từng tham gia dạy tiếng Việt – Hàn cho các lao động xuất khẩu, làm phiên dịch viên. Năm 2007, cô Eun chuyển sang công tác tại Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc KBS.

Hơn 4 năm Eun gắn bó với nghề dịch tin tức Hàn Quốc sang tiếng Việt, qua hệ thống phát thanh, để người Việt trên mảnh đất xứ Kim Chi cùng theo dõi.

Đầu năm 2010, trường THPT ngoại ngữ Chung Nam đăng tuyển giáo viên tiếng Việt, niềm đam mê giảng dạy “tiếng khó” lại thôi thúc cô đăng ký.

Chấp nhận công tác xa nhà, rời Seoul xuống vùng Chung Nam, cô Eun vượt qua các ứng viên, được đánh giá với kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả cùng sự nhiệt tình năng nổ.

“Mỗi lần dạy, mình trước hết phải truyền niềm đam mê cho các em học sinh. Có đam mê thì những khó khăn sẽ dần khắc phục.

So với tiếng Hàn, nhiều em gặp khó khăn ở bộ dấu của tiếng Việt vì tiếng bản địa không có dấu…”, cô Eun chia sẻ.

Không chỉ tổ chức các tiết học trực quan sinh động, mỗi khóa học tiếng Việt, nhà trường tổ chức các lớp tham quan, giao lưu học hỏi thực tế ngay ở Việt Nam.

Thầy Lee Ha Young, Hiệu phó trường THPT ngoại ngữ Chung Nam, cho biết đón đầu xu thế hội nhập, giao lưu ngày càng sâu rộng giữa hai nước Việt - Hàn, từ 2 năm học nay, nhà trường chủ động mở thêm khoa tiếng Việt thu hút học sinh theo học, tạo nguồn cán bộ, đội ngũ thông dịch viên cho tương lai.

Đây là trường duy nhất của Hàn Quốc dạy tiếng Việt cho học sinh cấp 3. Đến nay, nhà trường có gần 50 học sinh, chiếm 10% trong tổng số học sinh toàn trường.

“Dạy tiếng Việt là một trong những biện pháp giới thiệu đa dạng nhất mảnh đất, con người Việt Nam đến các bạn trẻ, học sinh trên địa bàn, thể hiện tình đoàn kết, giao lưu hợp tác bền vững giữa hai nước”, thầy Young nói.

70% SV khoa Tiếng Việt tốt nghiệp có việc làm ổn định

Tại buổi giao lưu, tiếp xúc với đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam vừa qua, thầy Bae Yang Soo, Trưởng khoa Tiếng Việt (ĐH Ngoại ngữ Bussan, Hàn Quốc), nhấn mạnh: Mỗi năm có đến hơn 70% sinh viên tốt nghiệp xin được việc làm ổn định.

Trong đó chủ yếu làm các công việc: cán bộ, công chức, công an đối ngoại, thông dịch viên cho các công ty… Nhiều năm nay, khoa Tiếng Việt là khoa dẫn đầu toàn trường về việc sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Mỗi năm trường có khoảng 35-45 sinh viên Hàn Quốc theo học khoa Tiếng Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG