Con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh và một tên phố ở miền Nam nước Pháp

Con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh và một tên phố ở miền Nam nước Pháp
TPCN -  Tôi đang ngồi với ông Nguyễn Hồ, người con út với bà cả của cụ Vĩnh. Quá bát tuần mà trời cho sắc da ông Hồ vẫn hồng hào với trí nhớ bền chắc.

Trước khi nói về cái chết thương tâm của bà Hai Lựu, vợ hai cụ Nguyễn Văn Vĩnh và là thân mẫu của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, cái chết mà người ta thường nói là chết mà chưa phải đến cái chết của nó (bất đắc kỳ tử)  lìa bỏ cõi đời khi mới 22 tuổi, ta hãy nhớ lại một khuôn mặt khả ái của đất Hà thành nói riêng và Bắc Kỳ nói chung những năm hai mươi của thế kỷ trước: nàng Suzanne!

 (Thương ôi, trang tuyệt thế giai nhân này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi của thân mẫu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp! Thôi chuyện đó xin được kể sau).

Suzanne là kết quả tốt lành của một cuộc hôn phối giữa một viên chức dân sự Pháp tòng sự ở Hà thành với một người con gái xứ Bắc Kỳ. Gia đình vị viên chức này cũng thuộc loại khá giả có mấy trại ấp ở ngoại thành mà trang trại đáng kể nhất là bên mạn Gia Lâm.

Tạo hoá chẳng những ban cho nàng nhan sắc nổi trội khi mới độ tuổi mười lăm mà nàng còn thạo thơ phú văn chương và cả ngón đàn. Văn nhân tài tử Hà Thành khi đó dập dìu lui tới ngõ nhà nàng cũng kha khá... Nhiều vị Tổng đốc hay các quan cai trị đã nhắn nhe bắn tiếng cho nàng được về làm dâu... Nhưng Suzanne đã chọn Nguyễn Văn Vĩnh!

Chính tại khách sạn riêng của Nguyễn Văn Vĩnh ở phố Hàng Trống, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tiếp tân hội hè của giới phong lưu Hà thành, Nguyễn Văn Vĩnh đã gặp và lọt vào mắt xanh của người đẹp Suzanne! Tôi thảng thốt nhớ lại cái đoạn trong hồi ký của nhà văn Vũ Bằng rằng cái lần cụ Vĩnh đang có điều buồn bực chi đó leo phắt lên căn gác gọi một mẹt bún chả.

Cụ Vĩnh vừa ăn vừa đọc một lúc cho ba người tuỳ phái, một chép một bài khảo cứu. Còn người kia chép cho cụ một bài báo. Còn người thứ ba thì chép đoạn dịch của cuốn Manon Lescaut (Mai nương lệ cốt) cuốn sách dịch mà cụ khá tâm đắc bởi mỗi bận dịch khoảng mươi trang như thế, cụ lại cho tuỳ phái cầm sang trang trại Gia Lâm để bà Vĩnh tức nàng Suzanne thưởng thức! 

Tôi đang ngồi với ông Nguyễn Hồ, người con út với bà cả của cụ Vĩnh. Quá bát tuần mà trời cho sắc da ông Hồ vẫn hồng hào với trí nhớ bền chắc. Nhất là cái đoạn thi thoảng nghe ông  trích ra những khúc trong lá thư cuối cùng của cụ Vĩnh gửi cho bà Suzanne (tất nhiên cụ viết bằng tiếng Pháp) mà thầm phục cho vốn tiếng Pháp của ông con út này.

Câu chuyện ông Hồ đưa tôi về những năm xa lắc xa lơ ấy khi cụ Vĩnh từ vị thế đắc chí nhất bất đồ rơi xuống vực thẳm của tai hoạ. Đứng trước tình thế bị tịch biên tài sản lẫn số nợ khổng lồ, hoặc vào Hoả Lò ngồi tù hoặc là đi đào vàng bên Lào, một thứ kiếm tiền mong manh vớ vẩn để trang trải nợ nần, cụ Vĩnh đã chọn cách thứ hai và chuốc lấy cái chết thương tâm ở xứ rừng thiêng nước độc vào tuổi 54!

Bà Suzanne có với cụ Vĩnh ba người con. Cô con gái út Thu Hương yểu mệnh mất năm mười mấy tuổi. Khác hẳn với tính cách của bố mẹ, ông con cả Nguyễn Hiến nhu mỳ yếu đuối. Nhu mỳ ra sao chả biết nhưng hồi vào Nam năm 1954, ông đã phục vụ dưới mấy trào chính quyền trong ấy và phát về đường quan chức từng làm Tổng trưởng gì đó bên ngành hải quan thời Thiệu. Sau 1975 phải đi học tập cải tạo một thời gian.

Ông Nguyễn Hồ và người nhà đi tiếp tế thăm nuôi mấy lần ở trại Nghệ An. Sau đó ông Hiến sang định cư và mất bên Mỹ. Ông con trai thứ Nguyễn Phùng tính khí gần giống với bố và mẹ. Tuy không phải là quốc tịch Pháp nhưng hồi nhộn nhạo Pháp - Nhật, theo chỉ thị của Toàn quyền Đơcu, nếu mẹ là quốc tịch Pháp thì đương nhiên con cái đều có quốc tịch ấy. Nguyễn Phùng xung vào lính, và do có quốc tịch Pháp nên một thời gian sau đã đeo lon quan ba.

Câu chuyện của ông Hồ đưa tôi về làng Mục Xá Hà Đông hiện còn sót lại nham nhở cái dinh thự của một người Pháp  hồi những năm bốn mươi, năm mươi là chủ hiệu bánh ngọt nổi tiếng gần nhà Gôđa Tràng Tiền. Chủ hiệu là ông Courier.

Ông Courier lấy vợ người làng Mục Xá. Ba cô con gái ông đều là hoa khôi cả. Một cô trong số đó tên là Loan sau này trở thành vợ của Nguyễn Phùng. Ông Hồ nói tuy là con Tây lại là nhà giầu nhưng từ bé cô Loan ở quê mẹ tại dinh thự ở Mục Xá tính tình lại thuần hậu dịu dàng.

Sau khởi nghĩa, nghe theo lời bố, cô Loan một thời gian dài đã tham gia công tác Bình dân học vụ diệt giặc dốt. Nguyễn Phùng sau đó bị điều sang Angiêri khi ấy là thuộc địa của Pháp. Rồi thời thế đổi thay, bà vợ cả ông Vĩnh và các con như Nguyễn Dực, Nguyễn Phổ, Nguyễn Hồ... đi tham gia kháng chiến. Còn bà Suzanne và anh con trai cả vào Nam hồi năm 1954...

Lại đang nói về Nguyễn Phùng. Một thời gian ở Angiêri, ông chuyển sang ngạch dân sự rồi theo học trường Luật. Cách mạng Angiêri thành công, Nguyễn Phùng theo đội quân viễn chinh về Pháp và định cư ở thành phố Montpellier miền Nam nước Pháp và theo học Luật tiếp ở thành phố này. Do học tập xuất sắc, Nguyễn Phùng được giữ làm trợ giáo sau đó làm giảng dạy chính thức rồi được phong giáo sư.

Điều thú vị là cánh thị trưởng miền Nam nước Pháp như Boocđô, Macxay... trong thời gian học Luật ở Montpellier đều là học trò của GS Nguyễn Phùng. Những năm đầu sáu mươi cũng là thời gian đoàn tụ của gia đình Nguyễn Phùng.

Có lẽ đây cũng là khoảng trống trong tiểu sử của bà Suzanne bởi bà vẫn ở Sài Gòn không sang Pháp gặp con trai cho đến năm 1981 mới mất, thọ 79 tuổi. Ông Hồ cho biết sau giải phóng ông có vào gặp bà Suzanne mấy lần.

Có lẽ những dòng lý lịch ít ỏi của người con trai tha hương của cụ Vĩnh này, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Vĩnh ở Hà Nội mới chắp nối một cách đầy đủ vào cái lần đầu và cũng là lần duy nhất ông Phùng từ Montpellier về thăm cố quốc vào năm 1996.

Theo như anh Nguyễn Lân Bình, con trai cả của ông Nguyễn Dực trưởng nam của cụ Vĩnh (người đã đóng góp cả gia sản của mình cho việc thành lập Đài tiếng nói Việt Nam, người phụ trách phần âm thanh trong buổi lễ

Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình chiều 2/9/1945) cháu nội của cụ Vĩnh hiện công tác ở Bộ Ngoại giao thì lần ấy cũng chưa rõ lắm vì ông chú ruột này rất ít nói về mình. Hồng hào đỏ đắn sang trọng nhưng vui tính cởi mở...

Sau khi đi tham quan nhiều nơi, ông chú ruột chỉ nói với người cháu của mình mà nói nhiều rằng, sang năm tức là năm 1997, ông sẽ về nước ở hẳn. Thế mà đến hẹn, ông chú đột ngột ra đi bên Montpellier vì bạo bệnh! Thắc mắc của anh Bình lẫn hậu duệ cụ Vĩnh phần nào được giải toả bởi những lần về thăm Hà Nội sau đó của bà Loan và các con của ông bà.

Rằng tại sao lần ấy ông Nguyễn Phùng về nước có một mình... Hình như hao hao vẻ đa đoan của ông cụ thân sinh, ông Nguyễn Phùng cũng có một bà đầm nhưng hai người không có con cái gì...  Có cái lạ là hai nhà đối với nhau rất êm thấm...

Bà Loan lẫn các con vẫn thường xuyên qua lại lui tới thăm nom ông Phùng! Sau khi ông Phùng mất, chính quyền thành phố Montpellier đã quyết định đặt tên ông cho một đường phố đẹp mới mở của thành phố miền Nam nước Pháp này để tưởng thưởng công lao của ông đối với Montpellier.

Buổi lễ đặt tên và gắn biển cho con đường có sự hiện diện của bà Loan và các con gái con rể của ông bà. Ngài Thị trưởng thành phố trực tiếp đọc diễn văn và chủ trì buổi lễ. Việc này hậu duệ cụ Vĩnh chỉ biết được chi tiết cụ thể khi có lần về Việt Nam của bà Loan và các con bà sau sự kiện đó ít lâu!

Ghi chép của Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.