Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại và không phải huyền thoại

Trực họa của Cù Huy Hà Vũ
Trực họa của Cù Huy Hà Vũ
TP - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà chiến lược và chỉ huy quân sự tài ba, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Sinh nhật này (25-8), Đại tướng tròn 100 tuổi. Với tất cả lòng yêu kính, Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Bắc Sơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bạn đọc.

Trực họa của Cù Huy Hà Vũ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với các nhà báo. Ảnh: Hồng Vĩnh


1.
Lâu nay, người Việt Nam ai chẳng muốn được một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tuyệt đại đa số đều biết rằng, mình không có cơ may nên không dám ao ước. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam còn muốn nữa là người Việt Nam. Người Pháp và người Mỹ càng muốn gặp, để được chiêm ngưỡng vị tướng huyền thoại đã đánh bại quân đội nước họ một thời. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mác-na-ma-ra đề nghị gặp bằng được Đại tướng, mới thỏa lòng hiếu kỳ.

Tôi thuộc tuyệt đại đa số người không dám ao ước ấy. Vậy mà… Tự nhiên được mời tham gia vào đoàn đến chúc mừng Đại tướng nhân dịp thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi được thỏa thuê ngắm nhìn, lắng nghe ông trò chuyện trong suốt một giờ. Dù không được chào trực tiếp, không được bắt tay, chỉ được cùng mọi người chụp ảnh với ông.

Còn lần nữa là để chuộc lỗi, do sự thất lễ của mình. Nếu không, thì vẫn cứ không dám ao ước.

Hôm ấy, trong một tiệc chiêu đãi do Hội Mỹ thuật Việt Nam, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng, vợ cố danh họa Trần Văn Cẩn và Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa Văn Lang tổ chức, nhân ngày giỗ họa sĩ, ngẫu nhiên người ta xếp vợ chồng tôi ngồi cùng mâm với ông Nguyễn Cơ Thạch. Vào thời điểm ấy, ông đã thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tôi trò chuyện với ông về toàn cầu hóa, về kinh tế thị trường vì tôi có đọc một bài của ông về kinh tế thị trường.

Ông còn bảo, nếu cơ quan tôi cần, ông sẵn sàng đến nói chuyện. Đinh ninh người phụ nữ đi với ông trong những việc thế này, đang ngồi bên ông thế này phải là vợ ông, tôi mới hỏi xem, bà công tác gì. Ông lập tức cải chính. Và cái điều cải chính, mới kinh khủng làm sao – “Không, đây là chị Hà, vợ anh Võ Nguyên Giáp đấy chứ”. Mặt tôi từ tái mét sang đỏ rừ. Giá đất nứt ra mà chui xuống được.

Trời đất ạ, tôi vốn là sinh viên của Bà hồi học Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy quên trò là chuyện thường. Nhưng trò quên thầy thì quá tệ. Tại thời gian đã qua đi hơn bốn mươi năm? Tại tôi không quan sát kỹ Bà? Tại tôi cứ đinh ninh… Đành ấp úng xin lỗi Bà, rằng, em là học trò cô năm ấy, lớp ấy… Bà độ lượng hỏi chuyện tôi, rồi lấy chiếc giấy mời của ban tổ chức ghi số nhà, điện thoại, hẹn đến chơi.

Tôi đến thăm Bà, mang theo hai cuốn sách. Bà cầm cuốn Đá dậy thì, như nghĩ một tí trước khi nói. Cái tên nghe đã có vẻ gì đó, chưa thể nói ra ngay được. Nhưng sự vô lí thì ai cũng biết. Làm sao có chuyện đất đá mà lại dậy thì như con gái tuổi mười ba được… Chắc là chuyện liên quan đến tình cảm, tình yêu, thậm chí tình dục chưa chừng. Và ảnh bức tượng ở góc sách, chiếm non nửa tấm bìa màu cà phê như minh họa, như khẳng định cho suy nghĩ ấy. Đôi nam nữ khỏa thân đang quấn lấy nhau trong một tư thế, bảo đẹp thì cũng đẹp đấy, nhưng mà… tươi mát quá.

Tôi đọc được ý nghĩ của Bà. Y như rằng, Bà nói như tâm sự với đứa học trò bé bỏng: “-Anh Bắc Sơn này, anh Văn hơi kỹ tính…” Không để Bà phải nói nốt câu nói nửa chừng, tôi vội giải thích: “-Thưa cô, đây không phải là tiểu thuyết tình cảm xã hội đâu ạ. Đây là tập bút ký, có bài Sự tích cây ngải cứu Điện Biên, trong đó, em có nói kỹ về Thầy, trong cái đêm thầy phải đưa ra quyết định mà thầy nói rõ là, “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.

Còn đây là ảnh bức tượng Mùa xuân vĩnh viễn của Ôguýtsơrôđanh – nhà điêu khắc Pháp, nổi tiếng thế giới, theo trường phái La Mã – tất cả các nhân vật tượng đều khỏa thân. Trong tập này có một bài em viết về nhà điêu khắc trẻ Việt Nam, cũng nổi tiếng thế giới – Trần Long Bửu, người đã tạc lại Mùa xuân vĩnh viễn giống như bức tượng gốc.

Còn đây là cuốn Luật đời, tiểu thuyết, nên em tặng cô. Bà bảo thế thì được. Rồi đi guốc vào bụng tôi, Bà bảo, hôm nay anh Văn tiếp khách nhiều nên hơi mệt, anh thông cảm nhé. Biết làm thế nào. Đành bằng lòng vậy, cầm lòng vậy. “- Thế này nhé,… anh có mang theo cuốn nào không?” Tình huống này đã được dự liệu trước, nên tôi đưa cuốn sách ra. “- Anh Văn sẽ tặng anh một chữ ký nhé”.

Bà quay vào phòng trong, chỉ một thoáng rồi trao cuốn sách. Tôi đưa cả hai tay đón lấy, cảm ơn Bà, và nhờ Bà chuyển lời cho em cảm ơn Thầy. Tôi mở ra. Một chữ ký tươi, dưới ghi: Tháng 4-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bất cứ người lính nào ngoài mặt trận, từ anh binh nhì đến vị đại tướng, hẳn phải có một hậu phương vững chắc mới yên lòng mà đánh giặc được. Không bình tâm, không đánh thắng được. Ông lại đánh giặc bằng bộ óc chiến lược của mình thì hậu phương phải có ý nghĩa biết chừng nào.

Tôi muốn nhân dịp này hỏi chuyện Bà với tư cách phu nhân Đại tướng. Bà khước từ bảo, anh có viết gì thì viết về anh Văn thôi. Thế nên không ai biết vai trò của hậu phương Đặng Bích Hà như thế nào đối với vị Đại tướng Tổng tư lệnh ngoài mặt trận. Chỉ biết rằng “tác phẩm” của ông bà, người con trai được đặt tên là Võ Điện Biên, phần nào cũng nói lên hạnh phúc gia đình hòa quyện thế nào với niềm vui chiến thắng của vị Tư lệnh chiến dịch.

Trực họa của Cù Huy Hà Vũ
Trực họa của Cù Huy Hà Vũ.


2.
Có một người được giới xem tử vi tôn là thầy giảng giải cho mấy người nghe về khả năng xem tử vi của mình. Anh nói, đọc thơ của một người có thể đoán được tính cách, số phận của người ấy. Cũng như nhiều trường hợp khác, tôi thường im lặng nghe. Không bình phẩm gì. Nghe đến đấy, tôi mới nhờ anh đoán hộ xem, tác giả bài thơ này là người thế nào. Bài thơ chỉ có hai từ thôi, đầu bài một từ, thân bài một từ. Hơn nửa thế kỷ này, cả nước biết tác giả này rồi nên thế nào anh cũng biết. Anh ta lắc đầu, thế thì chịu.

Lúc ấy đang có tin đồn về sức khỏe một người mà cả hành tinh đều biết. Tôi nói ngày tháng năm sinh của người ấy, hỏi bây giờ người ấy có khỏe không? Chịu! Lại hỏi, hai đứa trẻ sinh đôi, sao tính cách, cuộc đời lại rất khác nhau. Lại chịu. Có trường hợp, hai đứa trẻ sinh đôi nhưng khác năm, khác tuổi, một đứa sinh trước, một đứa sinh sau giao thừa, thì đoán thế nào. Lại chịu nốt. Rằng những trường hợp ấy tử vi chưa giải quyết được.

Lại hỏi, thế, trước khi bắt đầu một việc lớn, quan trọng, người ta có xem ngày không? – Có chứ, cưới xin, làm nhà, động thổ một công trình đều phải xem kỹ ngày giờ. – Thế sao cầu dẫn cầu Cần Thơ vẫn sập? – Tại….. Thế một trận đấu, một trận đánh lớn, một chiến dịch… có phải bấm ngày giờ không? – Có chứ. – Thế sao ngày giờ nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ đã ấn định, mà như anh nói là cũng có thầy tử vi bấm rồi sao lại phải hoãn lại?

Tôi đã hỏi như thế với nhiều thầy và các thầy đều chịu như thế, hoặc họ cố gắng giải thích, nhưng càng giải thích càng mù mờ, càng biến sự thực hiển nhiên ai cũng biết sự thành bại, được mất là do con người quyết định thành ông trời quyết định. “Ngày xưa”, chính cụ Nguyễn Du đã từng cho rằng: Cho hay nhân định thắng thiên cũng nhiều. Sự thật, chân lí thì chỉ có một. Mà đã là sự thật, là chân lí thì đơn giản, dễ hiểu vô cùng.

"Bất cứ người lính nào ngoài mặt trận, từ anh binh nhì đến vị đại tướng, hẳn phải có một hậu phương vững chắc mới yên lòng mà đánh giặc được. Không bình tâm, không đánh thắng được. Ông lại đánh giặc bằng bộ óc chiến lược của mình thì hậu phương phải có ý nghĩa biết chừng nào. Tôi muốn nhân dịp này hỏi chuyện Bà với tư cách phu nhân Đại tướng. Bà khước từ bảo, anh có viết gì thì viết về anh Văn thôi."

Ngày giờ nổ súng đánh Điện Biên Phủ đã được xác định là 25-1. Nhưng vì sao Đại tướng lại quyết định lùi lại một tháng rưỡi sau, mãi đến ngày 13-3-1954. Lý do, chẳng lẽ lại là vì ngày 25-1 xấu à? Còn ngày 13-3 là tốt à? Trong khi đó Lịch vạn niên (1910 – 2030) thì cả hai ngày ấy theo âm lịch đều là ngày lẻ: 21 tháng 12 và mùng 9 tháng 2, tháng thiếu chỉ có 28 ngày.

Không muốn mất thì giờ vào chuyện không đâu ấy. Nếu theo Đại tướng, ngược thời gian từ chiến dịch Điện Biên Phủ về trước thì có tới ba chiến dịch ta không thắng địch là: Trần Hưng Đạo ở Trung du (mở màn ngày 26-12-1950). Kết thúc không thuận lợi: Hoàng Hoa Thám (ở Đông Bắc (23-3-1951), kết thúc để lại cho tôi một ấn tượng nặng nề, Quang Trung (vùng Hà Nam Ninh (27-5-1951), tiêu hao giữa ta và địch là 1/1. Và một chiến dịch ông cho là thất bại là Lý Thường Kiệt (ở Tây Bắc, 25-9-1951). Còn một trận nữa ta cũng phải rút ra không đánh nữa là Nà Sản.

Ông đã chỉ ra chính xác nguyên nhân của những không thành công và thất bại ở thời kỳ cầm cự ấy. Nếu không chỉ ra được nguyên nhân thất bại thì làm sao có chiến thắng trong chiến dịch Hòa Bình C không kể chiến thắng trong chiến dịch Biên giới trước đó, và kết thúc là chiến dịch Điện Biên.

Không thắng hay bại là mình chưa đủ mạnh, mình chọn cách đánh dở… Thế thôi. Với ông, “thời gian là lực lượng”. Thậm chí, “thời gian là sức mạnh”. Suốt mấy tháng liền cho đến ngày 30-4-1975, thời gian được tính chi li, được tiết kiệm, được Đại tướng tận dụng triệt để, cộng với sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền Nam Bắc và sự giúp đỡ của bè bạn mới làm nên toàn thắng. Có lần ra lệnh cho cấp dưới, ông còn nói “chậm trễ bây giờ là có tội”.

Tôi có hỏi GS Sử học Đặng Bích Hà, không biết Thầy có xem ngày giờ nổ súng cho chiến dịch Điện Biên Phủ không ạ? Bà trả lời ngay, “Anh Văn không bao giờ mê tín như thế. Thấy hội đủ điều kiện thì cho đánh thôi”. Điều đó thì tôi hiểu. Tôi hỏi chỉ là để một lần nữa khẳng định niềm tin của mình, vào sự thật khách quan, vào sự tính toán khoa học của những người biết làm việc một cách khoa học, nên bao giờ cũng thành công.

Nếu thất bại, chỉ là vì trong tính toán của mình có một phép tính sai, hoặc chỉ vì một sự ngẫu nhiên nào đó mà lẽ ra, ngay cả sự ngẫu nhiên ấy, cũng phải tính đến. Cứ bảo người tính không bằng Trời tính. Thật ra, Trời ở đây chính là những yếu tố ngẫu nhiên, ngoài sự tính toán của mình, như thời tiết chẳng hạn. Nhưng ngay cả yếu tố thời tiết cũng nằm trong tính toán của người cầm quân.

Đọc ông, thấy nhiều lần ông nhắc đến việc phải giải quyết xong trước mùa mưa. Không phải ngẫu nhiên cả hai cuộc kháng chiến đều kết thúc bằng hai chiến dịch lớn trước mùa mưa. Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5, chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 4. Đến ngay cả sự biến đổi khí hậu bây giờ, con người vẫn cố gắng dự báo, thích nghi để hạn chế tác hại của nó đến đời sống của mình cơ mà.

Còn nữa

MỚI - NÓNG