Đêm sinh tử với người xóm Ngư

Đêm sinh tử với người xóm Ngư
Chúng tôi đã ở và vật lộn cùng hậu quả cơn bão với người dân và ghi lại những gì mắt thấy tai nghe cùng người dân xóm Ngư này từ lúc “chạy bão” đến khi trời yên bể lặng trong tâm trạng rối bời…
Đêm sinh tử với người xóm Ngư ảnh 1
Nét mặt đau khổ trước đống hoang tàn của một người dân

Cơn bão số 7 đã đi qua. Xã Ngư Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) là nơi bị mắt bão tàn phá nặng nề nhất.

Bão qua, nỗi đau ở lại

19 h ngày 27/9.

Đêm sinh tử với người xóm Ngư ảnh 2
Người dân Hậu Lộc vẫn sợ hãi vì đê vỡ, mặc dù cơn bão đã đi qua.

Khi những đợt gió cuối cùng của cơn bão đi qua cũng là lúc trời bắt đầu tối. Cả khu vực rộng lớn thuộc 5 xã ven biển của Hậu Lộc - nơi tâm bão tàn phá - tối tăm vì điện chiếu sáng đã bị mất hoàn toàn từ ngày hôm trước. Những ánh đèn pin loe lóe của các chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ hay của các bạn thanh niên tình nguyện (TNTN) là ngọn sáng duy nhất còn có giữa nơi hoang tàn này.

Tiếng trẻ con khóc ré lên, lúc sau chỉ nghe tiếng nấc nghẹn ngào trong cổ họng. Chúng đang đòi về nhà -  nơi đấy bây giờ vẫn đang là biển nước.

Tận trong cùng của trụ sở UBND xã Minh Lộc, có tiếng một bà cụ khóc ằng ặc, giọng đã nghẹn lại. Trong đời bà đã trải qua 2 cơn bão lớn, gần đây nhất là cơn bão số 6 năm 1996 đã cướp đi mấy trăm ngư dân của xã, trong đó có người thân của bà.

Trận bão này không để lại hậu quả như thế nhưng đối với bà, nó lại thấm đẫm nước mắt. Chiếc tàu trị giá gần 50 triệu đồng mà cả gia đình bà hơn 10 người đang lúc sung sức chắt chiu mua được đã bị sóng đánh tan. Bà hiểu rằng, rồi đây cuộc sống của hơn chục con người trong gia đình sẽ khó khăn biết nhường nào. Đứa cháu nội mới học lớp 5 tên Hoàng Thị Lan chạy lại lau nước mắt cho bà mà hai má Lan cứ ròng ròng…

Chàng trai trẻ Nguyễn Quốc Thành đã ba ngày nay chưa về nhà, túc trực ở đây để dìu dắt, giúp đỡ bà con di dân; hướng dẫn bà con chỗ ở.

Gần ba tiếng đồng hồ tôi ngồi ở đây hỏi han chuyện của những ngư dân “chạy bão” nhưng chưa một lần nào thấy Thành cười. Động tác cứ thoăn thoắt, vòng tay cứ ấm áp đỡ lấy các bà, các mẹ, các em thiếu nhi nhưng mắt Thành như đỏ hoe.

Năm 1996, cơn bão số 6 tràn vào, Thành chưa đầy 10 tuổi. Lúc đó, Thành cũng ngây thơ, hồn nhiên như các em nhỏ đang được chính bàn tay Thành dìu vào các phòng ban để tránh bão, chứ đã mường tượng được cơn bão quái ác kia thế nào đâu. Tuổi thơ với những kỷ niệm đau thương như thế có lẽ được gọi là “tuổi thơ dữ dội” rồi nhỉ? - Thành nói với tôi khi vừa bế đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi từ cổng vào, khuôn mặt vẫn tái nhợt vì ngấm lạnh.

Đêm sinh tử với người xóm Ngư ảnh 3
Lúc này, lưới dùng để vớt rác

Tôi hiểu, đằng sau hai chữ “dữ dội” mà Thành cố nói một cách hài hước kia là cả sự mất mát, đau thương mà hàng ngàn, hàng vạn ngư dân ở đây đã và đang gánh chịu…

19 h30 phút. Những người dân nóng lòng đã dắt díu nhau trở về nhà mặc cho sự can thiệp của lực lượng bảo vệ. Với họ, căn nhà cùng tất cả đồ đạc cả đời dành dụm mới có được mới là điều quan tâm hơn cả. Từng tốp, từng tốp hối hả như khi chạy bão lại liêu xiêu ngắm hướng biển… Tôi hòa mình cùng dòng người đầu tiên trở về Ngư Lộc. Từ trụ sở xã Minh Lộc – nơi hàng nghìn người dân các xã lân cận tránh bão -  ra trung tâm xã Ngư Lộc dài khoảng hai cây số. Dòng người hớt hải, ngơ ngác trở về...

Tôi chạy theo người đàn bà đang khóc rống lên trong tốp đi đầu tiên. Vừa khóc chị vừa kêu tên người chồng. Nhà chị ở thôn Bắc Thọ, ngay chân đê, đối diện với biển khơi. Mãi sau này tôi mới biết được chị là Bùi Thị Thơ.

Căn nhà vốn đã sùm sụp của chị giờ đây thành đống đổ nát. Chị ngửa mặt kêu trời. Hai đứa con nhỏ thấy mẹ khóc, ôm ghì lấy tấm thân ướt nhoèn của mẹ rồi bắt đầu tức tưởi. Thấy tôi thắc mắc vì không thấy người chồng đâu, người đàn ông đứng bên cạnh, tự giới thiệu là hàng xóm, thì thào vào tai tôi. Thì ra chồng chị Thơ đã bị chết trong trận bão năm 1996 cùng với mấy trăm người khác cùng xã. Từ đó, chị lụi cụi làm thuê cho các chủ tàu trong và ngoài xã, nuôi mấy đứa con ăn học.

Trận bão trước, chị mất chồng. Trận bão này, chị mất nhà. Chẳng biết rồi chị sẽ lấy gì để nuôi mấy đứa nhỏ trong những ngày tới.

Đêm sinh, tử ở xóm Ngư

Trước mắt tôi là một cảnh tượng tang thương, tiếng khóc cứ mỗi lúc một to.

Nhà bà Thân có chuyện chi rứa? - Ai đó hỏi vọng từ xa. Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng khóc. Bà Thân đã chết. Hơn bảy mươi tuổi sống khổ nay chết cũng khổ. Người hàng xóm chậc lưỡi.

Hôm qua, khi sóng biển đã cao ở mức trên 4 m, đê đã vỡ, lệnh sơ tán gấp gáp phát đi. Hàng nghìn người dân còn lại của Ngư Lộc dáo dác chạy. Người lớn bế trẻ con; người khỏe dìu người yếu… chạy, và chạy… Chỉ có bà Thân già yếu, ngất xỉu không ai nhận ra trong cơn hỗn loạn.

Tôi thắp nén hương đã ẩm ướt vì mưa gió cho bà. Người ta làm cáo phó: Bà mất lúc 20 h ngày 27/9; 12 h 28/9 đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng… Đúng giờ ghi trong cáo phó, tôi quay trở lại nhà bà. Đám tang thưa thớt, chưa đầy năm chục người. Chiếc quan tài đóng vội, hình như có cả tấm ván ẩm ẩm vì sóng nước mấy ngày qua!

Đám tang không gây chú ý nhiều đối với người dân nơi đây. Trong thâm tâm của những người dân xóm Ngư này, chết là hết. Người ta chỉ đến thắp nén nhang và dành vài phút sớt chia niềm đau với chủ nhà rồi ai nấy lại lo trở về hàn gắn những thiệt hại do cơn bão gây ra đang hiện hữu trước mắt họ. Lúc này, những đứa trẻ thơ, những bàn tay lao động “ra cá, ra tôm” mới chiếm sự quan tâm hàng đầu của dân làng. Tôi nghĩ, chẳng ai có thể trách họ trong hoàn cảnh này cả.

Khi chúng tôi đang ngồi với ông Nguyễn Trọng Dưỡng - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc ngay tại căn phòng riêng vẫn đang ngập, chị Hà - cán bộ Hội phụ nữ xã lội nước đến báo cáo: Có hai trường hợp sinh con trong lúc chạy bão!

Tôi tức tốc lên xe theo chị Hà…Liếc nhìn đồng hồ. 24 h ngày 27/9. Kia rồi! Hai mẹ con đang nằm trên chiếc giường ướt sũng. Một cháu trai kháu khỉnh. Nhưng da đã tím tái, nhiều chỗ sưng tấy. Chị Hà nói với tôi: “Cháu bị lạnh quá đấy mà!” “Thế sao không đưa hai mẹ con vào trú ở nhà dân các xã bên trong?” – “Mẹ cháu muốn về, vì không biết căn nhà của mình ra sao…”.

Nằm dưỡng sức một lúc, người mẹ Nguyễn Thị Thụy bế đứa con ấp vào lòng cho đỡ lạnh rồi nước mắt lưng tròng kể: “Lúc đó khoảng 10 h (ngày 27/9). Sau khi nghe lệnh sơ tán khẩn cấp, cả gia đình tôi cùng dân làng thi nhau chạy bão. Chạy được một đoạn, tôi thấy đau bụng dữ dội. Gọi chồng tôi vừa đến thì đứa bé chào đời. Rất may lúc đó nhiều người có kinh nghiệm đã giúp tôi cắt rốn, lấy quần áo khô mặc cho cháu, rồi đưa lên trạm xá xã bên. Tôi cảm ơn mọi người nhiều nhiều lắm…”.

Mấy người đi cùng tôi đến thăm mẹ con chị Thụy “hiến kế”: Đặt tên cháu là Bảy nhé! Bảy là ghi nhớ cơn bão số 7 này đấy! Chị Thụy và mọi người cười vang, ra vẻ đồng ý. Mấy ngày rồi tôi mới được chứng kiến những người trong xóm Ngư này cười mãn nguyện đến thế.

Còn một trường hợp khác cũng sinh con trong bão là người thôn Thành Lập cùng xã. Ca sinh này hiện vẫn đang nằm trên bệnh viện huyện. Nghe đâu cũng là một bé trai. Một cán bộ xã nói với tôi: Thế là trong giông bão, Ngư Lộc thêm hai ngư dân lực lưỡng trong tương lai; bổ sung vào con số hơn 17.000 nhân khẩu chen chúc trên diện tích chưa đầy nửa ki lô mét vuông. Vị cán bộ này quả quyết với tôi: Ngư Lộc phải được ghi vào sách ghi-nét của thế giới về mật độ dân số!

Đêm sinh tử với người xóm Ngư ảnh 4
Như thế này rất dễ bùng phát dịch bệnh.

Tại trụ sở xã Ngư Lộc, ông Nguyễn Trọng Dưỡng - Chủ tịch UBND xã - đọc cho tôi chép: đê biển kiên cố bị tràn, vỡ dài 40m; tuyến đê địa phương dài 300m hỏng hoàn toàn; gần 100 ngôi nhà bị tốc mái và sập; cả xã ngập sâu từ 2 m nước trở lên… Thiệt hại chưa thể tính nổi.

Cái khó bây giờ là giải quyết cái ăn, nước uống, chỗ ở và phòng chống dịch bệnh có thể bùng phát cho 3.000 hộ dân trong xã.

Tính đến hết ngày 28/9, các nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ giúp Ngư Lộc hơn 3.000 gói mỳ tôm; vài nghìn chai nước khoáng; hàng chục triệu đồng… UBND xã cũng đang tập trung chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh môi trường, tránh nguy cơ bùng phát ổ dịch lớn (trong ngày, toàn xã đã có hơn chục người phải điều trị tại trạm xá với các chứng bệnh tiêu chảy, cảm sốt…).

Để khắc phục hậu quả của cơn bão quái ác này, người dân Ngư Lộc rất cần sự sẻ chia, quan tâm của những tấm lòng. 

MỚI - NÓNG