Đi buôn ngựa bạch

Đi buôn ngựa bạch
TP- Vừa có thịt để ăn nhậu, có giò, có cao mang về và lại được đi chơi cùng nhau hai ngày nghỉ cuối tuần - Đó là lý do nhiều người quyết định góp tiền mua một chú ngựa bạch để trực tiếp làm thịt, nấu cao...

Với người nông dân, khi xe công nông bị cấm, ngựa thồ là giải pháp để tận dụng sức kéo, vận chuyển nông phẩm. Những lý do đó đã làm cho “lái ngựa” trở thành triệu phú!

Đi buôn ngựa bạch ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Quang khoe ngựa bạch

Chính Ngọ đi tìm… ngựa!

“Toàn thân có màu trắng, mắt hồng và trong như viên bi ve, nếu đang đi ngoài đường vào chính Ngọ (12 giờ) nó sẽ khựng lại một lúc…”. Những thông tin ít ỏi mà tôi có được về ngựa bạch do một người bạn cung cấp đã buộc tôi phải lên đường từ sáng sớm, hy vọng sẽ tìm thấy một chú ngựa bạch thuần chất vào lúc giữa trưa. 

Ở đất Bắc Giang, người đi buôn ngựa phần lớn tập trung ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên. Tôi tìm đến một trong những người có thâm niên theo ngựa nhiều năm nhất đó là ông Nguyễn Văn Quang, thường gọi là Quang ngựa ở thôn An Lập - xã Ngọc Lý.

Từ khi còn là thanh niên, Quang đã gắn bó với ngựa. Lúc đầu là ngựa thồ chuyên chở hàng cho bất cứ ai có nhu cầu, sau đó chuyển sang buôn ngựa và gần hai chục năm nay cũng vẫn là buôn đủ các loại ngựa…

Ngồi với ông cả buổi sáng tôi mới vỡ ra rằng, những gì tôi biết về con ngựa thật quá ít ỏi. Có tới sáu bảy loại ngựa khác nhau và mỗi loại lại có những giống ngựa với những đặc điểm khác biệt nữa. Ngựa bạch cũng vậy, có 3 loại bạch hồng, bạch kim và bạch nhạn.

Tuy nhiên, điểm cốt yếu để phân biệt giữa ngựa bạch và ngựa thường đó là đôi mắt và móng ngựa. Đôi mắt ngựa bạch chính hiệu trông như hòn bi ve, móng ngựa bạch cũng phủ một màu trắng và toàn thân không có một chấm đen.

Đi buôn ngựa bạch ảnh 2
Thịt ngựa bạch

Ngựa bạch- cung không đủ cầu?

Trước khi tìm đến ông Quang ngựa, anh họ tôi khuyên rằng đừng nên mua ngựa bạch mà hãy tìm mua ngựa thường mà thịt vì “giá rất rẻ mà cùng là loài ngựa cả, giống nhau mà thôi!”

Tôi thấy ngạc nhiên vì lý luận của anh “ngựa bạch là ngựa cảnh, ít phải leo đồi, thồ hàng xương cốt chắc không thể bằng ngựa thồ được. Cùng là loài ngựa, bạch hay thường có khác nhau gì đâu!”.

Mang ý kiến này của anh tôi nói với ông Quang, ông Quang chỉ cười nhẹ rồi thủng thẳng hỏi lại: “Thế chú mày có thấy người ta ngâm rượu rắn nước bao giờ chưa? Rắn nước và rắn hổ mang cùng là loài rắn có khác nhau gì không?”.

Quả thực, có ai lại ngâm rượu rắn nước bao giờ. Cùng loài nhưng mỗi loại động vật lại có những đặc điểm riêng, không thể đánh đồng tất cả.

Sức hút từ những thông tin lan truyền về giá trị của cao ngựa bạch đã làm cho giá ngựa tăng vọt. Nếu như đầu năm 2006, giá một chú ngựa bạch nặng khoảng 100kg chỉ 8-10 triệu đồng thì đến nay đã tăng gấp 3-4 lần.

Không chỉ nhiều gia đình góp tiền mua ngựa bạch về thịt nấu cao mà có nhiều cơ quan cũng cho anh em chén thịt ngựa bạch vào dịp sơ kết, tổng kết… Thịt lợn, thịt gà mãi rồi cũng chán, thế nên khi được chén thịt ngựa nhiều người hào hứng và còn hào hứng hơn nữa khi có giò, có cao ngựa bạch mang về.

Khoảng chục năm trước, ông Quang và cánh buôn ngựa ở Bắc Giang vẫn thường phải ngược lên miền Tây Bắc để mang ngựa về. Bây giờ, nguồn ngựa từ vùng này đã cạn, nhiều khi ông Quang đem ngựa…bán ngược! Nguồn mà ông Quang khai thác bây giờ là ngựa được chuyển sang từ Tây Tạng- Trung Quốc.

Đến phiên chợ vùng biên ở Lạng Sơn, Cao Bằng hay Hà Khẩu- Lào Cai, dân buôn ngựa lại tề tựu đông đủ trước một ngày. Ông Quang cho biết, thời điểm sốt ngựa bạch, dân buôn tranh nhau mua từ chiều hôm trước. Lên vào đúng ngày phiên chợ dễ phải về tay không!

Triệu phú buôn ngựa

Không chỉ là sới của ngựa bạch, ở Ngọc Lý vẫn còn có nhiều tay buôn ngựa thường, dùng làm sức kéo cho nhà nông hoặc để giết thịt nấu cao. Chính vì vậy nên ngày ngày đất Ngọc Lý luôn sôi động kẻ vào người ra; ngựa đến, ngựa đi đủ loại, tiếng hí vang trời.

Nếu như người ta săn lùng ngựa bạch vì những thông tin hấp dẫn từ cao ngựa bạch thì việc cấm công nông là lý do chính để người dân mua ngựa kéo xe!  Nhiều người săn ngựa, nghĩa là những lái buôn ở Ngọc Lý kiếm được bạc triệu không quá khó khăn.

Những lái ngựa như ông Quang, Cường, Vĩnh… nhà cửa đều khang trang, tiện nghi đầy đủ, điện thoại di động luôn có 2 máy đút túi, giắt lưng. Riêng ông Quang có hai cô con gái khá xinh xắn đã từng ra Hà Nội bán hàng nay được bố gọi về phụ việc làm ăn.

Chiều chiều hai cô dắt cả đàn ngựa của nhà ra cánh đồng cho chúng đỡ cuồng cẳng rồi lại đưa về chuồng. Khi nào có khách cần xem hàng, hai cô lại giúp bố dắt ngựa ra sân cho họ ngắm nghía thỏa thuê.

Tuy nghề lái ngựa đã làm cho hàng chục hộ trong xã phất lên trông thấy nhưng để kiếm tiền từ nghề buôn ngựa cũng không dễ dàng. Mua được vài chú ngựa của đồng bào dân tộc khu vực Tây Bắc về để thuần phục cũng không đơn giản.

Ông Quang đã từng bị ngựa đá gãy mấy răng cửa từ ngày còn mười chín đôi mươi. Chuyện thua lỗ, khổ sở trên đường đi vì ngựa ốm, ngựa chết thì lái nào cũng đã gặp. Người buôn ngựa bạch phải tinh tường để không bị mua nhầm, kẻ buôn ngựa kéo cũng phải thông hiểu khoang khoáy mới mua được ngựa tốt ngựa khỏe.

Người mua ngựa bạch, ngựa kéo nếu am hiểm thường chọn mua ngựa có khoáy đóng đều, khép kín, không loạn khoáy; kiêng mua những chú ngựa có khoáy “xuyên tông”, “lầu tẩy” vì cho rằng nó sẽ đem lại điều không may mắn, của nả đi sạch cửa nhà. 

Ở Ngọc Lý có người buôn tổng hợp các loại ngựa nhưng cũng có sự phân công, “chuyên môn hóa” rất rõ, ví như chỉ cần nghe tên “Cường Bạch” người dân ở đây đều biết đó là anh Cường chuyên buôn ngựa bạch, “Văn Cày” là anh Văn chuyên buôn ngựa bán cho nông dân cày kéo…

MỚI - NÓNG