Đi tàu một ray ở Trùng Khánh

Đi tàu một ray ở Trùng Khánh
TPO - Chỉ với 2 đến 5 tệ (khoảng 5 đến 14 ngàn đồng) bạn có thể lên tàu một ray (Mono-rail) đi đến nhiều nơi ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) thăm quan du lịch và mua sắm.

Chúng tôi lên tàu ở một ga ngầm gần Quảng trường Times Square – một nơi nổi tiếng ở Trùng Khánh bởi đây cũng là khu phố đi bộ lớn nhất trung tâm thành phố. Mỗi năm, hơn chục triệu khách du lịch, chưa kể hàng triệu lượt người dân Trùng Khánh đổ về đây mua sắm, chiêm ngưỡng những tòa nhà chọc trời như tháp Daiking cao 56 tầng hay thưởng thức những món ẩm thực nổi tiếng trong những nhà hàng độc đáo bên bờ sông Dương Tử.

Nếu không được giới thiệu, người ta rất dễ nhầm ga Mono-rail với ga tàu điện ngầm ở Châu Âu do lối thiết kế rất hiện đại. Đầu giờ sáng và mặc dù lượng khách đông, nhưng chúng tôi xếp hàng mua vé, lên tàu rất dễ dàng. Không thấy nét mặt căng thẳng do phải chờ đợi quá lâu hay cảnh chen lấn lên xe buýt hàng ngày ở ta. “các chuyến tàu liên tục khởi hành, thời gian rất chuẩn xác. Vì vậy, không ai lo bị nhỡ tàu, nếu bị lỡ có thể lên chuyến khác mà không cần đổi vé”- Chị Hồng Vân, người hướng dẫn chúng tôi đến từ Cty CISDI (Một Cty thiết kế xây dựng công trình và luyện kim Trùng Khánh), cho biết.

Sau ít phút chạy ngầm dưới các tuyến phố, tàu dừng lại ở một ga để đón thêm khách và tiếp tục hành trình đến các khu vực quan trọng của thành phố. Tuyến chúng tôi đi là tuyến đường đầu tiên được xây dựng ở Trùng Khánh, sau đoạn đi ngầm ở trung tâm, nó chạy nổi dọc theo các phố lớn, men theo bờ sông Dương Tử rồi lại hướng về các khu đô thị vành đai với những tòa nhà chung cư mới cao vút.

Hai bên phía dưới mono-rail là giao thông huyết mạch, các khu chung cư, khu mua sắm đông đúc. Nhưng đoàn tàu không cản trở các phương tiện khác bởi nó chạy chủ yếu ở trên cao, nằm giữa các trục đường không giao cắt đồng mức với bất cứ trục đường nào.

Từ trên tàu, thành phố Trùng Khánh hiện ra sát hai bờ sông Dương Tử (Yangzi) và Gia Lâm (Jialingjiang), bao quanh là núi, đồi chập trùng. Nhà chọc trời nằm lẫn trên các sườn núi trong sương buổi sớm, men đến bờ sông tạo ra một bức tranh sinh động giữa mảng kiến trúc đô thị với thiên nhiên xanh. Ở bên này sông Dương Tử nhìn về phía bên kia, những con tàu một ray chạy đi chạy lại như con rắn lớn trườn trên sườn núi.

Đi tàu một ray ở Trùng Khánh ảnh 1

Người dân Trùng Khánh đi tàu một ray. Ảnh : Nguyễn Tuấn

Điều dễ cảm nhận đối với người đi tàu đó là sự an toàn, dễ chịu, tiếng ồn không đáng kể và nhất là không có khói bụi vì tàu chạy bằng bánh hơi, sử dụng năng lượng điện. Suốt hành trình, du khách được tha hồ ngắm Trùng Khánh từ trên cao với nhiều góc độ, sắc màu khác nhau. Gần 20 km hành trình, con tàu chỉ dừng lại đón trả khách nửa phút mỗi ga và không thấy nhân viên nào đến soát vé. Chị Vân cho biết, khách đi tàu dùng thẻ từ, chỉ phải kiểm tra tự động một lần trước khi lên tàu và trả lại thẻ khi xuống ga để ra ngoài (loại thẻ này sẽ được sử dụng nhiều lần).

Dương Hồng Quyên, một “teen” đồng hành chuyến tàu hôm đó với tôi nói, nhiều bạn trẻ như em cũng như người dân Trùng Khánh chọn tàu một ray vì nó an toàn, thuận tiện và giá rẻ hơn mọi phương tiện khác ở đây. Không ít gia đình cũng chọn tàu một ray để đi thăm thành phố trong những ngày nghỉ.

Triển vọng

Công trình sư Vũ Thiên – Phó giám đốc Cty nghiên cứu thiết kế giao thông một ray Trùng Khánh (Chong Qing Rail transit design Institute Research Co.ltd) cho biết, với nguồn vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD/km, sau 6 năm xây dựng, năm 2005 tuyến đường đầu tiên được đưa vào sử dụng. “Ưu điểm của đường một ray là chi phí rất thấp, thi công nhanh vì chủ yếu chạy ở trên cao, ít phải giải phóng mặt bằng. Tuyến đầu thời gian thực hiện dự án kéo dài do phải thi công qua những địa hình đồi núi hiểm trở, bây giờ đã rút xuống còn khoảng 2-3 năm có thể thi công xong một tuyến”.

Mono-rail ở Trùng Khánh là loại tàu cỡ lớn, gồm 4 toa sức chứa thiết kế hơn 700 người - tức gần bằng một đoàn tàu khách (đường sắt). Nhưng với công suất khoảng 100 ngàn lựơt người/ngày, loại phương tiện quen thuộc của người dân ở thành phố này từ hơn 5 năm qua bắt đầu đến giai đoạn cần mở tuyến mới. Chính chính quyền thành phố đã sớm nhận thấy điều đó.

Hiện nay, Mono-rail vẫn đang được tiếp tục xây dựng ở Trùng Khánh, đó là tuyến nối từ trung tâm thành phố tới sân bay Giang Bắc, dài 40km. Theo qui hoạch đến 2020 dân số nội đô Trùng Khánh tăng lên khoảng 20 triệu người, thì hệ thống này sẽ còn phát triển tuyến vành đai, kết hợp với các loại hình giao thông khác thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

“Trùng Khánh là đô thị mật độ rất cao, loại tàu một ray rất phù hợp, có lẽ ít phương tiện nào có ưu thế vượt trội hơn. Một số đô thị ở nước ta hoàn toàn có thể phát triển loại hình này bởi nó đi trên một tuyến riêng, các phương tiện khác vẫn đi ở dưới cho nên không sợ ách tắc. Đối với Hà Nội và TPHCM, tàu một ray có ưu điểm hơn xe buýt, tất nhiên nó không thay hoàn toàn xe buýt vì xe buýt vào được cả chỗ ngóc ngách, nhưng nó sẽ giải quyết được những vấn đề lớn, nổi cộm đối với giao thông đô thị ở thành phố”-Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN nhận xét.

Trùng Khánh là một trong những thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc có số dân lớn nhất - gần 32 triệu người, rộng 82 ngàn km2 ( nội đô có khoảng 10 triệu dân). Là cảng nội địa lớn nhất miền tây Trung Quốc, nó được nối với miền đông qua con sông Dương Tử. Khí hậu Trùng Khánh có tính chất cận nhiệt đới, ẩm ướt và là một trong những vùng nóng nhất Trung Quốc về mùa hạ. Đây là trung tâm chính của sản xuất sắt thép, xe gắn máy và đóng tàu.

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.