Đi tìm pho sử thi dài nhất thế giới

Đi tìm pho sử thi dài nhất thế giới
Nhắc đến Hy Lạp, thế giới nhớ ngay đến Iliat- Ôđixê . Nhắc Ấn Độ , thế giới không quên Mahabharata và Ramayana . Còn Việt Nam ?
Đi tìm pho sử thi dài nhất thế giới ảnh 1
Ông Điểu Kâu đang làm việc với  tiến sĩ Đỗ Hồng Kỳ

Lịch sử  4000 năm văn hiến đã xuất hiện những sử  thi đặc sắc của các dân tộc thiểu số như “ Đẻ đất đẻ nước” của người Mường , “Đam San” của người Ê Đê và công bố mới đây của Viện Nghiên Cứu Văn hoá thực sự  thu hút sự chú ý của dư luận: đã phát hiện ra 3 bộ sử thi phổ hệ liên hoàn, mỗi bộ bao chứa hàng trăm tác phẩm của người M’Nông, Bơhnar, Xê Đăng. Trong đó riêng bộ Ot Ndrong xâu chuỗi trên 150 sử thi đã hé lộ một kho tàng nghệ thuật dân gian cổ sơ mà giàu có đến kinh ngạc.

Những người phát hiện Ot Ndrong

Từ tháng 1/2001 đến nay, dự án gọi tên đầy đủ là “ Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” đã được Chính phủ phê duyệt, cấp kinh phí gần 17 tỷ đồng để triển khai. Tuy nhiên, trong quá khứ, thể loại Noo proo - Anh hùng ca của  người M’Nông từng được GS Georges Condominas nhắc đến trong một cuốn sách từ năm 1949, và luận án phó tiến sĩ của cố Phó GS Võ Quang Nhơn năm 1981 cũng đã đề cập- tuy mơ hồ đến cái mà ông biết chắc là có nhưng chưa được tiếp xúc - là sử thi Tây Nguyên . Năm 1988, một đoàn sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian lên Tây Nguyên, lặn lội mòn dép qua nhiều buôn làng vùng sâu,  “ba cùng” với đồng bào trong điều kiện hết sức khó khăn lúc bấy giờ để tìm kiếm sử thi. Đoàn gồm Phó GS - TS Ngô Đức Thịnh, TS Đỗ Hồng Kỳ, cố Thạc sĩ Tô Đông Hải (Viện Nghiên cứu Văn hoá Dân gian), GS - TS Nguyễn Tất Đắc (Viện Khoa học Xã hội tại TP HCM), các thạc sĩ Trần Tấn Vịnh, Khương Học Hải, Trương Bi và một số cán bộ của Sở VHTT Đăk Lăk tiến hành khảo sát ở bon (Bon: đơn vị dân cư như buôn, làng, gọi theo tiếng M’Nông). Bu Dop xã Đăk Môn huyện Đăk Mil.

Tại đây, cụ N’dong cho đoàn biết người M’Nông có hình thức hát kể về việc khai thiên lập địa, về các trận đánh nhau, về các cuộc thư hùng tranh giành phụ nữ. Bằng sự nhạy bén của một chuyên gia folklore, TS Đỗ Hồng Kỳ nhận định đây rất có thể là sử thi M’Nông. Cụ N’dong say mê “ót” đến tàn canh cho đoàn ghi âm rồi thật thà: Mình thuộc ít lắm. Cán bộ muốn có Ot Ndrong, phải tìm tới nhà Điểu Kâu kìa. Anh em nó Ot 7 ngày 7 đêm cũng chưa hết đâu! Tiếng M’Nông, “ót” là hát kéo dài mãi không hết; “Ndrong” nghĩa đen là tên một loại cây có thể se vỏ làm dây thừng cột voi, nghĩa bóng là những câu chuyện xa xưa. Ot Ndrong  là hát kể chuyện xưa của người M’Nông. Thành quả ban đầu thúc giục đoàn nghiên cứu nhanh chân tìm đến những bon khác và lần lượt được các nghệ nhân cung cấp cho cả hệ thống sử thi đồ sộ .

 Điều thú vị nhất: Tất cả các sử thi này đều có bóng dáng nhân vật chính xuyên suốt là chàng Tiăng. Tâm huyết của những nhà nghiên cứu được đồng bào cảm thông và hết lòng giúp đỡ. Hiệu quả nhất là sự cộng tác của toàn gia nghệ nhân Điểu Kâu ở xã Đăk Rung, huyện Đăk R’lâp tỉnh Đăk Lăk cũ, nay thuộc tỉnh Đăk Nông. Ông Điểu Kâu sinh năm 1935 là một trí thức M’Nông hiếm hoi được đào tạo dưới thời thực dân Pháp, nguyên Thanh tra Giáo dục tỉnh Quảng Đức từng tham gia biên soạn sách giáo khoa song ngữ Kinh - M’Nông trước 1975, nay là người duy nhất có khả năng phiên âm và phiên dịch sử thi M’Nông. Ông Điểu Klứt 75 tuổi, nghệ nhân cao niên nhất diễn xướng được nhiều sử thi quý giá, chính là anh ruột Điểu Kâu. Ông Điểu Klung, người “ót” được nhiều nhất đến hơn 60 sử thi, là em ruột Điểu Kâu. Người phụ nữ trẻ nhất “ót” được sử thi trong cộng đồng M’Nông hôm nay tên Thị Mai, cũng chính là con gái Điểu Kâu. Dòng tộc này thực sự là một kho tàng văn hoá M’Nông. Họ đã tích cực cộng tác cùng các nhà khoa học để chính thức khai sinh Ot Ndrong bằng văn bản sau bao đời chuỗi sử thi quý giá này chỉ tồn tại bằng cách truyền miệng  trong dân gian.

Nghệ thuật Ot Ndrông

Đã có 30 sử thi được biên dịch ra tiếng Kinh trong chuỗi Ot Ndrong sưu tầm, đã và đang lần lượt xuất bản, gồm: Nước lụt, Đẻ Tiăng, Chàng Tiăng bán tượng gỗ, Tâm nghết (Lễ mừng lúa mới), Cướp bộ lục lạc, Cưới vợ cho Yang, Đánh trộm cá hồ Bư Bưi, Con khỉ ăn Yang Kon Rung, Gió xoáy Bon Tiăng, Lấy ché Yang Be của mẹ con Trời, Chặt trộm cây thuốc hút, Cà răng cho Yơn v…v…Khác với nghi thức kể  Khan- sử thi Ê Đê bó buộc thời gian, không gian (chỉ kể trong vòng đêm bên bếp lửa nhà sàn), người M’Nông có thể Ot Ndrong bất cứ nơi nào lúc nào . Tuy nhiên sự yên tĩnh tràn ngập bóng tối rừng khuya vẫn là môi trường tốt nhất cho việc diễn xướng sử thi nên Ot Ndrong  thường được cất lên trong những đêm rỗi rãi sau mùa rẫy hoặc vào dịp lễ hội hàng năm. 

 Vào buổi tối, dân làng kéo đến ngôi nhà trệt mái tranh rủ sát đất trông xa như mũ nấm khổng lồ. Nghệ nhân ngồi giữa, bên bếp lửa, khấn: ơ Yàng (thần, trời - TG), hôm nay người M’Nông chúng tôi muốn nghe kể Ot Ndrong để ôn lại truyền thống của ông bà và dạy con cháu nên người. Mời Yàng về chung vui và giúp bon năm mới mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ. ơ Yàng! Giọng ót nửa hát nửa kể, thủ thỉ trầm bổng ngân nga như suối chảy, chim hót , mưa rơi trên rừng đại ngàn . Ngồi đến khi mỏi, nghệ nhân tự nhiên ngả lưng xuống chiếc chiếu trải cạnh bếp, vắt tay lên trán mà ót. Người nghe cũng ngồi hoặc nằm im trong bóng tối mà thưởng thức, ai đến cứ đến, ai đi cứ đi, không gây tiếng động.

 Có lần cả 3 nghệ nhân Điểu Klứt, Điểu Glơi và Điểu Klung thay nhau kể 3 sử thi suốt 7 đêm liền. Trong 7 đêm đó dân làng đến đông đủ nghe và chứng kiến đoàn nghiên cứu ghi âm đến 32 băng catsette. Sau khi chỉnh lý, dịch thuật, sử thi “Tiăng Tăch Krăk” (Chàng Tiăng bán tượng gỗ) dài 4100 câu song ngữ đã được xuất bản. Chuyện rằng: Bon của chàng Tiăng giàu có nhất vùng, chiêng ché ngà voi chất đầy kho, nhưng lại thiếu thóc, muối và thuốc hút. Có người bàn với Tiăng đem đổi bộ chiêng quý cho bon Drôn - Srai người Khơ Me lấy hàng. Tiăng tiếc chiêng  bèn cùng anh em tạc tượng gỗ xinh đẹp giống y như em gái tên Mai: Khắc vòng chân sáng như cháy rừng/ Khắc vòng tay sáng như cháy cỏ/ Khắc vòng tai võng như dây Mpok/ Khắc đôi vú đẹp như hoa chuối …, Tiăng thổi ngải vào cho tượng có linh hồn rồi dạy tượng mọi kiến thức: Mai tượng gỗ biết kể chuyện núi rừng/Mai tượng gỗ biết kể gia phả/Mai tượng gỗ biết kể Ot Ndrong/ Mai tượng gỗ  biết kể luật tục…

 Cuộc đổi chác diễn ra thuận lợi, bon Tiăng đem về nhiều của cải, tù trưởng bon Drôn - Srai hết lòng say đắm nhan sắc tài nghệ của Mai. Mãi về sau, phát hiện Mai này chỉ là “hàng giả” nhưng tù trưởng quá nể tài tạc tượng của anh em Tiăng nên không bắt đền mà giữ tượng gỗ làm kỷ niệm. Qua sử thi Tiăng Tăch Krăk, ta biết được nhiều chi tiết thú vị về đời sống người M’Nông cổ xưa: Nghệ thuật điêu khắc gỗ, cách thức mua bán trao đổi hàng hoá bằng nô lệ, quan hệ bình đẳng giữa tù trưởng với dân làng, phong tục tập quán, hình ảnh và sinh hoạt của những bon làng giàu đẹp thanh bình, ở đó con người được đề cao, tình người được trân trọng. Ta biết được cách tư duy M’Nông giàu hình tượng, đẫm nhạc và thơ, thú vị và độc đáo, như lời mô tả chàng Tiăng thoát thai từ hòn trứng đá: Họ đặt tên nó là Tiăng con trứng / Từ đó Tiăng bắt đầu cười/ Nó cười như cá thoát nơm/ Như khố cười đùi/ Như ché cười cần…

Giá trị Ot Ndrong

Ot Ndrong hấp dẫn người nghe trước hết vì nó chứa đựng hết sức dồi dào quan niệm sơ khai về vũ trụ, con người và những sinh hoạt cộng đồng thời viễn cổ, mà nhiều giá trị trong những quan niệm đó đến nay vẫn chừng như mới mẻ lấp lánh. Nó cung cấp cho biết bao thế hệ M’Nông nối tiếp không chỉ tri thức, kinh nghiệm sống mà còn khơi dậy niềm tự hào về tổ tiên, nhắc nhở thúc giục con cháu bảo vệ và sống theo những truyền thống tốt đẹp. Nhiều khi người M’Nông sử dụng Ot Ndrong như những câu châm ngôn, bói toán, đoán bệnh, răn đe giáo dục con cháu. Một trong những câu nói bất ngờ tôi nghe được từ miệng Điểu Kâu, khi đến hầu chuyện cùng ông và tiến sĩ Đỗ Hồng Kỳ trong một căn phòng khách sạn nhỏ ngổn ngang băng catsette: ồ, nhà báo phải cẩn thận. Nhiều người  tả nghệ nhân vừa uống rượu cần vừa ot, không đúng đâu. Ot ndrong là bài học, đâu phải hát chơi. Uống rượu vô làm sao nhớ nữa mà ot. Nghệ nhân cũng không được ot ở nhà mình, chỉ ót trên rẫy hay ở nhà khác khi dân làng hâm mộ mời đến thôi.

Phát hiện Ot ndrong  là một thành công lớn của các nhà nghiên cứu sưu tầm. Mặt khác, đó cũng là niềm vui không nhỏ cho cộng đồng người M’Nông và đặc biệt là gia đình Điểu Kâu cùng nhiều nghệ nhân khác cộng tác với dự án. Qua những bản hợp đồng minh bạch và sòng phẳng, các nghệ nhân vui vẻ xây nhà sắm xe, rũ sạch vướng bận cơm áo để toàn tâm toàn ý ót, nghe băng, biên dịch, hiệu đính, truyền dạy cho lớp trẻ. Lấy gì làm chuẩn để so sánh Ot Ndrong với những sử thi anh hùng ở giai đoạn phát triển cao nổi tiếng thế giới của Hy Lạp, ấn Độ, Tây Tạng hoặc Nội Mông? Thật ra vốn từ vựng M’Nông chưa thật giàu có, ngôn ngữ Ot Ndrong còn nhiều chỗ cổ sơ. Tuy nhiên, về độ dài thì Ot Ndrong với 150 sử thi rời tổng cộng ước từ 25 - 30 triệu từ, được lưu truyền chỉ bằng những trí nhớ các già làng, rõ là đã khổng lồ đáng kinh ngạc, mà nhiều học giả hàng đầu nước ta như GS - TS Tô Ngọc Thanh, GS - TS Ngô Đức Thịnh, với tất cả sự cẩn trọng của nhà khoa học vẫn tự tin khẳng định rằng có thể xếp vào hàng sử thi dài nhất thế giới. Vậy cũng đã đủ vui rồi.

MỚI - NÓNG